Quảng Nam: Kêu gọi cộng đồng tham gia đề án trồng 1 tỷ cây xanh
Quảng Nam là tỉnh có diện tích tự nhiên 1.057.474ha, trong đó diện tích đất có rừng là 680.806ha, đất chưa có rừng quy hoạch lâm nghiệp 88.465ha, đến cuối năm 2022, độ che phủ rừng của toàn tỉnh đạt 58,71%. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển rừng bằng nhiều nguồn lực khác nhau, cùng với sự tham gia trồng, chăm sóc rừng của mọi tầng lớp nhân dân.
Thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025”; UBND tỉnh Quảng Nam đã chia ra nhiều giai đoạn. Giai đoạn 2021-2025, dự kiến trồng khoảng 51,6 triệu cây xanh, trong đó trồng cây phân tán 48,234 triệu cây, rừng tập trung 3,366 triệu cây, tương đương khoảng 3.600 ha. Trong năm 2021 và năm 2022 từ nhiều nguồn lực khác nhau, cùng với sự nỗ lực của các cấp, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là sự góp sức của một số tổ chức kinh doanh tham gia ủng hộ kinh phí để trồng cây xanh, đã trồng được hơn 11.795 nghìn cây/18.199 nghìn cây, đạt 64,81% so với kế hoạch.
Qua rà soát, hiện tại quỹ đất trống để trồng rừng của tỉnh vẫn còn rất lớn, khoảng trên 2.000 ha, tập trung phần lớn tại các huyện miền núi, thuộc lâm phận các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng. Kinh phí đầu tư cho trồng rừng, chăm sóc rừng, quản lý bảo vệ rừng trồng tính bình quân cho 1ha khoảng 150 triệu đồng. Tổng kinh phí đầu tư để trồng hết 2.000ha đất trống hiện có khoảng 300 tỷ đồng, trong khi đó, ngân sách của địa phương còn khó khăn.
Để thực hiện hiệu quả Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động và hoàn thành mục tiêu nâng độ che phủ rừng của tỉnh đạt 61% vào năm 2025, ngoài việc sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, việc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm xã hội hóa trong công tác trồng rừng, trồng cây xanh là hết sức cần thiết.
Từ thực tế nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình với sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng nói chung và công tác trồng rừng, trồng cây xanh bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực để tạo nên phong trào, nét văn hóa có sức lan tỏa sâu rộng: “Ngành ngành trồng cây, nhà nhà trồng cây, người người trồng cây”.
Dự kiến tổ chức trồng rừng theo 02 hướng đó là đầu tư kinh phí trực tiếp cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh để phối hợp cùng các Ban Quản lý tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đến khi thành rừng. Hoặc chuyển tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam để UBND tỉnh tổ chức trồng rừng trên địa bàn toàn tỉnh, dự kiến kinh phí 150 triệu đồng/ha. Toàn bộ diện tích rừng trồng từ nguồn xã hội hóa sẽ được gắn bảng và xác nhận cho đơn vị hỗ trợ kinh phí.