Quan tâm chế độ, chính sách đối với đội ngũ y, bác sĩ
Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn đội ngũ cán bộ ngành Y tế tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi y đức người thầy thuốc, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của cử tri và nhân dân.
Sáng 5/12, Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, gồm: Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương và Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với ngành Y tế.
Dự buổi tiếp xúc có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương đã báo cáo với cử tri ngành Y tế về kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong thời gian qua.
Tại buổi tiếp xúc, những khó khăn, bất cập trong hoạt động ngành Y tế cũng như công tác khám, chữa bệnh hiện nay trên địa bàn tỉnh được các cử tri nêu ra, kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh.
Kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh, cử tri của ngành Y tế nêu thực trạng, hiện nay ngành Y tế tỉnh Quảng Ngãi thiếu nhân lực y tế trong một số chuyên ngành, đặc biệt là bác sĩ đa khoa, bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở.
Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi không đủ hấp dẫn để thu hút nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao về công tác, bác sĩ tốt nghiệp chính quy không muốn về công tác tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã; nhiều trường đại học không còn đào tạo bác sĩ liên thông từ y sĩ; một số trường có đào tạo thì học phí quá cao; nguồn y sĩ để đào tạo liên thông lên bác sĩ cũng ngày càng khan hiếm,…
Cử tri ngành Y tế tỉnh Quảng Ngãi mong muốn trung ương ban hành cơ chế, chính sách chính sách thu hút, ưu đãi, khuyến khích, giữ chân,... dành riêng cho cán bộ y tế, nhất là đối với bác sĩ; đề xuất sửa đổi Nghị định số 140 ngày 5/12/2017 của Chính phủ, vì điều kiện, tiêu chuẩn thu hút nhân lực theo Nghị định số 140 rất cao, trong khi số lượng sinh viên y khoa tốt nghiệp đại học loại xuất sắc rất ít, hầu như không thể thu hút được; tăng đào tạo bác sĩ liên thông từ y sĩ, ưu tiên đào tạo bác sĩ cho tuyến xã, cơ sở y tế tuyến huyện khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và một số chuyên ngành khó tuyển dụng; tiếp tục đào tạo trình độ y sĩ, mở rộng đối tượng được đào tạo cử tuyển.
Trong thời gian qua, viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng có xu hướng gia tăng; nguyên nhân do tiền lương, phụ cấp trả cho cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập vẫn còn thấp hơn nhiều so với cơ sở y tế tư nhân nên không giữ chân được nhân viên y tế đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn cao.
Vì vậy, cử tri đề nghị trung ương có chính sách tiền lương, phụ cấp đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế; bổ sung phụ cấp thâm niên cho cán bộ, viên chức ngành y tế; nâng mức lương khởi điểm cho bác sĩ, thạc sĩ mới ra trường; tăng phụ cấp tiền trực…
Cử tri đề nghị điều chỉnh tỷ lệ tự chủ giai đoạn 2023 - 2025 cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành Y tế, đặc biệt là các đơn vị miền núi, khó khăn. Với tỷ lệ tự chủ quá cao, không phù hợp hiện nay, các đơn vị gặp khó khăn rất lớn về tài chính dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, hoạt động chuyên môn, ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận cán bộ nhân viên ngành.
Kiến nghị trung ương nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh, quyết định lại lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước cho phù hợp với thực tiễn, nhằm tháo gỡ khó khăn trong triển khai tự chủ, tạo tiền đề thúc đẩy quá trình đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Cử tri cũng kiến nghị, hiện nay, hầu hết trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế được đầu tư đã lâu nên các thiết bị cũ kỹ, thiếu đồng bộ, hư hỏng thường xuyên; trong khi kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ không có, dẫn đến nhiều thiết bị đã hỏng nhưng không được sửa chữa, đề nghị các cấp, ngành quan tâm bố trí nguồn lực để đầu tư mới nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Những vấn đề về khó khăn trong thực hiện công tác đấu thầu thuốc, thiết bị y tế; cơ sở vật chất của một số cơ sở y tế xuống cấp ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân; công tác kiểm tra, quản lý các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân còn gặp nhiều khó khăn;... cũng được cử tri của ngành Y tế nêu ra tại buổi tiếp xúc và kiến nghị trung ương và các cấp, ngành liên quan tháo gỡ.
Tại buổi tiếp xúc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên và lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh đã trao đổi, làm rõ một số ý kiến kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cảm ơn và ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri; đánh giá cao những nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ ngành Y tế tỉnh Quảng Ngãi trong công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời, chia sẻ những tâm tư, khó khăn của đội ngũ cán bộ ngành Y tế trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thực thi chính sách.
Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn đội ngũ cán bộ ngành Y tế tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi y đức người thầy thuốc, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của cử tri và nhân dân. Với trách nhiệm người đại biểu dân cử, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của ngành Y tế để chuyển đến các cấp, ngành xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho ngành Y tế để đáp ứng yêu cầu công tác khám, chữa bệnh.