Quy đổi tiết dạy hợp lý, GV phụ đạo, bồi dưỡng học sinh giỏi không còn 'tâm tư'

Việc hướng dẫn cụ thể, rõ ràng của Thông tư 05 giúp cho nhà trường thuận lợi phân công và giáo viên được phân công cũng không còn phải băn khoăn, tâm tư.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/4/2025 và thay thế Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT.

Điều đáng mừng ở chỗ Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT đã quy định rõ ràng từng nhiệm vụ cụ thể của giáo viên. Bên cạnh đó là việc hướng dẫn giảm định mức giảng dạy cho một số công việc kiêm nhiệm, một số nhiệm vụ của giáo viên được nhà trường phân công hằng năm.

Trong đó, việc tính quy đổi số tiết dạy thêm (phụ đạo) cho học sinh có học lực chưa đạt và số tiết quy đổi cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường đang được nhiều giáo viên quan tâm, đồng thuận.

Việc hướng dẫn cụ thể, rõ ràng của Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT giúp cho nhà trường thuận lợi phân công và giáo viên khi được phân công cũng không còn phải băn khoăn, tâm tư về công việc mình đảm nhận, thực hiện.

 Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn

Nhiều năm nay giáo viên phụ đạo và bồi dưỡng học sinh giỏi khá thiệt thòi

Là giáo viên cấp trung học cơ sở, nhiều năm qua bản thân người viết bài năm nào cũng phụ đạo cho học sinh yếu kém (chưa đạt) 4 lần ở các thời điểm trước kiểm tra giữa kỳ và trước kiểm tra học kỳ nhưng tất cả các lần phụ đạo không được nhà trường cộng vào định mức tiết dạy. Thông thường, ban giám hiệu nhà trường thường cho rằng đây là trách nhiệm của giáo viên bộ môn nên công việc này cứ “đến hẹn lại lên”.

Trong khi, những giáo viên phụ đạo cho học sinh chưa đạt chủ yếu ở các môn: Toán, Văn, tiếng Anh. Các môn khác nhà trường không tiến hành phụ đạo mà thực tế các môn học khác không liên quan đến thi tuyển sinh 10 nên điểm cũng thường cao chót vót, rất ít học sinh bị xếp loại học lực chưa đạt.

Bên cạnh việc phụ đạo thì việc bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa cũng là nỗi tâm tư của không ít giáo viên khi đảm nhận công việc này. Bởi, cách tính định mức ôn thi học sinh giỏi mỗi trường mỗi kiểu khác nhau. Có trường thì tính cả khóa ôn học sinh giỏi (kể cả cấp huyện và cấp tỉnh) là 40 tiết; có trường tính định mức 2 tiết/ tuần; có trường tính định mức 4 tiết/ tuần.

Việc tính định mức tiết dạy bồi dưỡng học sinh giỏi như vậy đối với những môn ít tiết như Giáo dục công dân (1 tiết/ tuần); Lịch sử; Địa lí, Sinh học, Vật lý, Hóa học, Tin học (có từ 1,5-2 tiết/ tuần) nên kiến thức không nhiều, giáo viên có thể ôn theo định mức là học sinh có thể đáp ứng được yêu cầu thi học sinh giỏi.

Riêng môn Ngữ văn 9 mỗi tuần có 5 tiết (chương trình 2006) và hiện nay có 4 tiết/ tuần (chương trình 2018); môn Toán 4 tiết/ tuần; môn tiếng Anh 3 tiết/ tuần thì việc quy định định mức như các nhà trường đã và đang tính cho giáo viên là quá ít.

Muốn học sinh đạt giải, giáo viên phải ôn nhiều mới hết kiến thức đã học nên thông thường mỗi tuần giáo viên Văn, Toán, Anh phải ôn từ 2-3 buổi, mỗi buổi từ 2-3 tiết, giai đoạn gần thi còn tăng buổi, tăng tiết cho học sinh.

Nhưng, có trường chỉ tính 2 tiết/ tuần, thậm chí cả khóa 6-8 tháng tính 40 tiết nên nhiều khi giáo viên cảm thấy chạnh lòng.

Vì thế, không ít giáo viên sẽ tìm lí do thoái thác và đa phần giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi là các thầy cô đang kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn; hoặc có trường phải thực hiện xoay vòng giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi.

