Quảng Trị ưu tiên thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
Quảng Trị đã tích cực lồng ghép Chiến lược Quốc gia và kế hoạch hành động tăng trưởng Xanh 2021– 2030 vào quy hoạch kinh tế — xã hội, với mục tiêu phát triển bền vững ngành năng lượng, thể hiện vai trò đi đầu về chuyển đổi năng lượng xanh tại miền Trung...

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 20 nhà máy điện gió
Quảng Trị đã chủ động lồng ghép nội dung Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (theo Quyết định 1658/QĐ-TTg) và Kế hoạch hành động Quốc gia giai đoạn 2021–2030 (theo Quyết định 882/QĐ-TTg) vào quy hoạch phát triển kinh tế — xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh. Đáng chú ý, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với giảm cường độ phát thải khí nhà kính bằng cách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo đã trở thành trọng tâm chính sách của tỉnh.
CÁC CHÍNH SÁCH ĐỘT PHÁ, NĂNG LƯỢNG SẠCH CÓ TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN NHANH CHÓNG
Tính đến cuối năm 2024, tổng công suất phát điện thương mại của Quảng Trị đạt 1.119,5 MW, trong đó bao gồm 20 nhà máy điện gió (tổng 742,2 MW), 3 nhà máy điện mặt trời (119,6 MW), 10 nhà máy thủy điện (167,5 MW) và 151 hệ thống điện mặt trời mái nhà (90,7 MW). Con số này gấp hơn 2,5 lần mức 439 MW của năm 2020, cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của năng lượng sạch tại địa phương.
Song song với các dự án đã đi vào vận hành, Quảng Trị còn có 11 dự án điện gió với tổng công suất 424 MW, 7 dự án thủy điện 93 MW, một dự án nhiệt điện than 1.320 MW và 2 dự án điện khí 1.840 MW đã được phê duyệt quy hoạch và đang triển khai xây dựng.
Sự đa dạng hóa này đã khẳng định tầm nhìn dài hạn trong việc duy trì cân bằng giữa an ninh năng lượng và giảm phát thải.
Sự bùng nổ nguồn tái tạo đặt ra áp lực lớn lên hệ thống truyền tải. Đáp ứng nhu cầu này, Quảng Trị khẩn trương hoàn thiện Dự án Trạm biến áp 500 kV Quảng Trị và đường đấu nối Quảng Trị – Vũng Áng – Đà Nẵng, với khả năng giải tỏa thêm khoảng 900 MVA công suất. Đồng thời, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư Trạm biến áp 500 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV đấu nối, nhằm tránh tình trạng quá tải lưới và đảm bảo vận hành an toàn.

Tỉnh Quảng Trị điều chỉnh quy hoạch đất đai, ưu tiên diện tích cho năng lượng gió và mặt trời.
Chính sách thu hút đầu tư cũng được tỉnh Quảng Trị tập trung hoàn thiện. Tỉnh điều chỉnh quy hoạch đất đai, ưu tiên diện tích cho năng lượng gió và mặt trời, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính và triển khai cơ chế tín dụng xanh, miễn giảm thuế, ưu đãi giá mua điện cho các dự án sạch.
Điển hình, Quảng Trị khuyến khích phát triển điện sinh khối và điện rác thải nông lâm nghiệp, góp phần xử lý phụ phẩm nông nghiệp đồng thời tạo ra nguồn điện sạch.
Một sáng kiến đáng chú ý là đề xuất thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Công nghệ cao về Năng lượng tái tạo, bao gồm cả hydro xanh, do Công ty O-Door và đối tác liên doanh trình cấp tỉnh xem xét chủ trương. Trung tâm này dự kiến sẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ vận hành các dự án năng lượng tái tạo trong và ngoài địa bàn.
THỂ HIỆN VAI TRÒ ĐI ĐẦU VỀ CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG XANH, HƯỚNG TỚI TRUNG HÒA CARBON
Với phương châm không để phát triển ồ ạt làm lãng phí tài nguyên hay gây quá tải lưới, Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm ít nhất 30% cường độ phát thải trên GDP so với năm 2020, và đến 2050 đạt trạng thái phát thải ròng bằng “0”.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai hàng loạt các giải pháp: hoàn thiện thể chế, cơ chế giá điện linh hoạt, cơ chế tín chỉ carbon; phát triển công nghiệp hydro xanh; ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý lưới điện; và mở rộng điện mặt trời mái nhà không giới hạn công suất cho hộ gia đình và cơ quan.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là khâu truyền tải và lưu trữ. Việc triển khai các trạm biến áp 500 kV, đường dây đấu nối và công nghệ pin lưu trữ quy mô lớn phải được đẩy nhanh, nhằm giải tỏa công suất tái tạo và đảm bảo an toàn hệ thống điện.
Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư theo cơ chế công bằng, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn xanh, cũng là yêu cầu cấp bách để lan tỏa lợi ích “ngành công nghiệp không khói” đến cộng đồng.
Trên nền tảng chiến lược tổng thể và loạt dự án tái tạo đang vận hành, Quảng Trị đang chứng tỏ vai trò đi đầu về chuyển đổi năng lượng xanh tại miền Trung.
Mặc dù có những khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm chính trị, chính sách đột phá và hành động quyết liệt của tỉnh hứa hẹn sẽ tạo ra mô hình phát triển bền vững, góp phần thiết thực vào mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quang-tri-uu-tien-thuc-day-phat-trien-nang-luong-tai-tao.htm