Quy định về chế độ tai nạn lao động được hưởng, có thể nhiều người người chưa nắm rõ
Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động. Mức hưởng chế độ tai nạn lao động hiện nay được quy định thế nào?
Tai nạn lao động tại Công ty Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 10 người thương vong
Ngày 22/4, một vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại một nhà xưởng thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 7 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương.
Danh tính 7 người tử vong được xác định gồm: Nông Văn T (xã Xuân Lai), Nông Văn Th (xã Xuân Lai), Mai Thiên H (xã Xuân Lai), Lê Mạnh C (xã Yên Bình); Nguyễn Danh M, Phan Ngọc L, Phạm Xuân Tr (xã Thịnh Hưng).
3 người bị thương đã được đưa đi bệnh viện cấp cứu là Nông Văn T (xã Tân Nguyên), Phạm Minh D (xã Đại Đồng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái), Phạm Ngọc L (xã Việt Cường, huyện Trấn Yên).
Nguyên nhân ban đầu, được xác định do sự cố động cơ điện của máy nghiền đã dẫn đến tai nạn cho các công nhân đang trực tiếp thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái và Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đã tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ các gia đình có các nạn nhân xấu số; đồng thời xử lý nghiêm minh vụ việc theo quy định của pháp luật.
Tai nạn lao động là gì?
Theo Khoản 8, Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Tai nạn lao động có thể xảy ra tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, hoặc ngoài nơi làm việc và ngoài giờ làm việc khi người lao động thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc bị tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại.
Phân loại tai nạn lao động hiện nay
Việc phân loại tai nạn lao động theo Điều 9 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định như sau:
(1) Tai nạn lao động làm chết người lao động (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động chết người) là tai nạn lao động mà người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Chết tại nơi xảy ra tai nạn;
+ Chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu;
+ Chết trong thời gian điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y;
+ Người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích.
(2) Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động nặng) là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong những chấn thương được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
(3) Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động nhẹ) là tai nạn lao động không thuộc trường hợp quy định tại (1) và (2).
Khi nào người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động?
Tại Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau:
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp:
+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại Khoản 1 Điều này.
- Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại Khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Theo quy định nêu trên, người lao động đáp ứng những điều kiện trên sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động.
Bị tai nạn lao động sẽ được hưởng những chế độ gì?
Căn cứ thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động sẽ được trợ cấp từ quỹ của cơ quan bảo hiểm và từ phía người sử dụng lao động.
Trợ cấp từ quỹ tai nạn lao động của cơ quan bảo hiểm
Tùy từng trường hợp căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động mà người lao động sẽ được hưởng trợ cấp khác nhau:
Trường hợp mức độ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến dưới 31%
Trường hợp này người lao động hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần. Mức suy giảm khả năng lao động là 5% thì được hưởng mức tính bằng 5 lần tiền lương cơ sở. Nếu tỷ lệ cao hơn thì cứ thêm 1% sẽ được cộng thêm 1/2 lương cơ sở.
Ngoài ra, người lao động còn được hưởng thêm theo thâm niên đóng BHXH. Nếu thời gian đóng từ 1 năm trở xuống thì sẽ được hưởng 1/2 tháng; trên 1 năm thì cứ mỗi năm sẽ được cộng một khoản bằng 30% mức lương đóng bảo hiểm của tháng gần nhất trước thời gian người lao động xin nghỉ vì tai nạn lao động.
Trường hợp mức độ suy giảm khả năng lao động trên 31%
Người lao động sẽ được trợ cấp hàng tháng khi bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên:
Mức trợ cấp thấp nhất được tính bằng 30% tiền lương cơ sở (tỷ lệ suy giảm lao động là 31%). Nếu tỷ lệ cao hơn thì cứ thêm 1% sẽ được hưởng trợ cấp 2% lương cơ sở.
Mức trợ cấp theo thâm niên tham gia BHXH sẽ được tính như trường hợp trên (trường hợp tỷ lệ suy giảm 5% đến dưới 31%).
Trợ cấp trong trường hợp suy giảm 81% trở lên
Trường hợp này người lao động được trợ cấp phục vụ nếu như: cột sống bị liệt, cả hai mắt bị mù, tâm thần, hai chân bị liệt hoặc cụt. Khoản trợ cấp được hưởng tính bằng tiền lương cơ sở quy định tại thời điểm đó.
