Quy định đã nghiêm càng yêu cầu phải xử lý nghiêm

Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng được cho là có sự răn đe cao hơn. Nhưng để quy định phát huy giá trị trong cuộc sống đòi hỏi việc xử lý cũng phải nghiêm.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng không chỉ gây bức xúc cho dân cư, còn làm phá vỡ cảnh quan, quy hoạch, tạo áp lực không nhỏ lên việc phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quy định của pháp luật không còn theo kịp, không bao quát hết diễn biến thực tế.

Tuy nhiên, một thông tin rất được chờ đợi đó là Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng vừa có hiệu lực thi hành. Tại Nghị định này đã điều chỉnh tăng mức phạt tiền lên cao hơn nhiều so với Nghị định 139/2017/NĐ-CP trước đó. Cụ thể, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đã bãi bỏ 121 hành vi không còn phù hợp; bổ sung 138 hành vi mới nhằm phân định rõ hơn các hành vi vi phạm trong từng lĩnh vực để đảm bảo tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm phù hợp với thực tiễn. Theo đó, điều chỉnh tăng mức phạt tiền từ 1,5 đến 2 lần so với Nghị định số 139/2017/NĐ-CP và tăng nặng đối với một số hành vi, nhóm hành vi có tỷ lệ vi phạm cao.

Cụ thể, đối với vi phạm về lập, điều chỉnh quy hoạch tăng mức xử phạt tối đa lên 4,5 lần, đến 300 triệu đồng. Mức xử phạt về vi phạm quy định quản lý, phát triển nhà cũng nâng lên 150 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với trước đó. Đặc biệt, đối với vi phạm về trật tự xây dựng, mức xử phạt tiền cao nhất lên đến 1 tỷ đồng. Đối với vi phạm về kinh doanh bất động sản, mức xử phạt cũng tăng lên 1 tỷ đồng. Đây là mức phạt kịch trần theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020.

Cùng với tăng nặng mức phạt, thẩm quyền xử phạt cũng có sự thay đổi theo hướng tăng thẩm quyền cho cấp trực tiếp tại cơ sở. Theo đó, điều chỉnh thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức phạt của chủ tịch UBND cấp huyện, chánh thanh tra cấp sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ, cấp sở cụ thể hơn so với Nghị định 139/2017/NĐ-CP, “trao quyền” cho chủ tịch UBND cấp huyện được xử phạt mức lên tới 200 triệu đồng, tăng gấp đôi so với trước đó.

Với bước đột phá này, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP được cho là có sự răn đe cao hơn, phòng ngừa tốt hơn, từng bước đưa trật tự trong lĩnh vực xây dựng đi vào quy cũ. Tuy nhiên, để Nghị định sớm đi vào cuộc sống, góp phần điều chỉnh, nâng cao chất lượng xây dựng, tăng hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về xây dựng, đòi hỏi việc quán triệt, triển khai quy định mới này phải khẩn trương, nghiêm túc. Đồng thời đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan chức năng và cán bộ được giao thực thi nhiệm vụ cũng phải được nâng lên một bước, để pháp luật đã nghiêm càng phát huy tác dụng hơn nữa trong đời sống. Có như thế mới vãn hồi được trật tự trong xây dựng, đạt được mục đích đề ra khi xây dựng pháp luật cũng như đảm bảo tuổi thọ của quy định.

Tuệ Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phap-luat/quy-dinh-da-nghiem-cang-yeu-cau-phai-xu-ly-nghiem/156982.htm