Quy hoạch hệ thống trường chuyên biệt: Nhiều việc phải làm
Trao đổi của TS Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) về quy hoạch hệ thống trường chuyên biệt...
Trao đổi về các nội dung xung quanh “Dự thảo Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, TS Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết cần huy động nhiều nguồn lực trong quá trình triển khai.
Mục tiêu rõ ràng
- Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đặt ra những mục tiêu cụ thể ra sao, thưa ông?
- Dự thảo lần này có quan điểm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục đối với người khuyết tật, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và các chiến lược, quy hoạch khác có liên quan.
Phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trên cơ sở củng cố, phát triển những cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật đã có, thành lập mới các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật theo lộ trình để ngày càng hoàn thiện hệ thống.
Mục tiêu tổng quát nhằm bảo đảm về số lượng, cơ cấu và chất lượng; đáp ứng yêu cầu tạo cơ hội công bằng trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ giáo dục có chất lượng và nhu cầu học tập suốt đời đối với người khuyết tật ở các địa phương.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phấn đấu có ít nhất 50% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là đơn vị cấp tỉnh) có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập. Củng cố, phát triển 35 cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật công lập đã có, trong đó tập trung phát triển 12 cơ sở đã có bề dày, truyền thống trong số này để bảo đảm nhu cầu giáo dục đa dạng đối với người khuyết tật.
Đến năm 2030 phấn đấu 100% số đơn vị cấp tỉnh có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập. Vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật gồm 12 cơ sở.
Tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập hoạt động có hiệu quả, hội nhập khu vực châu Á; bảo đảm người khuyết tật hoàn thành giáo dục bắt buộc và phổ cập giáo dục theo quy định, mở ra các cơ hội học tập suốt đời.
Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ
- Ông có thể cho biết, Bộ GD&ĐT có phương án nào để phát triển đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất các trường chuyên biệt khi thực hiện quy hoạch này?
- Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập phải đủ về số lượng, đạt trình độ chuẩn được đào tạo, phù hợp với vị trí việc làm đáp ứng quy định về giáo dục đối với người khuyết tật.
Trong dự thảo quy hoạch đều tính đến số lượng giáo viên, nhân viên phục vụ trong hệ thống theo lộ trình. Lực lượng giáo viên làm việc trong hệ thống sẽ là các giáo viên mầm mon, phổ thông được bồi dưỡng các chứng chỉ liên quan đến giáo dục đối với trẻ em, học sinh khuyết tật. Ngoài ra, một số trong đó sẽ là giáo viên tốt nghiệp ngành Giáo dục đặc biệt của các trường sư phạm.
Về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, các công trình của cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật: Hệ thống được thiết lập với cơ sở bảo đảm đủ diện tích đất xây dựng với các phòng học, chức năng phù hợp theo quy chuẩn/ tiêu chuẩn; đáp ứng nhu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất cần thiết về giáo dục đối với người khuyết tật. Dần dần các chuẩn về cơ sở vật chất sẽ được ban hành để thực hiện mục tiêu này.
- Để dự thảo quy hoạch này được thông qua và đi vào triển khai thì cần các giải pháp đồng bộ và sự chung tay của nhiều Bộ/ngành. Ông nghĩ sao về điều này?
- Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đối với người khuyết tật: Vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; chế độ ưu tiên, khuyến khích thu hút nhà chuyên môn tham gia vào giáo dục người khuyết tật và cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; chế độ ưu tiên, giúp đỡ người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật được can thiệp sớm, giáo dục phù hợp với khả năng và nhu cầu.
Nhà nước cần ban hành các chính sách đầu tư cho cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho người khuyết tật và các trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập vùng sâu, xa, khó khăn; hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số khuyết tật được tiếp cận công bằng với giáo dục dành cho người khuyết tật. Xây dựng ban hành chính sách về đầu tư cho hoạt động nghiên cứu về giáo dục đối với người khuyết tật.
Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về hội nhập quốc tế trong phát triển giáo dục đối với người khuyết tật trên cơ sở phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các chính sách hội nhập quốc tế cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước và cam kết quốc tế để phát triển giáo dục dành cho người khuyết tật.
Huy động nhiều nguồn lực
- Theo ông, để phát triển nguồn nhân lực cho các trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ người khuyết tật cần thực hiện những gì?
- Dự kiến tiếp tục củng cố và phát triển 1 đơn vị giáo dục đặc biệt cấp quốc gia đóng vai trò dẫn dắt về chuyên môn cho hệ thống, thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho Bộ GD&ĐT trong công tác xây dựng chính sách, chiến lược và quản lý hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật. Đơn vị này được phát triển trên cơ sở tái cấu trúc từ một số đơn vị thực hiện công tác giáo dục người khuyết tật của ngành Giáo dục.
Bên cạnh đó, phát triển các chương trình bồi dưỡng, đa dạng hóa chương trình đào tạo giáo viên, nhân viên giáo dục đối với người khuyết tật, chuẩn hóa về trình độ theo yêu cầu ngày càng cao của giáo dục dành cho người khuyết tật, đáp ứng đa dạng nhu cầu hỗ trợ của người khuyết tật theo dạng tật và mức độ khuyết tật.
Chúng ta cũng dự kiến phát triển hệ thống dự báo cung cầu về nguồn nhân lực giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục dành cho người khuyết tật trong cả nước. Trên cơ sở đó thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo nhân lực theo dự báo quy mô và cập nhật chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong lĩnh vực giáo dục người khuyết tật phù hợp, đạt chuẩn.
Đặc biệt, chúng ta cũng đặt ra mục tiêu sử dụng ít nhất 1% nguồn nhân lực là người khuyết tật trong mỗi cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Huy động, hình thành và phát triển đội ngũ tình nguyện viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật góp phần đáp ứng nhu cầu giáo dục đa dạng người khuyết tật.
- Vấn đề tài chính cũng là yếu tố quan trọng, chúng ta sẽ giải quyết bài toán này như thế nào?
- Theo phân cấp quản lý về giáo dục, nguồn kinh phí để triển khai quy hoạch này chủ yếu từ ngân sách của các địa phương. Thực ra, việc có thêm một cơ sở giáo dục đối với người chuyên biệt hoặc một trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở địa phương tương tự như việc thành lập một nhà trường phổ thông (tiểu học, trung học) và các địa phương vẫn triển khai hằng năm.
Bên cạnh đó, dự kiến cũng sẽ có một số chương trình, đề án từ ngân sách Trung ương và nguồn hợp pháp khác giúp cho các địa phương còn gặp khó khăn và phát triển đơn vị dẫn dắt hệ thống. Mong rằng từ đó, chúng ta sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập một cách đồng bộ, tiến tới đạt trình độ của khu vực.
Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục người khuyết tật bằng cách tăng kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước; tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ kinh phí, kỹ thuật và kinh nghiệm từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để triển khai, thực hiện quy hoạch.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục và hỗ trợ người khuyết tật; huy động tối đa các nguồn lực cho công tác giáo dục người khuyết tật. Tăng cường hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cho công tác giáo dục người khuyết tật.
- Xin cảm ơn ông!
Chúng ta cần tăng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giảng viên, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật tại các cơ sở đào tạo giáo viên, cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật trong cả nước thông qua nâng cao trình độ hoặc bồi dưỡng thường xuyên.
Ngoài ra, có thể chủ động hội nhập quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ, viện trợ trong công tác giáo dục người khuyết tật. Đẩy mạnh nghiên cứu, tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục đối với người khuyết tật. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách có tri thức, kỹ năng hội nhập, nắm vững nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu của công tác hội nhập quốc tế về giáo dục người khuyết tật trong giai đoạn mới. - TS TẠ NGỌC TRÍ