Năm này giáo viên này ôn, sang năm đến lượt giáo viên khác vì công việc áp lực mà không phải giáo viên nào ôn thi cũng có giải bởi kỳ thi học sinh giỏi lấy tỉ lệ rất thấp, dao động khoảng 20-40% kể cả cấp huyện và cấp tỉnh.

Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT hướng dẫn quy đổi dạy thêm cho học sinh chưa đạt và bồi dưỡng học sinh giỏi ra sao?

Những bất cập của cách quy đổi số tiết quy đổi khi phụ đạo và bồi dưỡng học sinh giỏi trước đây và hiện nay, Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT đã phần nào ghi nhận đúng công sức giáo viên bỏ ra khi phụ đạo và bồi dưỡng học sinh giỏi.

Cụ thể, theo Khoản 3, Khoản 4 Điều 13, Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT hướng dẫn quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy như sau: “Giáo viên dạy phụ đạo cho học sinh hoặc dạy thêm cho học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, thì 1 tiết dạy trực tiếp được quy đổi tối đa không quá 1,5 tiết định mức;

Giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi; bồi dưỡng học sinh tham gia Hội khỏe Phù đổng; bồi dưỡng học sinh tham gia Hội thao Giáo dục Quốc phòng và An ninh; hướng dẫn học sinh tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật; hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường thì 1 tiết dạy trực tiếp (hoặc trực tuyến) được quy đổi tối đa không quá 2 tiết định mức”.

Với hướng dẫn cụ thể của Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT, các trường học và giáo viên có cơ sở pháp lý để phân công, nhận nhiệm vụ trong từng năm học.

Thực tế, việc phụ đạo hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi đều rất vất vả. Phụ đạo thì đối tượng học là học sinh yếu kém (chưa đạt) nên phải kèm cặp, chỉ bảo tận tình, thường xuyên phải khích lệ, động viên học sinh mới vào học, chịu lắng nghe vì phần nhiều học sinh tham gia phụ đạo là những em…lười học.

Đối với việc bồi dưỡng học sinh giỏi thì ngoài việc trang bị kiến thức cơ bản, giáo viên phải trang bị cho học sinh kiến thức mở rộng, nâng cao nên các thầy cô đảm nhận công việc này luôn phải tìm tòi, trang bị nhiều kiến thức mới có thể bồi dưỡng cho học sinh hiệu quả, nhất là khi ngành đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực.

Một chút băn khoăn về hướng dẫn quy đổi tiết dạy

Nếu như Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT thay vì dùng cụm từ “được quy đổi tối đa” thành “được quy đổi thành” sẽ phù hợp hơn bởi vì cụm từ “được quy đổi tối đa” thì có thể nhà trường tính 1 tiết phụ đạo thành 1,5 tiết; 01 tiết bồi dưỡng học sinh giỏi thành 1,5 hoặc 02 tiết định mức.

Nhưng, ban giám hiệu nhà trường cũng có thể quy đổi 01 tiết phụ đạo, hoặc 01 tiết bồi dưỡng học sinh giỏi là 01 tiết định mức cũng không sai và giáo viên cũng không thắc mắc được. Bởi, đó là quy đổi tối đa, còn nhà trường thì tính ở mức “tối thiểu”.

Bên cạnh Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT thì Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (bao gồm cả phụ đạo và bồi dưỡng học sinh giỏi) trong nhà trường hướng dẫn mỗi tuần không được tổ chức dạy quá 2 tiết cũng khiến không ít giáo viên băn khoăn.

Việc phụ đạo mỗi tuần 1- 2 tiết là đủ, thậm chí giáo viên chỉ cần phụ đạo vào thời điểm học sinh gần kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ nhưng bồi dưỡng học sinh giỏi, nhất là những môn nhiều tiết như: Toán, Văn, Ngoại ngữ thì lại quá ít.

Vì với số tiết được quy định như thế này, giáo viên rất khó để bồi dưỡng cho học trò được hiệu quả bởi thực tế môn Ngữ văn và Toán ở cấp trung học cơ sở mỗi tuần đã có 4 tiết. Muốn có kết quả tốt, bắt buộc giáo viên phải tăng tiết và tất nhiên những tiết này sẽ không được tính vào định mức giảng dạy.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/quy-doi-tiet-day-hop-ly-gv-phu-dao-boi-duong-hoc-sinh-gioi-khong-con-tam-tu-post249723.gd