Quy định 148 của Bộ Chính trị: Rất cần thiết, kịp thời

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cho rằng Quy định số 148 của Bộ Chính trị bổ sung thêm các trường hợp đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết là vô cùng cần thiết, kịp thời

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký ban hành Quy định số 148 về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định này áp dụng đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng tạm đình chỉ công tác cán bộ công chức là hình thức xử lý cán bộ đang được xem xét kỷ luật được quy định tại Luật Cán bộ, Công chức. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Như vậy, tạm đình chỉ công tác chỉ áp dụng trong trường hợp đang trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật cán bộ.

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, trên thực tế hiện nay, sau nhiều vụ việc vi phạm tham nhũng bị đưa ra ánh ánh sáng và xử lý nghiêm minh theo quy định, một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện né tránh những việc khó, phức tạp, nhạy cảm; trì hoãn giải quyết, để tồn đọng công việc; trả lời, hướng dẫn không rõ quan điểm, chính kiến của tổ chức, đơn vị mình; đùn đẩy, không nhận nhiệm vụ. Tình trạng này xảy ra trong nhiều lĩnh vực, rõ nét nhất là trong đầu tư công, đấu thầu, quản lý đất đai, y tế, xây dựng, giải quyết thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công cho người dân… dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm niềm tin của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức.

"Vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 148 bổ sung thêm các trường hợp đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết là vô cùng cần thiết, kịp thời. Quy định 148 vừa nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xử lý các hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm tại đơn vị, duy trì kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, để không vì một cá nhân mà cả một cơ quan bị chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ. Quy định 148 cũng vừa là biện pháp có tính chất răn đe với không ít cán bộ công chức đang có tư tưởng rất tiêu cực như "không làm thì không sai", thậm chí nguy hiểm hơn là "đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử"" - đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhận xét.

Tuy nhiên, nữ đại biểu Quốc hội cũng cho rằng để bảo đảm tính nghiêm minh của Quy định 148, cần bổ sung các quy định pháp luật về việc xử lý kỷ luật đối với những trường hợp cán bộ, công chức bị tạm đình chỉ công tác do cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ. Sau khi hết thời hạn tạm đình chỉ, người đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo chuyển hồ sơ để Hội đồng kỷ luật tiến hành xem xét, thi hành hình thức kỷ luật theo đúng quy định.

Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng Quy định số 148 là rất đúng đắn và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

TS Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Thế Công

TS Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Thế Công

TS Nguyễn Viết Chức cho biết ông rất chia sẻ với những khó khăn của cán bộ bây giờ, tuy nhiên đã là cán bộ thì "tâm phải sáng", đã làm việc Nhà nước thì cần phải đưa sức mình ra phục vụ nhân dân, vì cái chung. Để quy định này nhanh chóng đi vào thực tế, các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương cần vào cuộc, triển khai đồng bộ, cần những quy định, quy chế cụ thể trên cơ sở Quy định số 148 của Bộ Chính trị.

"Quy định 148 của Bộ Chính trị cũng có thể coi là bước ngoặt trong giai đoạn hiện nay. Quy định 148 sẽ nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, vừa là biện pháp có tính chất răn đe với các cán bộ công chức đang có tư tưởng tiêu cực, né tránh, đùn đẩy… Nhân dân rất trông chờ quy định này sẽ được triển khai và nhanh chóng đi vào thực tế" - TS Nguyễn Viết Chức kỳ vọng.

Văn Duẩn - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quy-dinh-148-cua-bo-chinh-tri-rat-can-thiet-kip-thoi-196240607124835064.htm