Quảng Bình phát động phong trào 'Bình dân học vụ số'
Quảng Bình đề ra mục tiêu đến cuối năm 2025, có ít nhất 80% cán bộ, công chức, 100% học sinh, sinh viên và 80% người dân trưởng thành được trang bị kỹ năng số thiết yếu; đến năm 2026, phấn đấu đạt phổ cập tri thức số toàn diện.
Ngày 9/5, Ban chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số”.
Ban chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình cho biết, phong trào “Bình dân học vụ số” là một nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, đây là một trong những nội dung trọng tâm do Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát động trên phạm vi toàn quốc.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình bấm nút phát động phong trào "Bình dân học vụ số" tại Quảng Bình.
Phong trào này kế thừa cảm hứng từ phong trào “Bình dân học vụ” cách đây gần 80 năm do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng. Nếu trước kia, phong trào “Bình dân học vụ” đã mở ra một thời kỳ mới trong sự nghiệp xóa mù chữ, nâng cao dân trí, khai phóng trí tuệ Việt Nam. Thì ngày nay, trước làn sóng dữ dội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phong trào “Bình dân học vụ số” như một cuộc cách mạng mới, cuộc cách mạng về nhận thức, kỹ năng và hành động.
Theo Ban chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình, Quảng Bình đề ra mục tiêu, đến cuối năm 2025, có ít nhất 80% cán bộ, công chức, 100% học sinh, sinh viên và 80% người dân trưởng thành được trang bị kỹ năng số thiết yếu. Đến năm 2026, tỉnh phấn đấu đạt phổ cập tri thức số toàn diện.
Tại lễ phát động, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang cho biết, thời gian qua, công tác chuyển đổi số của tỉnh Quảng Bình tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, tỉnh đã triển khai hiệu quả các dự án trọng điểm về chính quyền điện tử, đô thị thông minh, hạ tầng số và số hóa dữ liệu.
Đến nay, 100% trung tâm xã có kết nối cáp quang; mạng 3G/4G phủ sóng trên 98% dân cư; mạng 5G phủ gần 83% địa bàn TP. Đồng Hới. Dữ liệu hộ tịch, y tế, giáo dục, đất đai được số hóa mạnh mẽ; hồ sơ hành chính được xử lý trực tuyến với tỷ lệ số hóa vượt 94%. Đáng chú ý, gần 8.000 cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp đã tham gia học tập qua nền tảng trực tuyến.
Ông Lê Ngọc Quang cho rằng, phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ là sáng kiến về kỹ năng số, mà sâu xa hơn, là hành trình trao quyền tri thức, khơi dậy tinh thần học tập suốt đời, phát triển năng lực công dân thời đại mới.
Theo ông Quang, phong trào sẽ được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh Quảng Bình, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng đồng bằng đến miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu. Trong đó, mỗi công dân sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số, sử dụng dịch vụ số thiết yếu, an toàn trong môi trường mạng.
“Lãnh đạo tỉnh mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong toàn tỉnh cùng chung tay, đồng lòng, sáng tạo để phong trào thực sự đi vào chiều sâu, tạo nên sự chuyển biến thực chất và toàn diện. Thành công của phong trào này không chỉ là những con số báo cáo, mà phải là sự thay đổi thật sự trong nhận thức và hành động của từng người dân. Đó là khi người nông dân tra cứu được giá lúa qua điện thoại thông minh, người tiểu thương thanh toán không tiền mặt, người già dùng được dịch vụ công trực tuyến, và trẻ em từ miền xuôi đến miền ngược học, biết, thành thạo được kỹ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo”, ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quang-binh-phat-dong-phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-d280858.html