Quyết liệt hơn để bình ổn giá

Sau vài tuần 'hạ nhiệt', người tiêu dùng chưa được hưởng lợi bao nhiêu thì mấy ngày vừa qua, giá thịt lợn hơi ở khu vực phía Bắc bất ngờ tăng lên gần 90.000 đồng/kg và dự báo sẽ tiếp tục 'leo thang' trong những ngày tới. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng của Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp bình ổn, điều tiết nhưng giá lợn hơi và thịt lợn vẫn tăng trở lại?

Sự tăng giá đột biến này do nhiều nguyên nhân như: Nhu cầu về thịt lợn của người dân tăng trong khi đàn lợn dự trữ ở các tỉnh phía Bắc không còn nhiều; một số doanh nghiệp có dấu hiệu đầu cơ găm hàng nhằm kiếm lãi cao hơn. Tuy nhiên, tựu trung lại từ những tín hiệu thị trường, có thể nói đến hai vấn đề là nguồn cung và các giải pháp quản lý giá, điều tiết thị trường.

Về nguồn cung cho thị trường, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào cuộc một cách quyết liệt, tích cực. Dấu ấn đó thể hiện rõ trong việc ngăn chặn, đẩy lùi bệnh Dịch tả lợn châu Phi, thúc đẩy việc tái đàn và gần đây là những thành công bước đầu trong vận động các doanh nghiệp, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sản xuất thịt lợn “kéo giá” lợn hơi xuống mức 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, phòng dịch và tái đàn phụ thuộc rất lớn vào người chăn nuôi nên không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, mà cần thời gian nhất định mới có thể tăng nguồn cung cho thị trường.

Cùng với đó, vấn đề đáng nói nữa là việc điều tiết thị trường, giá cả, nói cách khác là khâu lưu thông mặt hàng thịt lợn. Rào cản lớn nhất trong việc tổ chức lưu thông phân phối chính là lối chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đang tồn tại phổ biến hiện nay. Phương thức này đã dẫn đến việc người chăn nuôi không thể kết nối với các kênh tiêu thụ lớn. Sản phẩm chăn nuôi của nông dân gần như - nếu không muốn nói hoàn toàn phụ thuộc vào các tiểu thương (thương lái) nên thường thiếu sự ổn định. Từ “chuồng” ra “chợ” qua nhiều khâu trung gian, mất nhiều loại chi phí, mỗi thứ “cõng” một chút đã kéo theo giá thịt lợn tăng. Theo một thống kê, chi phí cho những khâu trung gian này chiếm khoảng 30% giá thành thịt lợn…

Giá thịt lợn trồi sụt thất thường cho thấy có rất nhiều vấn đề đặt ra và đã đến lúc phải nhìn nhận một cách thực tế về tính hiệu quả của các giải pháp bình ổn thị trường trong thời gian qua để có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn bảo đảm cung ứng đủ mặt hàng thịt lợn cho người dân với mức giá hợp lý.

Để kéo giảm giá thịt lợn thì vấn đề cốt lõi vẫn là tăng nguồn cung ra thị trường. Do vậy, cần có chính sách ưu đãi cho các trang trại đủ điều kiện để nhanh chóng tái đàn và bảo đảm tái đàn một cách an toàn. Cùng với đó là việc tạo điều kiện cho sản phẩm thịt lợn lưu thông qua các địa phương để hạn chế tình trạng tăng giá cục bộ, gây bất ổn thị trường. Và trong thời gian nguồn cung thịt lợn vẫn còn khan hiếm, có thể tính toán tiếp tục nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Với diễn biến thị trường hiện nay, việc tăng cường những giải pháp “mạnh” để quản lý chặt thị trường, hạn chế việc buôn bán thịt lợn sang các nước láng giềng là vấn đề rất đáng phải lưu tâm. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, tăng giá cũng như hạn chế tình trạng “đội giá”. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các chuỗi liên kết, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, từ đó giảm các khâu trung gian, giảm giá thành sản phẩm.

Giá thịt lợn tăng trở lại kéo theo những bất thường của thị trường thực phẩm - điều này không chỉ thêm gánh nặng cho mỗi gia đình mà còn tác động tiêu cực đến chỉ số giá tiêu dùng. Do vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc với những giải pháp quyết liệt hơn để bình ổn thị trường.

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/960164/quyet-liet-hon-de-binh-on-gia