Quảng Bình: Nhiều mô hình phát triển kinh tế biển hiệu quả
Tỉnh Quảng Bình đã xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ người dân, ngư dân phát triển đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy hải sản…
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, góp phần phát triển thủy sản hiệu quả, bền vững, chống khai thác IUU.
Trong đó, thực hiện Quyết định 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 1.084 tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, với kinh phí hỗ trợ trung bình hằng năm khoảng 300 tỉ đồng.
Đây là động lực rất quan trọng để phát triển khai thác hải sản bền vững, giúp ngư dân mở rộng ngư trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nguồn lực lớn để ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá công suất lớn, trang thiết bị hiện đại nhằm xây dựng đội tàu chất lượng và thuyền viên có kinh nghiệm trong đánh bắt tại vùng biển xa.
Thực hiện Nghị định 67/2014, UBND tỉnh đã phê duyệt và triển khai hoàn thành 91 tàu cá (88 tàu cá đóng mới và 3 tàu nâng cấp), gồm: 59 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite, 31 tàu vỏ thép; tổng mức đầu tư đóng tàu trên 1.200 tỉ đồng, ngân hàng cho vay gần 1.000 tỉ đồng.
Quá trình thực hiện đã góp phần hiện đại hóa đội tàu cá xa bờ của tỉnh, nhiều tàu cá vỏ thép đã được đóng mới, các tàu cá được trang bị máy móc hiện đại để hoạt động xa bờ, dài ngày trên biển.
Triển khai quyết liệt chính sách hỗ trợ ngư dân là động lực rất quan trọng để phát triển khai thác hải sản bền vững, giúp ngư dân mở rộng ngư trường...
Đối với chính sách nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản, tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản với kinh phí 1.250 triệu đồng, góp phần thả tái tạo giống thủy sản với số lượng 338 vạn tôm sú và 29,2 vạn cá nước ngọt các loại vào các thủy vực trên địa bàn.
Quảng Bình cũng đã xây dựng mô hình đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản bền vững với kinh phí 600 triệu đồng, góp phần xây dựng được sáu tổ đồng quản lý tại các vùng nuôi tập trung tại các huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh, Bố Trạch và Ba Đồn; hỗ trợ nâng cao năng lực đồng quản lý khai thác thủy sản với kinh phí 150 triệu đồng cho hai tổ đồng quản lý tại huyện Lệ Thủy.
Về nuôi trồng thủy sản, tỉnh hỗ trợ mô hình nuôi ốc hương bằng lưới vây trên biển tại vùng biển ven bờ với kinh phí 900 triệu đồng cho 5 hộ dân/5 vây lưới với thể tích 9.000 m2, sản lượng thu hoạch 16 tấn ốc hương; hỗ trợ mô hình nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE với kinh phí 800 triệu đồng cho 2 hộ dân/2 lồng với thể tích 1.000 m3, sản lượng thu hoạch 10,2 tấn cá bớp.
Đồng thời, tỉnh hỗ trợ nuôi trồng thủy sản trên biển bằng lồng nhựa HDPE với kinh phí 400 triệu đồng cho 2 hộ dân/6 lồng với thể tích 480 m3, sản lượng thu hoạch ước tính đạt 5 tấn cá bớp; hỗ trợ quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản với kinh phí 250 triệu đồng, mô hình đã phân tích 26 mẫu nước cấp định kỳ, 2 mẫu nước cấp quan trắc, cảnh báo môi trường đột xuất cho vùng nuôi tập trung xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch.
Đối với ngư dân, tỉnh hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng III 150 triệu đồng, mô hình đã hỗ trợ cho 317 học viên là ngư dân trên địa bàn tỉnh.
“Việc thực hiện các mô hình từ nguồn chính sách đã góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm tại các thủy vực; đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, cung cấp kết quả quan trắc môi trường tại vùng nuôi thủy sản tập trung để người dân chủ động trong sản xuất; hình thành, nâng cao năng lực hoạt động của các mô hình đồng quản lý và đáp ứng điều kiện để ngư dân được cấp giấy phép khai thác thủy sản, các quy định của Nhà nước về quản lý tàu cá, hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn...” - ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quang-binh-nhieu-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-bien-hieu-qua-post758559.html