Quảng Ninh: Khám phá chứng tích lịch sử trên sông Bạch Đằng

Di tích bãi cọc Bạch Đằng (Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) là nơi lưu giữ những chiến công lẫy lừng của dân tộc ta trước công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Ngày nay du khách có thể tận mắt thấy dấu tích bãi cọc gắn liền với trận đại thắng trên sông Bạch Đằng.

Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh đều bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền; năm 981 của Lê Hoàn và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Sông Bạch Đằng đã trở thành dòng sông lịch sử, cọc Bạch Đằng đã trở thành biểu tượng truyền thống đánh giặc ngoại xâm bằng đường thủy của dân tộc Việt Nam.

Quần thể di tích Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Quần thể di tích Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Trải qua hơn 700 năm do phù xa của sông bồi đắp, bãi cọc nằm sâu dưới các lớp bùn đất, mãi đến năm 1953 nhân dân đi đào đất đắp đê đã phát hiện ra những cây cọc Bạch Đằng. Lúc đầu người dân chưa có kiến thức và ý thức bảo vệ di sản văn hóa rất nhiều cọc đã bị nhổ lên làm xà nhà, cọc rơm.

Di tích bãi cọc Yên Giang .

Sau nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện hàng trăm chiếc cọc chủ yếu là gỗ lim, táu dài 2,6 đến 2,8 m, đường kính 20-30 cm được cắm thẳng. Khoảng cách giữa các cọc trung bình từ 0,9 m đến 1,5 m.

Khu di tích bãi cọc Bạch Đằng (gồm bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa).

Di tích bãi cọc Yên Giang diện tích khoảng 3.000m2 nằm ở cửa sông Chanh có hình chữ nhật dài khoảng 120m, chiều rộng khoảng 20m. Bãi cọc Yên Giang được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Sau đó, di tích được khoanh vùng bảo vệ, dựng bia giới thiệu, tôn tạo đường vào tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan. Đây cũng là địa chỉ để các em học sinh đến tìm hiểu lịch sử, phục vụ việc học tập.

Hiện bãi cọc Yên Giang còn khoảng trên 300 cây nằm trong lòng đất. Ở khu di tích, bãi cọc được bơm nước đầy mặt ao để bảo tồn.

Các chuyên gia trong và ngoài nước khai quật tại bãi Đồng Má Ngựa.

Các chuyên gia trong và ngoài nước khai quật tại bãi Đồng Má Ngựa.

Gần bãi cọc Yên Giang là bãi cọc đồng Vạn Muối diện tích khoảng 6.000m2 nằm ở cửa sông Rút, thuộc phường Nam Hòa được nhân dân Quảng Yên phát hiện trong quá trình canh tác, đào ao. Sau lần khảo sát và khai quật năm 2005. Các cuộc khai quật khảo cổ học sau đó tìm thấy tổng cộng gần 200 cọc, cho thấy những cọc gỗ cắm đứng và cắm xiên trong khu vực đồng Vạn Muối thuộc nhiều loại gỗ được sử dụng cả thân và cành. Đường kính mỗi cọc từ 7 - 10 cm, phần được vạt nhọn chỉ khoảng 25 - 30 cm. Tuy nhiên, mật độ cọc ở đây được cắm rất dày, phổ biến cách nhau từ 40 - 60 cm, một số cọc chỉ cách nhau từ 10 - 30cm.

Theo các nhà nghiên cứu, đây là nửa phía Nam của trận địa cọc Bạch Đằng, còn nửa phía Bắc là bãi cọc Yên Giang. Do giữa hai bãi cọc có một dải cồn đá cao, khi nước triều xuống thuyền không qua được buộc phải đi vào sát bờ. Vì vậy, Trần Hưng Đạo đã chọn vị trí cắm cọc ở hai bên cồn đá tạo thành một phòng tuyến hình chữ V bịt chặt lấy họng sông Bạch Đằng để chặn đường rút lui của quân địch tạo nên chiến thắng vẻ vang của trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288. Bãi cọc sau đó được vùi lấp dưới lớp bùn để được bảo quản tốt hơn.

Cũng trong địa phận phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, bãi cọc đồng Má Ngựa diện tích khoảng 2.100m2 đã được phát hiện và tiến hành khảo sát, khai quật vào năm 2010. Đây là bãi cọc thứ ba thuộc bãi cọc Bạch Đằng nằm ở cửa sông Kênh, cách bãi cọc đồng Vạn Muối khoảng 1 km về hướng Nam. Bãi cọc có chiều dài 70 m, rộng 30 m, cắm cọc thuộc nhiều loại gỗ có đường kính từ 6 - 22 cm dày đặc thành dải như một lớp tường thành.

Ba bãi bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa đã làm thành những bãi chông ngầm lớn, phức tạp, kín đáo dưới mặt nước khóa chặt đường tháo lui ra biển, giúp tiêu diệt và bắt sống 600 chiến thuyền với 4 vạn binh tướng quân Nguyên – Mông trong lần thứ ba chúng xâm lược nước ta năm 1288.

hàng trăm chiếc cọc chủ yếu là gỗ lim, táu dài 2,6 đến 2,8 m, đường kính 20-30 cm được cắm thẳng.

hàng trăm chiếc cọc chủ yếu là gỗ lim, táu dài 2,6 đến 2,8 m, đường kính 20-30 cm được cắm thẳng.

Ngày nay, khu di tích bãi cọc Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên đã được đắp bờ bao bảo vệ xung quanh. Một số cọc đã được lấy lên và những cọc còn lại được bảo tồn trong hố trưng bày tại chỗ. Tuy nhiên, những cọc Bạch Đằng ở di tích này đa số phần đầu cọc nhô lên đã bị mục gẫy, phần thân cọc vẫn cắm dưới bùn đất nhưng đây lại là chứng tích vô cùng quan trọng của trận chiến lịch sử trên dòng sông Bạch Đằng năm 1288. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Khu di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Di tích bãi cọc Bạch Đằng cũng là địa chỉ để các em học sinh đến tìm hiểu lịch sử, phục vụ việc học tập.

Di tích bãi cọc Bạch Đằng cũng là địa chỉ để các em học sinh đến tìm hiểu lịch sử, phục vụ việc học tập.

Lễ hội Bạch Đằng diễn ra từ ngày 6-9/3 âm lịch với nhiều nghi lễ trang nghiêm và các hoạt động lễ hội phong phú, được tổ chức tại tất cả các điểm trong khu di tích. Nhằm tôn vinh giá trị ngày đại thắng của dân tộc ta và tưởng nhớ những người đã hy sinh trong các trận chiến Bạch Đằng.

Vĩnh Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ninh-kham-pha-chung-tich-lich-su-tren-song-bach-dang.html