Quốc hữu hóa tài sản thời chiến tại Ukraine

Hàng trăm ngàn người Ukraine đã phải bỏ lại nhà cửa khi chạy trốn khỏi cuộc tiến quân của Nga. Nga cũng nhanh chóng phân phối những tài sản cho người dân của mình, và điều này đang tạo ra một thị trường bất động sản rối rắm.

Người dân tại thành phố Melitopol ở vùng Zaporizhzhia.

Nhà không chủ

Các nhà xưởng, cửa hàng và quán cà phê bị bỏ hoang đã được bàn giao cho những người điều hành mới trung thành với Điện Kremlin. Binh lính, công chức, công nhân xây dựng chuyển đến những căn hộ, nhà trống. Tại các thành phố bị chiếm đóng như Mariupol, Melitopol và Enerhodar, người dân cho biết các gia đình Nga đã chuyển đến những căn hộ đầy đủ tiện nghi của các gia đình Ukraine trước đây.

Vào đầu tháng 4, truyền thông Nga đưa tin các “khu vực mới” đang lên kế hoạch pháp lý để "quốc hữu hóa" các tài sản “không có chủ sở hữu". Luật quốc hữu hóa ở vùng Luhansk đã được thông qua vào cuối tháng 3. Các nhà lãnh đạo ở đó tuyên bố đã xác định được 22.000 căn hộ và nhà ở không có chủ sở hữu.

Tại khu vực lân cận Donetsk, bao gồm thành phố Mariupol bị phá hủy, lực lượng chiếm đóng được cho là đã phân loại 30.000 bất động sản “không có chủ sở hữu”. Tại vùng Zaporizhzhia, những người chiếm đóng đang thu thập địa chỉ. Những căn hộ và nhà ở mới "không có chủ" xuất hiện gần như hàng ngày trong sổ đăng ký trực tuyến do chính quyền điều hành.

Tại vùng Luhansk, lực lượng chiếm đóng biện minh cho việc trưng thu với lý do các công ty tiện ích cung cấp nước, điện và nhiệt không thể hoạt động, nếu không có các khoản thanh toán tiện ích từ các căn hộ bị bỏ hoang. Họ cũng khẳng định cần có không gian sống vì có quá ít khách sạn. Một ủy ban được chỉ định đặc biệt ở Luhansk, có nhiệm vụ xác định xem một căn hộ có thực sự "không có chủ sở hữu" hay không. Sau đó, chủ sở hữu sẽ có thời hạn để đưa ra yêu cầu về tài sản của mình.

Tuy nhiên, trên thực tế, những người Ukraine đã bỏ trốn không thể làm gì để bảo vệ tài sản của họ một cách hợp pháp. Như trường hợp của Tatyana ở Zaporizhzhia. Vài tháng sau khi cô chuyển đi để tránh chiến tranh, bạn cô tìm thấy một tờ giấy nhắn trước cửa nhà Tatyana. Những người chiếm đóng đã yêu cầu cô phải báo cáo với họ và xuất trình giấy tờ tài sản. Tatyana đã sao chép giấy tờ hợp lệ và sau đó gửi cho họ.

Tatyana nói con gái cô đã cố gắng công chứng các tài liệu này tại lãnh sự quán Nga ở nước ngoài. Nhưng con gái cô được lãnh sự quán thông báo rằng, các tài liệu tiếng Ukraine không thể được công chứng. Sau đó, cô trao đổi e-mail với những người chiếm đóng và gửi mọi thứ cô có để làm bằng chứng, nhưng tất cả đều vô ích. Cuối cùng, cô đành bỏ cuộc và trình báo việc mất nhà, tài sản cho cảnh sát Ukraine.

Nan giải về mặt pháp lý

Đối với nhiều người tị nạn từ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, căn hộ và nhà cửa là sự an toàn và là tài sản tiết kiệm duy nhất của họ. Đó là lý do tại sao một số người Ukraine hiện đang cố gắng bán tài sản của mình bất chấp mọi chuyện. Nhưng làm thế nào và với ai? Và tính pháp lý của những giao dịch đó như thế nào?

Công chứng viên Olena Syerova ở Kyiv nhận được nhiều câu hỏi từ những người tị nạn tuyệt vọng. Việc bán bất động sản trên lãnh thổ bị chiếm đóng cho công dân Nga là bất hợp pháp theo luật Ukraine. Syerova cho biết, trong hầu hết các trường hợp, việc mua bán không thành công vì các chứng chỉ cần thiết đều nằm trong lãnh thổ bị chiếm đóng và không thể lấy được. Nga cũng không công nhận các giao dịch kinh doanh với người Ukraine.

Syerova cho biết: “Bạn không thể bán tài sản của mình ở đó hoặc làm bất cứ điều gì với tài sản đó, nếu không có giấy phép cư trú vĩnh viễn từ Liên bang Nga hoặc hộ chiếu từ Liên bang Nga. Nếu người ta cần tiền thì họ sẽ bán theo luật pháp Nga. Và đó là một công việc kinh doanh đầy rủi ro. Có thể ngay cả người bán cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý trong tương lai”.

Nhà báo truyền hình Ukraine Nikolai Ossychenko đã đưa tin về thị trường bất động sản đang bùng nổ ở khu vực Donetsk, chủ yếu được thúc đẩy bởi các quảng cáo trên dịch vụ nhắn tin Telegram. Ossychenko đến từ thành phố Donetsk và chạy trốn đến Mariupol 10 năm trước, khi quê hương anh bị người Nga chiếm đóng. Hiện anh sống ở khu vực xung quanh Kiev. Ossychenko giải thích cách bán căn hộ và nhà thuộc sở hữu của chủ sở hữu người Ukraine.

Theo đó, người bán cần sử dụng các tài liệu giả mạo thông qua những “người rơm”. Anh nói họ là người Nga hoặc người Ukraine đã nhập quốc tịch Nga. Anh cho biết chủ sở hữu thực tế nhận được nhiều nhất là 60% giá bán, vì họ phải trả tiền cho người rơm và tất cả những người khác có liên quan đến giao dịch bất hợp pháp.

Ossytschenko nói: “Các công chứng viên, nhà môi giới bất động sản và công chức đang kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ việc này”. Lợi nhuận thậm chí còn lớn hơn khi các căn hộ được bán bởi những người đã chết không còn khả năng đòi tiền.

Chính phủ Ukraine vẫn chưa bình luận về vấn đề bán tài sản. Đất nước này muốn chiếm lại các vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, Petro Andryushchenko, cố vấn cho Thị trưởng bị lật đổ của Mariupol, đã khuyến khích đồng bào của mình bán vào cuối tháng 2. Ông viết trên Telegram: “Nếu bạn có cơ hội, hãy làm đi. Tôi sẵn lòng bán căn hộ của mình ở Mariupol cho người Nga mà không do dự”. Tuy nhiên, khi được báo giới tiếp cận để đưa ra bình luận, Andryushchenko có phần dè dặt hơn.

VĨNH CẨM

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/quoc-huu-hoa-tai-san-thoi-chien-tai-ukraine-post114175.html