Quảng Ninh: Hiểm nguy rình rập trên đường lên núi Phượng Hoàng

Núi Phượng Hoàng ở phường Bắc Sơn, TP Uông Bí (Quảng Ninh) là điểm du lịch thu hút hàng ngàn du khách mỗi năm. Nhưng tuyến đường lên đây lại đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Dốc gắt, vực sâu, đường đất trơn trượt

Núi Phượng Hoàng rộng hàng trăm ha, nằm giáp ranh ở 3 địa phương là phường Bắc Sơn, TP Uông Bí, xã Bằng Cả và Quảng La của TP Hạ Long. Nơi đây là địa điểm du lịch trải nghiệm được giới trẻ rất ưa thích bởi những cánh rừng trồng, rừng nguyên sinh bạt ngàn cỏ gianh, sim, đứng từ trên đỉnh núi có thể săn mây hoặc ngắm toàn cảnh TP Uông Bí…

Con đường lên núi Phượng Hoàng đầy những rãnh, những hố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người dân, du khách.

Con đường lên núi Phượng Hoàng đầy những rãnh, những hố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người dân, du khách.

Tuy nhiên, đường lên núi Phượng Hoàng vẫn rất khó khăn. Từ trục đường liên khu 5, khu 6 phường Bắc Sơn, phải rẽ vào một con đường bê tông nhỏ, hẹp, bề mặt lồi lõm và qua 3 chiếc ngầm tràn thì đến chân núi Phượng Hoàng.

Còn từ chân lên đỉnh núi Phượng Hoàng dài chừng gần 3km. Nhưng do là đường đất lại vắt vẻo qua những sườn núi, nên thường phải mất gần 30 phút chạy xe máy từ chân lên đỉnh núi.

"Đó là chưa mưa, chứ mưa thì khó mà lên - xuống núi được. Ở khu vực này, vào những hôm mưa lớn là mấy chục hộ dân ở tổ 27, khu 6 lâm vào cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập", do nước dâng cao trên các ngầm tràn", anh Đinh Nam Sơn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường Bắc Sơn cho biết.

Clip cận cảnh "con đường đau khổ" lên điểm du lịch núi Phượng Hoàng.

Anh Trần Minh Thái, ở tổ 27, khu 6 và là chủ một diện tích đất lâm nghiệp nằm án ngữ lối lên núi Phượng Hoàng cho biết, đường lên núi ngày thường đã rất khó đi, vào ngày mưa thì càng nguy hiểm.

"Đường đất đầy 'ổ gà, ổ voi' lại lắm khúc quanh co, nên điều khiển xe máy mà không vững tay lái là không lên - xuống núi Phượng Hoàng được", anh Thái chia sẻ.

Chị Thủy, chủ khu đất lâm nghiệp nằm ở đỉnh núi Phượng Hoàng và cũng là chủ một cơ sở bán hàng tại đây cho biết: Vào những ngày cuối tuần, nếu trời không mưa thì rất đông khách đến núi Phượng Hoàng dựng trại ngắm cảnh, nghỉ ngơi.

"Với cảnh đẹp của núi Phượng Hoàng, rất thuận lợi để phát triển du lịch trải nghiệm. Thế nhưng do đường sá đi lại khó khăn, không phải ai cũng đến được với điểm du lịch này. Bà con mong muốn cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện quy hoạch, đầu tư tuyến đường lên đỉnh núi", chị Thủy mong mỏi.

Con đường bê tông dẫn vào chân núi Phượng Hoàng cũng ngập bùn, đất.

Con đường bê tông dẫn vào chân núi Phượng Hoàng cũng ngập bùn, đất.

Anh Ôn Vạn Thanh, nhà ở TP Hạ Long cùng nhóm bạn đã có nhiều lần lên núi Phượng Hoàng ngắm cảnh qua đêm.

"Nơi này cảnh đẹp hoang sơ, cắm trại nướng đồ ăn, ngắm hoàng hôn rồi nghỉ qua đêm để ngắm bình minh, thấy rất tuyệt. Tiếc là các tuyến đường nên đây quá xấu, nên nếu tay lái non thì rất nguy hiểm", anh Thanh nói.

Cần có khu du lịch, đường thuận lợi lên núi Phượng Hoàng

Thời gian gần đây, TP Uông Bí bắt đầu triển khai đánh thức tiềm năng du lịch của núi Phượng Hoàng.

Điển hình là năm 2023, TP Uông Bí đã tổ chức rất thành công chương trình "Mùa thu vàng Uông Bí năm 2023" thu hút rất đông du khách đến tham quan, săn mây, leo núi và tham gia nhiều trò chơi.

Điểm đầu tuyến đường lên núi Phượng Hoàng được làm tạm bợ.

Điểm đầu tuyến đường lên núi Phượng Hoàng được làm tạm bợ.

Bà Đỗ Thị Thúy Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn cho biết, mới đây, cơ quan chức năng đã tìm thấy phế tích của chùa Hồ nằm ngay trên núi Phượng Hoàng. Chùa này có niên đại khởi dựng muộn nhất vào thế kỷ 17. Các hiện vật còn lại tại di tích khá phong phú, phía sau chùa Hồ, trên gần đỉnh núi có một hồ nước lớn…

"Để khai thác tốt tiềm năng lợi thế, địa phương rất cần đầu tư tuyến đường giao thông lên núi Phượng Hoàng và di tích chùa Hồ. Cùng với đó, phường cũng mong muốn cơ quan có thẩm quyền sớm quy hoạch khu du lịch, quy hoạch 3 loại rừng để hình thành các cơ sở dịch vụ du lịch ở núi Phượng Hoàng", bà Hạnh nói.

Dấu tích chùa Hồ được phát lộ trên núi Phượng Hoàng.

Dấu tích chùa Hồ được phát lộ trên núi Phượng Hoàng.

Liên quan đến vấn đề làm đường lên điểm du lịch Phượng Hoàng, một lãnh đạo UBND TP Uông Bí cho biết: Hiện trạng tuyến đường lên núi Phượng Hoàng là đường đất có bề rộng từ 2-7m, chưa có hệ thống điện, nước; một số vị trí đã được người dân tự cạp mở rộng mặt đường.

Theo Quy hoạch chung TP Uông Bí đến năm 2040 đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, thì tuyến đường hiện trạng có một phần nằm trong quy hoạch lòng hồ 12 khe (đoạn từ điểm cuối đường 12 khe đến chân núi Phượng Hoàng và từ chân núi lên với chiều dài khoảng 200m) và phần còn lại nằm trong quy hoạch dịch vụ - thương mại.

Cùng với đó, dự án xây dựng hồ chứa nước 12 khe tại khu vực này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nghiên cứu và có quy hoạch tuyến đường lên đỉnh núi Phượng Hoàng.

Do vậy, UBND TP Uông Bí đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xem xét đầu tư tuyến đường trên và đang tích cực triển khai quy hoạch du lịch tại núi Phượng Hoàng.

Quang Minh

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/quang-ninh-hiem-nguy-rinh-rap-tren-duong-len-nui-phuong-hoang-192240815105429799.htm