Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn: Cần những cam kết, giải pháp mạnh mẽ để giải quyết vướng mắc, tồn tại

Hôm nay 11-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về 3 lĩnh vực nóng: ngân hàng, y tế và thông tin - truyền thông. Phóng viên Báo SGGP trao đổi với một số đại biểu Quốc hội (ĐB) trong việc đưa tiếng nói cử tri vào nghị trường cùng những vấn đề quan tâm cần chất vấn.

Quan tâm đến đảm bảo an ninh dược phẩm

* PHÓNG VIÊN: Trong lĩnh vực y tế, theo ĐB, những vấn đề cấp bách nào cần được Bộ trưởng Bộ Y tế giải quyết trong phiên chất vấn lần này?

* ĐB TRẦN KIM YẾN (TPHCM): Tôi cho rằng lĩnh vực y tế nhận được sự quan tâm rất lớn không chỉ của ĐB mà cả cử tri và nhân dân cả nước. Người dân thắc mắc tại sao khi vào bệnh viện thì thuốc không có, vật tư y tế bị thiếu, nhưng ngoài thị trường, nếu có tiền thì cái gì cũng có. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, đặc biệt là những người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

* ĐB PHẠM KHÁNH PHONG LAN (TPHCM): Câu chuyện về quyền lợi của người có BHYT vẫn là câu chuyện nhức nhối hiện nay. Tôi xin nói thẳng, không thể nói có Thông tư 22/2023/TT-BYT (về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp - PV) là đủ.

Thông tư này chỉ gói gọn trong 200 loại thuốc hiếm và cũng không nói rõ những trường hợp đã phải tự chi có được thanh toán không hay thanh toán như thế nào. Vậy đến bao giờ bệnh nhân được thanh toán chi phí đã bỏ ra khi phải tự đi mua thuốc trong danh mục BHYT?

* Ngoài vấn đề BHYT, vừa qua báo chí cũng như cử tri phản ánh tình trạng không ít cơ sở y tế quảng cáo không đúng sự thật, hoạt động chui không giấy phép. Cần làm gì trước tình trạng này, thưa ĐB?

* ĐB TRẦN KIM YẾN: Vấn đề quản lý, cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ, nhân viên y tế và giấy phép hoạt động cho các cơ sở y tế cần được Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình cho rõ.

Người bệnh đặt cả niềm tin, thậm chí tính mạng của mình vào bác sĩ, vào cơ sở y tế. Hiện nay, một số cơ sở y tế quảng cáo thổi phồng hiệu quả, họ đặt bảng quảng cáo nằm ngay các vị trí đắc địa trên đường phố. Khi cơ quan chức năng kiểm tra mới phát hiện có những cơ sở y tế, những bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép hoạt động. Nhưng, làm sao người bệnh biết được bác sĩ đó, cơ sở y tế đó có giấy phép hoạt động, có chứng chỉ hành nghề? Người dân và người bệnh không biết được thông tin cụ thể và như vậy nhiều khi họ rơi vào tình cảnh “giao trứng cho ác”. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế trong việc cấp phép, kiểm tra giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Ổn định thị trường vàng

* Trong lĩnh vực ngân hàng, ĐB đánh giá ra sao về biến động của giá vàng thời gian qua?

* ĐB TRẦN KIM YẾN: Thời gian vừa qua, biến động giá vàng và thị trường tài chính đã khiến người dân đứng ngồi không yên. Không chỉ những người có tiền mới quan tâm, mà cả những người không có tiền cũng bị ảnh hưởng. Bởi giá vàng tăng sẽ gây sức ép lên các mặt hàng khác, dẫn đến giá cả hàng hóa tăng theo, từ đó đẩy lạm phát của nền kinh tế tăng cao hơn.

Tôi hy vọng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thẳng thắn nhìn nhận thực tế và đưa ra các giải pháp cụ thể, từ đó ổn định thị trường vàng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống người dân.

* Bên cạnh những vấn đề trên, ngành y tế cũng đang đối mặt với nhiều thách thức dự phòng, điều trị và cung ứng?

* ĐB PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Tôi cho rằng hiện cả 3 trụ cột của ngành y tế là dự phòng, điều trị và cung ứng đều đang có những tồn tại nhất định. Chi cho lĩnh vực y tế dự phòng rất thấp, vậy trong tương lai, chúng ta có đủ sức ứng phó với một đại dịch tương tự Covid-19 vừa qua hay không? Lương cán bộ, nhân viên y tế khu vực công quá thấp. Mấy năm gần đây, ngành y tế xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư thiết bị y tế, thiếu vaccine. Liệu có phải tất cả đều là “lỗi” của dịch Covid-19 hay không? Chúng ta cần làm thế nào để tăng cường khả năng tự chủ thuốc men, đảm bảo an ninh dược phẩm..., đó là những vấn đề tôi quan tâm chất vấn nhất. Chắc chắn các thành viên Chính phủ cũng sẽ giải trình, góp phần làm rõ vấn đề hơn.