Trợ cấp một lần khi chết
Người lao động sẽ được hưởng trợ cấp một lần trong trường hợp này. Mức tính hưởng tính bằng 36 lần tiền lương cơ sở theo quy định tại thời điểm đó.
Hỗ trợ phương tiện, dụng cụ sinh hoạt hoặc để chỉnh hình
Ngoài các khoản tiền trợ cấp tính theo lương cơ sở, người lao động sẽ được cung cấp thêm một số dụng cụ, phương tiện. Các loại dụng cụ này để hỗ trợ cho người lao động do bị thương tật, suy giảm khả năng làm việc.
Trợ cấp khi nghỉ dưỡng sức, hồi phục
Sau quá trình điều trị, người lao động sẽ được nghỉ ngơi dưỡng sức để hồi phục sức khỏe, thời gian tính như sau:
Nếu tỷ lệ suy giảm lao động từ 15% đến 30% thì thời gian nghỉ nhiều nhất 05 ngày.
Nếu tỷ lệ suy giảm lao động từ 31% đến 50% thì thời gian nghỉ nhiều nhất 07 ngày.
Trường hợp người lao động bị suy giảm trên 50% thì nghỉ tối đa 10 ngày.
Trong thời gian nghỉ dưỡng sức, người lao động sẽ được hưởng một khoản trợ cấp. Nếu người lao động nghỉ tại nơi ở thì được hưởng trợ cấp bằng 25% tiền lương cơ sở, còn nghỉ ở nơi tập trung thì tiền trợ cấp bằng 40% mức lương cơ sở.
Chế độ từ phía người sử dụng lao động
Người lao động đang làm việc tại đơn vị mà đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn trong lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp một số khoản dưới đây:
Thanh toán các chi phí các khoản không được BHYT chi trả đối với người có đóng BHYT. Đối với người không tham gia BHYT, người sử dụng lao động phải thanh toán toàn bộ chi phí y tế trong quá trình điều trị.
Thanh toán tiền lương cho người lao động trong quá trình nghỉ việc để điều trị.
Bồi thường cho trong trường hợp tai nạn không do lỗi của người lao động.
Mức độ suy giảm từ 5% đến dưới 11% thì được trợ cấp một khoản bằng 1,5 lần tháng lương theo thỏa thuận, hợp đồng lao động. Nếu tỷ lệ này cao hơn (11% - dưới 81%) thì cứ thêm 1% thì mức trợ cấp sẽ cộng thêm 40% tiền lương thỏa thuận.
Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng từ 81% trở lên thì được hưởng trợ cấp tối thiểu bằng 30 tháng lương.
Trường hợp tai nạn do lỗi của người lao động thì sẽ được người sử dụng lao động bồi thường tối thiểu 40% tiền lương căn cứ vào các tỷ lệ suy giảm lao động nêu trên.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm thường xuyên chăm lo cho người lao động bị tai nạn, sắp xếp công việc phù hợp điều kiện sức khỏe nếu người lao động có quay trở lại làm việc sau điều trị.
Khi nào người lao động nhận được bồi thường tai nạn lao động?
Tại Điều 7 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH có quy định như sau:
"Quyết định bồi thường, trợ cấp của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được hoàn tất trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được biên bản giám định của Hội đồng Giám định Y khoa về mức độ suy giảm khả năng lao động đối với những vụ tai nạn lao động nặng hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh hoặc cấp trung ương tổ chức cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động tại cơ sở đối với những vụ tai nạn lao động chết người.
Tiền bồi thường, trợ cấp phải được thanh toán một lần cho người lao động hoặc thân nhân của họ, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày người sử dụng lao động ra quyết định bồi thường, trợ cấp".
Theo đó, tiền bồi thường phải được thanh toán một lần cho người lao động hoặc thân nhân của họ trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày người sử dụng lao động ra quyết định bồi thường, trợ cấp.
Thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động
Người lao động muốn hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động thì cần chuẩn bị một số hồ sơ, giấy tờ sau:
- Sổ BHXH xác nhận quá trình tham gia đóng bảo hiểm tại doanh nghiệp.
- Giấy tờ, hồ sơ bệnh án nếu người lao động phải điều trị nội trú tại cơ sở y tế, bệnh viện. Giấy ra viện sau khi được chỉ định xuất viện.
- Giấy tờ, biên bản giám định thương tật của Hội đồng giám định y khoa, xác nhận tỷ lệ suy giảm lao động của người lao động.
- Mẫu 05A-HSB để gửi lên cơ quan BHXH đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.