Về làng Quyết Thắng những ngày này, khắp đường làng, ngõ xóm luôn thoang thoảng mùi thơm dịu ngọt của hương trầm. Theo các bậc cao niên, nghề làm hương trầm ở đây đã có truyền thống gần 300 năm và nổi tiếng nhất nhì vùng đất Quảng Bình.
Làng nghề làm hương quanh năm, nhưng vào những tháng cận Tết Nguyên đán mới bắt đầu “chính vụ”. Thời điểm này, người dân thường gác lại các việc nông, ngư nghiệp để tập trung sản xuất hương trầm, vừa giúp kiếm thêm thu nhập vừa giữ “lửa” làng nghề.
Từ tháng 10 âm lịch, làng nghề bắt đầu tập trung nhân lực, tăng cường hết công suất để “chạy” hàng Tết. Trung bình mỗi ngày, một hộ gia đình có thể làm ra 4.000 - 5.000 cây hương thành phẩm các loại, phục vụ thị trường.
Cụ Nguyễn Thị Cốc (80 tuổi, làng Quyết Thắng, xã Thanh Trạch), người có hơn 60 năm làm hương trầm cho biết, để làm ra loại hương trầm chất lượng tốt, mùi thơm đặc trưng, người dân nơi đây phải thực hiện rất tỉ mỉ trong từng công đoạn sản xuất.
Nguyên liệu chủ yếu để làm nên hương trầm là tre, chất kết dính, bột trầm hương…. Trong đó, bột trầm hương là quan trọng nhất, quyết định nên mùi thơm đặc trưng sản phẩm của làng nghề.
Để làm chân hương, người dân ở đây thường sử dụng loại tre non được mua từ các huyện vùng núi Quảng Bình. Sau khi mang về, tre được ngâm nước, phơi khô rồi chẻ nhỏ làm thành chân.
Bột trầm hương được làm từ lá, rễ của nhiều loại thảo mộc có mùi thơm đặc trưng, đem phơi khô rồi xay nhuyễn thành bột.
Sau khi chuẩn bị xong các nguyên liệu, công đoạn đầu tiên là ngâm chân hương vào chất kết dính (được làm từ bột sắn), tiếp đến lấy ra và cho vào hộp xốp, rắc bột trầm hương lên rồi lắc đều để bột dính vào các chân hương. Sau đó, đem hương đi phơi khô và cứ thế lặp lại 2 - 4 lần sẽ cho ra cây hương thành phẩm, với độ dày và mùi thơm như mong muốn.
Bà Nguyễn Thị Tầm (65 tuổi, ở làng Quyết Thắng) tự hào cho biết: “Làng nghề hương trầm đã có từ lâu đời, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hương của làng được sản xuất thủ công, nguyên liệu được sử dụng 100% từ tự nhiên, không có chất độc hại, mùi thơm đặc trưng nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng”.
Qua trao đổi, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch Lưu Đức Huấn cho biết, làng Quyết Thắng có trên 300 hộ sản xuất hương trầm, tạo việc làm và mang lại thu nhập cao cho người dân nông thôn. Hiện, địa phương đang lên kế hoạch xây dựng hợp tác xã để mở rộng quy mô sản xuất, nâng tầm chất lượng, thương hiệu làng nghề hương trầm Quyết Thắng.
Bùi Biền