Quảng Bình: Yêu cầu kiểm tra, quản lý và giám sát hoạt động đấu thầu
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND cấp huyện và chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc quản lý, giám sát trong đấu thầu sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Bình, gần đây, hoạt động đấu thầu của các cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định theo Luật Đấu thầu và các Văn bản hướng dẫn liên quan.
Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế như: Việc đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu qua mạng còn chậm; việc ban hành một số Văn bản hướng dẫn, chỉ đạo chưa kịp thời hay việc phân chia gói thầu của một số công trình, dự án chưa phù hợp.
Để khắc phục những tồn tại ảnh hưởng tới kết quả đấu thầu và nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay từ năm 2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu Giám đốc các Sở; Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; chủ đầu tư sử dụng vốn Nhà nước chịu trách nhiệm phổ biến, quán triệt sâu sắc, toàn diện, kịp thời Chỉ thị trên.
Thực hiện Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả. Ngày 31/01/2020, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 107a/UBND-TH về việc thực hiện Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019, chỉ đạo các ban ngành, đơn vị, địa phương và các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung của Thông tư và tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng theo đúng lộ trình.
Ngày 10/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4686/QĐ-UBND về việc công bố danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực đấu thầu thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Chỉ đạo chủ đầu tư, bên mời thầu thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện những nội dung Chính phủ đề ra, đặc biệt bảo đảm công khai, minh bạch toàn bộ quá trình phát hành hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu, tiếp nhận hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất; nghiêm cấm mọi hành vi cản trở nhà thầu trong việc mua hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu và nộp hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất, nghiêm túc chấp hành việc công khai thông tin trong đấu thầu theo quy định.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lựa chọn 2.920 gói thầu. Tổng giá gói thầu là 3.534.816 triệu đồng, tổng giá trúng thầu là 3.348.761 triệu đồng, tổng giá trị tiết kiệm qua lựa chọn nhà thầu là 186.055 triệu đồng.
Đặc biệt, tỉnh cũng đã tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng với 371 gói thầu. Tổng giá gói thầu được duyệt là 1.628.782 triệu đồng, tổng giá trúng thầu là 975.185 triệu đồng, tổng giá trị tiết kiệm qua lựa chọn nhà thầu là 53.579 triệu đồng.
Trong đó, có 176 gói thầu áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi, 195 gói thầu áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là chào hàng cạnh tranh. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu được áp dụng chủ yếu là phương pháp giá thấp nhất.
Ông Phan Phong Phú - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình nhìn nhận: Việc triển khai phương thức đấu thầu qua mạng là một trong những mặt tích cực đối với công tác triển khai đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu đã được nâng lên đáng kể, tiết kiệm một phần ngân sách cho địa phương, đem đến hiệu quả cao hơn trong đầu tư phát triển, mua sắm công.
Tuy vậy, trong công tác quản lý đấu thầu, cán bộ chuyên trách của một số đơn vị chủ đầu tư đặc biệt là cấp xã, phường còn thiếu kinh nghiệm. Có những chủ đầu tư không có năng lực phải thuê đơn vị tư vấn đấu thầu nhưng chưa sát sao, chưa làm tròn trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện.
Việc thực hiện đấu thầu qua mạng còn tốn nhiều thời gian để khắc phục do lỗi hệ thống. Công tác báo cáo tình hình thực hiện đấu thầu đã được các chủ đầu tư quan tâm nhưng chất lượng một số báo cáo chưa cao, chưa đầy đủ nội dung yêu cầu. Nguyên nhân là do còn nhiều cán bộ của bên mời thầu và nhà thầu chưa thực sự am hiểu đấu thầu qua mạng nên còn lúng túng khi chuyển đổi từ phương thức đấu thầu trên giấy tờ sang đấu thầu điện tử.
Để đảm bảo hiệu quả trong quản lý hoạt động đấu thầu, UBND tỉnh Quảng Bình đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường mở lớp đào tạo nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ làm công tác đấu thầu. Đẩy mạnh tổ chức các kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu, đánh giá thực chất năng lực cán bộ làm công tác này. Tiến tới sẽ hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tiện lợi hơn cho người sử dụng, giải quyết các khó khăn về tốc độ xử lý và dung lượng file hồ sơ dự thầu để phù hợp với các gói thầu thuộc lĩnh vực xây lắp có quy mô lớn.