Quy định cụ thể danh mục sản phẩm, hàng hóa có 'mức độ rủi ro thấp'
Tại phiên thảo luận chiều nay, 6/5 tại Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Phước, Bình Thuận), các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chỉ mới quy định về danh mục sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình và mức độ rủi ro cao. Do đó, cần xem xét bổ sung quy định cụ thể danh mục sản phẩm, hàng hóa có 'mức độ rủi ro thấp'.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 15
Hoàn thiện thể chế quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Đa số ĐBQH tán thành ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa bởi trong bối cảnh Việt Nam mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động kinh tế đi vào chiều sâu, thực chất hơn, doanh nghiệp xuất khẩu ngày càng đối mặt với nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; nhu cầu đổi mới sáng tạo và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; yêu cầu đổi mới mô hình quản lý khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; vai trò, tầm ảnh hưởng của chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đến phát triển kinh tế - xã hội ngày càng lớn.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu tại phiên thảo luận
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trước yêu cầu mới của thực tiễn, hội nhập quốc tế và nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là rất cần thiết.
Tuy nhiên, qua rà soát, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, Khoản 31 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 69 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tương tự, khoản 32 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 70 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu tại phiên thảo luận
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bỏ các quy định tại Điều 69 và Điều 70 ra khỏi dự thảo Luật; giao Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ và phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 66 – NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Bảo đảm tính thống nhất về chính sách
Về chính sách của nhà nước về hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, khoản 6 Điều 6 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định: “Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, tham gia vào hoạt động đánh giá sự phù hợp chất lượng sản phẩm, hàng hóa; khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, tổ chức đánh giá sự phù hợp, cơ sở tư vấn, đào tạo, cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia.”.

Các đại biểu tham dự phiên họp tổ
Tại Điều 7a và Điều 7b dự thảo Luật khi bổ sung quy định về Hạ tầng chất lượng quốc gia, ứng dụng công nghệ trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng quy định: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia nhằm hỗ trợ các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.”…
Vì vậy, để bảo đảm quy định chung chính sách của Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát các quy định tại Điều 7a và Điều 7b nêu trên của dự thảo Luật theo hướng gộp chung thành chính sách khuyến khích nêu tại Điều 6 dự thảo Luật.

Các đại biểu tham dự phiên họp tổ
Tại Khoản 5, Điều 1 có quy định: Sản phẩm, hàng hóa được phân thành ba loại: Sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro thấp; Sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình; Sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao. Đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, mức độ rủi ro cao và yêu cầu quản lý tương ứng.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, dự thảo Luật chỉ mới quy định về danh mục sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình và mức độ rủi ro cao. Như vậy, còn sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro thấp cơ quan nào quy định? Do đó, để bảo đảm rõ ràng trong quá trình áp dụng Luật, đề nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể danh mục sản phẩm, hàng hóa có “mức độ rủi ro thấp”.