Quảng Ninh: Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới

Ngày 22/5, tại Quảng Ninh, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội thảo 'Hội Nông dân Quảng Ninh tham gia xây dựng nông thôn mới'. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo các ban, ngành, địa phương và đại diện Hội Nông dân các cấp.

Ông Đỗ Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo.

Ông Đỗ Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Đỗ Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã triển khai nhiều nội dung, việc làm cụ thể, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, làm cho bức tranh nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc. Cán bộ, hội viên nông dân đã nhận thức rõ vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Tinh thần và ý thức trách nhiệm làm chủ của nông dân được nâng cao, là tiền đề cho sự tham gia đóng góp của hội viên nông dân và cộng đồng dân cư, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh".

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân, bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, sát thực tiễn, đến năm 2023 tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí là tỉnh nông thôn mới.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 54/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỉnh đã hoàn thành Chương trình 135, không còn xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Toàn cảnh Hội thảo "Hội Nông dân Quảng Ninh tham gia xây dựng nông thôn mới".

Toàn cảnh Hội thảo "Hội Nông dân Quảng Ninh tham gia xây dựng nông thôn mới".

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đường điểm lại những kết quả của Hội Nông dân tỉnh trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, Hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tự giác, tham gia hiến đất, đóng góp ngày công, góp tiền, góp của trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; tham gia xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp các dân tộc; bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn; tham gia xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh.

Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo thông qua tuyên truyền cho nông dân thay đổi tư duy, thay đổi cách làm; hỗ trợ vốn, kiến thức, đào tạo nghề cho nông dân; vận động nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến.

Trên cơ sở thực tiễn cùng những khó khăn, thuận lợi trong công tác tham gia vào việc xây dựng nông thôn mới của Hội nông dân tỉnh, các đại biểu, chuyên gia đã gợi mở nhiều định hướng phát triển, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Toàn, Hiệu trưởng Trường cán bộ Hội Nông dân Việt Nam nêu rõ tai trò, vị trí và những yêu cầu đối với nông dân, Hội nông dân trong tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Toàn, Hiệu trưởng Trường cán bộ Hội Nông dân Việt Nam nêu rõ tai trò, vị trí và những yêu cầu đối với nông dân, Hội nông dân trong tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nêu ý kiến tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Toàn, Hiệu trưởng Trường cán bộ Hội Nông dân Việt Nam cho rằng vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới được thể hiện qua một số nội dung như: tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp và tổ chức sản xuất; hỗ trợ nông dân khởi nghiệp; hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong nông nghiệp...

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung đóng góp ý kiến về phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông nghiệp, nông thôn; vận động nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; vai trò của Hội Nông dân cơ sở trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc....

Từ các gợi mở, ý kiến đóng góp, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra được những định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và phương hướng phát triển trong thời gian tới để nâng cao vai trò của Hội nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.

Thanh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quang-ninh-phat-huy-vai-tro-chu-the-cua-nong-dan-trong-xay-dung-nong-thon-moi-10280509.html