Quang Thuận tập trung phát triển rau màu
Phát huy lợi thế nằm dọc theo tuyến đường tỉnh 257 và gần với trung tâm thành phố Bắc Kạn, những năm qua, xã Quang Thuận (Bạch Thông) tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển trồng rau màu vụ đông, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều hộ dân ở địa phương.
Tại cánh đồng thôn Nà Vài, xã Quang Thuận, những ruộng rau cải, dưa chuột, lạc, đậu đỗ các loại... lên xanh mướt, người dân đang tập trung làm đất, vun trồng, chăm sóc cây màu. Ông Lưu Đình Tường, Trưởng thôn Nà Vài chia sẻ: "Trước đây, người dân trong thôn chủ yếu trồng rau phục vụ gia đình, tuy nhiên những năm gần đây các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, thuê đất để trồng rau màu với diện tích trên 1,5ha, cùng với tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh nên cây trồng phát triển tốt, cho năng suất, sản lượng khá, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động trong thôn. Thấy được hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hơn, chú trọng sản xuất vụ đông để nâng cao thu nhập từ cây rau màu".
Năm 2022, gia đình bà Nguyễn Thị Vanh, thôn Nà Chạp bắt đầu chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cà chua. Bà Vanh cho biết: "Vụ trước, gia đình tôi trồng khoảng 1.000m2 cà chua, với giá bán 10.000 - 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn chục triệu đồng. Vụ này, gia đình tôi tiếp tục duy trì mô hình. Tuy nhiên, do sản xuất theo phương thức truyền thống, thiếu kinh nghiệm trong khâu trồng và chăm sóc cây màu nên năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao, gia đình tôi mong muốn được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu xử lý đất, trồng màu, chăm sóc rau an toàn để nâng cao hiệu quả kinh tế".
Ông Lộc Hữu Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thuận cho biết: "Thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong sản xuất cây trồng vụ đông; tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân để tiêu thụ sản phẩm; vận động sản xuất rau an toàn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất... Góp phần thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn đối với sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở địa phương"./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/quang-thuan-tap-trung-phat-trien-rau-mau-post56811.html