Quy hoạch nhà cao tầng nội đô: Mất kiểm soát vì thiếu chế tài đủ mạnh
Thời gian qua công tác quy hoạch, xây dựng các công trình cao tầng trong khu vực nội đô gặp nhiều 'bế tắc' khi đưa ra yêu nhưng lại không có quy định cụ thể mà chỉ dựa vào một số văn bản quy phạm pháp luật quy định chung chung.
Trong đề án Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch 2017, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương kiểm soát sự gia tăng dân số và phát triển nhà cao tầng khu vực nội đô, kết hợp tăng cường quản lý hoạt động xây dựng, xử lý nghiêm vi phạm về quy hoạch đô thị.
Nhức nhối vấn đề quy hoạch nhà cao tầng
Hệ quả của việc quy hoạch, phát triển nhà cao tầng trong khu vực nội đô của các TP lớn đang ngày càng nghiêm trọng, bởi tình trạng quá tải hạ tầng dẫn đến tắc đường, khói bụi, ô nhiễm môi trường... xảy ra liên tục với tần suất, cường độ cao hơn. Đơn cử như khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) - một trong những khu đô thị kiểu mới đầu tiên của TP Hà Nội, đã từng được nhận giải thưởng Quốc gia về thiết kế kiểu mẫu. Tuy nhiên, sau một thời gian xây dựng tràn lan, khu đô thị này đã mất đi quy hoạch kiểu mẫu từng có. Nguyên nhân do các tòa nhà cao tầng được xây dựng với mật độ cao biến nơi đây trở thành khu đô thị đông dân nhất của Hà Nội, kéo theo tình trạng quá tải về hạ tầng giao thông, an sinh xã hội.
“Dân số cơ học của quận tăng nhanh, mỗi năm có thêm từ 4.000 - 5.000 học sinh cần lo chỗ ăn học, dẫn đến việc thiếu trường lớp. Tính đến thời điểm hiện tại, quận còn thiếu 10 trường mầm non, hơn 10 trường tiểu học, sĩ số học sinh khối mầm non đến trung học phổ thông của quận Hoàng Mai đều vượt mức trung bình trong một lớp” - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho hay.
Không chỉ riêng khu đô thị Linh Đàm, trên địa bàn Hà Nội còn nhiều khu vực có những công trình nhà cao tầng được xây dựng nhưng không đảm bảo hài hòa yếu tố hạ tầng, dẫn đến tình trạng quá tải, như các tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Minh Khai, Nguyễn Trãi... đã trở thành những “điểm nóng” về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.
Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực nội đô Hà Nội có khoảng trên 300 công trình cao tầng hiện hữu đã được cấp phép xây dựng hoặc đang thi công; cùng với đó là hơn 200 công trình nhà cao tầng và tổ hợp công trình khác đang được xem xét quy hoạch. Điều đó cho thấy, quỹ đất trong đô thị vẫn đang từng ngày được lấp đầy và những khoảng không gian xanh, công trình công cộng thiết yếu ngày càng bị thu hẹp.
“Với cách làm đó, đã giải quyết một vấn đề đô thị này bằng một vấn đề đô thị khác. Hệ quả là áp lực dân số nội đô và sự thiếu thốn tiện nghi đô thị không hề giảm mà thậm chí còn gia tăng” - TS. KTS Trần Minh Tùng, trường Đại học Xây dựng, nhìn nhận.
