Quốc hội sẽ phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an với Đại tướng Tô Lâm

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, cuối giờ chiều nay (ngày 21/5), Quốc hội khóa XV tiếp tục tiến hành công tác nhân sự, bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch nước.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN)

Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 21/5, Tổng thư ký Bùi Văn Cường thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình đề nghị điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung nội dung phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an với Đại tướng Tô Lâm.

Dự kiến, nội dung này được bố trí để Quốc hội thực hiện cùng với quy trình bầu Chủ tịch nước tại phiên họp chiều nay (21/5) và sáng mai (22/5). 468/469 đại biểu tham gia biểu quyết đã tán thành điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 7.

Như vậy chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước; Thủ tướng cũng sẽ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an với ông Tô Lâm.

Theo trình tự thủ tục quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Sáng ngày 22/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn về danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước (nếu có).

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước và tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Tiếp đến, Chủ tịch nước tuyên thệ và phát biểu nhậm chức. Lễ tuyên thệ và phát biểu nhậm chức sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

 Tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước. (Ảnh: TTXVN)

Tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước. (Ảnh: TTXVN)

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước.

Trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 7 (20/5), Quốc hội khóa XV đã bầu ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026./.

Trình tự bầu Chủ tịch nước

Theo Nghị quyết 71/2022/QH15, trình tự bầu Chủ tịch nước được quy định như sau:

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

2. Ngoài danh sách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

3. Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử (nếu có).

5. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước.

6. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

7. Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

8. Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, kết quả biểu quyết.

9. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

10. Quốc hội thảo luận.

11. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết.

12. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.

13. Chủ tịch nước tuyên thệ.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-se-phe-chuan-mien-nhiem-bo-truong-bo-cong-an-voi-dai-tuong-to-lam-post954600.vnp