* ĐB TRẦN KIM YẾN: Tôi đồng tình ý kiến ĐB Phạm Khánh Phong Lan. Vì sao cứ thiếu thuốc men, vaccine trong thời gian qua? Chúng ta cần phải xem xét lại các quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Đấu thầu không phải cứ giá rẻ là tốt, giá rẻ thì khó đi đôi với chất lượng. Những quy định trong đấu thầu, tổ chức đấu thầu đang là rào cản dẫn đến tình trạng này.

Cho nên, quan trọng nhất là chúng ta quản lý phải tạo điều kiện để bệnh viện, cơ sở y tế hoạt động tốt hơn, bác sĩ và nhân viên y tế làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Chúng ta cần có những giải pháp kịp thời để đảm bảo cung ứng đủ thuốc và vật tư y tế cho người dân.

Ngăn chặn thông tin xấu, độc

* Trong thời đại bùng nổ thông tin, bên cạnh thông tin tích cực, vẫn tràn lan tin xấu độc, sai sự thật. Theo ĐB, vấn đề này cần sự cam kết và hành động ngay của tư lệnh ngành thông tin và truyền thông?

* ĐB NGUYỄN VĂN QUÂN (Hậu Giang): Tôi đặc biệt lo ngại về tình trạng lộn xộn, phức tạp trong lĩnh vực quảng cáo, nhất là quảng cáo sai sự thật, phóng đại. Các trang thương mại điện tử hoạt động trái phép và các trang mạng xã hội tràn lan thông tin xấu, độc. Đây là điều tôi sẽ chất vấn và muốn có câu trả lời về giải pháp từ người đứng đầu Bộ TT-TT. Bên cạnh Bộ TT-TT thì các bộ có liên quan như: VH-TT-DL, Công thương, Công an cần phối hợp rà soát lại xem lỗ hổng ở đâu, xử lý như thế nào, vướng ở thực thi hay ở luật. Phải chỉ rõ để có giải pháp mạnh mẽ hơn.

* ĐB TRẦN QUỐC TUẤN (Trà Vinh): Tôi đồng tình ý kiến trên và nhắc lại, vấn đề này được nhiều cử tri quan tâm. Những thông tin sai lệch này có tác động ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người dân và cử tri. Tôi mong muốn Bộ trưởng Bộ TT-TT có những cam kết mạnh mẽ trong việc chủ động ngăn ngừa và ngăn chặn những thông tin sai lệch, không đúng trên mạng xã hội, để bảo vệ người dân trước những thông tin xấu, độc, sai sự thật.

* Một vấn đề nổi lên vừa qua, đó là tình trạng lừa đảo qua mạng. Để ngăn chặn tình trạng này, trưởng ngành cần cam kết hành động cụ thể ra sao, thưa ĐB?

* Một vấn đề nổi lên vừa qua, đó là tình trạng lừa đảo qua mạng. Để ngăn chặn tình trạng này, trưởng ngành cần cam kết hành động cụ thể ra sao, thưa ĐB?

* ĐB NGUYỄN VĂN QUÂN: Tôi kỳ vọng Bộ trưởng Bộ TT-TT với vai trò là người quản lý ngành sẽ có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng lừa đảo tràn lan qua mạng xã hội. Nếu chưa giải quyết được rốt ráo trong ngắn hạn, thì cũng phải có giải pháp, kế hoạch trong trung hạn, đồng thời tăng cường khâu thông tin tuyên truyền cho người dân.

Hiện nay, có nhiều cuộc gọi lừa đảo, đến cả cán bộ công chức còn bị lừa, chưa nói đến những người dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, ít va chạm xã hội, ít thông tin. Bên cạnh đó, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay cũng là chủ đề rất đáng đề cập đến.

* ĐB đánh giá thế nào khi Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở 3 lĩnh vực?

ĐB TRẦN QUỐC TUẤN: Tôi cho rằng 3 lĩnh vực được chất vấn trong kỳ họp lần này đều có rất nhiều vấn đề cần phải được các bộ trưởng, trưởng ngành lắng nghe và giải quyết một cách thấu đáo, để làm sao giải quyết được những vấn đề bức xúc của cử tri.

ĐB TRẦN KIM YẾN: Những nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp lần này rất nóng. Đây là những lĩnh vực mang hơi thở của cuộc sống được đưa vào trong nghị trường. Tôi hy vọng rằng các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ thấy được trách nhiệm của mình, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, khó khăn của ngành; từ đó đưa ra những giải pháp không chỉ trong thời gian ngắn mà còn trong tương lai xa hơn nữa để đảm bảo cho sự phát triển không chỉ của riêng ngành mình mà còn cho sự phát triển của đất nước.

VĂN MINH - ANH THƯ thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quoc-hoi-chat-van-va-tra-loi-chat-van-can-nhung-cam-ket-giai-phap-manh-me-de-giai-quyet-vuong-mac-ton-tai-post767768.html