Nên xây dựng quy định riêng
Từ đầu thập niên 1990 đến nay, không chỉ riêng Hà Nội mà nhiều đô thị lớn khác, như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ... quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều khu đô thị mới, dân số tăng nhanh kéo theo xu hướng phát triển “đô thị nén” (tăng mật độ xây dựng, chiều cao công trình - PV). Nhưng đến thời điểm hiện tại, các đô thị đang chứng kiến sự phát triển ồ ạt của những chung cư, nhà cao tầng... đáng quan ngại. Những công trình này lại được “cài cắm” một cách dễ dàng ở những khu vực nội đô, gây ra sự hỗn độn về thiết kế kiến trúc và tương phản với cảnh quan, kiến trúc sẵn có.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, mặc dù hệ thống pháp luật về xây dựng, quy hoạch đô thị đã cơ bản đầy đủ để điều chỉnh toàn diện hoạt động về quy hoạch, đầu tư xây dựng, bao gồm: Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Quy hoạch 2017, Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch và nghị định, thông tư hướng dẫn..., nhưng quá trình quản lý, phát triển đô thị, việc tập trung xây dựng chung cư cao tầng chưa tính toán đến khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, chậm đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật, công viên, cây xanh, các thiết chế văn hóa, dịch vụ cộng đồng... vẫn xảy ra.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05 về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt; Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai lập đề án Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch 2017 nhằm xây dựng, phát triển mạng lưới đô thị hài hòa, cân đối giữa các vùng miền, giữa đô thị với nông thôn; phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, xã hội, kỹ thuật đô thị.
Căn cứ vào đề án trên, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật, kiểm soát chặt chẽ quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng; xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm vi phạm về quy hoạch đô thị tại địa phương. Đồng thời kiểm soát sự gia tăng dân số, phát triển nhà cao tầng khu vực nội đô. Phát triển khu đô thị tại các đầu mối giao thông công cộng lớn nhằm rút ngắn khoảng cách đi lại, tăng cường sử dụng giao thông công cộng của người dân...
Liên quan đến nội dung này, KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận, thời gian qua công tác quy hoạch, xây dựng các công trình cao tầng trong khu vực nội đô gặp nhiều “bế tắc”. Trước hết, từ sự thiếu thống nhất, đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Xây dựng với chính quyền địa phương. Bộ Xây dựng đưa ra yêu cầu về quản lý quy hoạch và phát triển nhà cao tầng khu vực nội đô, nhưng lại không đưa ra quy định cụ thể như thế nào mà chỉ dựa vào một số văn bản quy phạm pháp luật quy định chung chung.
Ví dụ, trong trường hợp cụ thể nếu một dự án xây dựng đúng chỉ giới đường đỏ, mật độ, nhưng hệ số xây dựng (chiều cao công trình) lại tăng lên, Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ phải đưa ra được biện pháp xử lý như thế nào, chứ không thể nói một cách chung chung là “tăng cường xử lý”.
“Tôi cho rằng, cần phải xây dựng một quy định riêng về việc xử lý những vi phạm liên quan đến quy hoạch, phát triển nhà cao tầng. Trong đó sử dụng 2 công cụ chính là công cụ hành chính và công cụ tài chính, nhưng về công cụ hành chính thì Bộ Xây dựng đã trao hết cho địa phương rồi. Vì vậy chế tài phải làm đó là công cụ tài chính, cần quy định mức phạt tiền cụ thể từng hành vi vi phạm và nâng cao mức xử phạt hơn nữa để địa phương lấy đó làm căn cứ thực hiện” - KTS Trần Huy Ánh nêu.
Các chuyên gia cho rằng, việc quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình “đô thị nén” giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị; người dân được hưởng lợi từ việc sở hữu những nhà ở không quá xa trung tâm, với những dịch vụ và tiện ích công cộng phong phú. Nhưng hiểm họa từ việc quy hoạch, phát triển công trình cao tầng một cách tràn lan sẽ gây ra những hệ lụy lớn, vì vậy ngay từ lúc này công tác quy hoạch cần phải được siết chặt hơn để tránh những bất cập từ việc quá tải hạ tầng trong nội đô như hiện nay.
Việc xen cấy số lượng lớn nhà cao tầng vào nội đô làm trầm trọng thêm nạn ô nhiễm không khí, trong khi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thuộc khu vực có những TP bị ô nhiễm nhiều nhất Đông Nam Á. Các tòa nhà cao tầng là những cỗ máy tiêu thụ năng lượng khổng lồ, chúng cũng tham gia đáng kể vào việc phát thải khí cacbon ra môi trường và gia tăng hiện tượng đảo nhiệt đô thị làm bề mặt trái đất nóng lên.
PGS.TS.KTS Khuất Tấn Hưng, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội