Quân sự thế giới hôm nay (12-8): Australia có thể trở thành bãi thử tên lửa siêu vượt âm của Mỹ

Quân sự thế giới hôm nay (12-8) có những nội dung chính sau: Australia có thể trở thành bãi thử tên lửa siêu vượt âm của Mỹ; Trung Quốc bắt giữ nghi phạm làm gián điệp cho CIA; Đức chỉ viện trợ tên lửa Taurus cho Ukraine khi tên lửa này được điều chỉnh để không thể tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

* Australia có thể trở thành bãi thử tên lửa siêu vượt âm của Mỹ

Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christina Wormuth mới đây cho biết Lầu Năm Góc đang cân nhắc việc sử dụng Australia như một bãi thử tiềm năng cho vũ khí siêu vượt âm tầm xa có độ chính xác cao do Mỹ phát triển.

Theo bà Wormuth, lãnh thổ rộng lớn của Australia là yếu tố chính để nước này có thể trở thành một địa điểm phù hợp cho lựa chọn này bởi Mỹ hiện đang bị hạn chế do thiếu không gian mở phù hợp để thử nghiệm loại vũ khí có tiềm năng rủi ro cao như tên lửa siêu vượt âm.

AGM-183A ARRW là tên lửa siêu vượt âm phóng đi từ máy bay có thể đạt tốc độ tối thiểu Mach 5 và tấn công các mục tiêu tầm xa. Nguồn: Tổng hợp

Bà Wormuth cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Australia trong liên minh AUKUS ký kết năm 2021 giữa Australia, Mỹ và Vương quốc Anh với một trong những nội dung quan trọng của liên minh là tập trung xây dựng đội tàu ngầm hạt nhân và cung cấp tên lửa cho Australia. Do đó, những đóng góp của Australia được kỳ vọng là thiết thực và đáng kể.

Hiện tại, Mỹ đang phát triển một số vũ khí siêu vượt âm, trong đó có vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A và vũ khí tấn công thông thường siêu vượt âm (HCSW). AGM-183A ARRW là tên lửa siêu vượt âm phóng đi từ máy bay còn HCSW được phóng đi từ mặt đất. Cả 2 loại tên lửa siêu vượt âm này đều có thể đạt tốc độ tối thiểu Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh) và tấn công các mục tiêu tầm xa. Ngoài 2 loại tên lửa này, Mỹ cũng đang nghiên cứu phát triển phương tiện lượn siêu vượt âm.

* Trung Quốc bắt giữ nghi phạm làm gián điệp cho CIA

Theo CBS News, Trung Quốc đã bắt giữ một nhân vật thuộc một tập đoàn công nghiệp quân sự của nước này với cáo buộc làm gián điệp cho CIA. Thông báo của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc cho biết một người mang họ Zeng làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã bị bắt do cung cấp bí mật quân sự cho CIA để đổi lấy một số tiền lớn.

Nghi phạm 52 tuổi này đã được đưa đi du học ở Italy và tại đây anh ta đã tiếp xúc với “một quan chức Đại sứ quán Mỹ” mà sau này được nhận định là một điệp viên CIA. Quan chức đại sứ quán Mỹ này đã chuyển cho nghi phạm Zeng một số tiền lớn và hứa hẹn giúp gia đình anh ta sang định cư ở Mỹ để đổi lấy những thông tin nhạy cảm về quân đội Trung Quốc mà Zeng có thể tiếp cận thông qua công việc của mình.

Washington và Bắc Kinh thường xuyên công khai tố cáo lẫn nhau về hoạt động gián điệp của nước này đối với nước kia. Ảnh: anews.com.tr

Washington và Bắc Kinh thường xuyên công khai tố cáo lẫn nhau về hoạt động gián điệp của nước này đối với nước kia. Ảnh: anews.com.tr

Thông báo của Bộ An ninh quốc gia có đoạn: “Sau khi học xong ở Italy, Zeng trở về Trung Quốc, tiếp tục có nhiều cuộc gặp bí mật với các đặc vụ CIA, cung cấp một lượng lớn thông tin tình báo quan trọng và nhận rất nhiều tiền cho hoạt động gián điệp này”. Bộ An ninh quốc gia cũng cho biết thêm nghi phạm Zeng hiện đã bị bắt giữ và vụ việc đang được tiếp tục điều tra. CIA từ chối bình luận về cáo buộc nói trên của Trung Quốc.

Đây là vụ việc mới nhất trong nhiều cáo buộc công khai giữa Washington và Bắc Kinh về hoạt động gián điệp của nước này đối với nước kia. Tuần trước, Mỹ cũng thông báo đã bắt giữ 2 quân nhân thuộc lực lượng hải quân với cáo buộc cung cấp bí mật quân sự cho Trung Quốc.

* Đức vẫn chưa viện trợ tên lửa Taurus cho Ukraine

Ngày 11-8, tạp chí Der Spiegel của Đức đưa tin nước này chỉ viện trợ tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine sau khi tên lửa đã được điều chỉnh về mặt kỹ thuật. Cụ thể, chính phủ Đức đang đàm phán với các công ty công nghiệp quốc phòng nhằm “lập trình lại tên lửa Taurus” để chúng không thể bị sử dụng để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Hiện chính phủ Đức vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về việc viện trợ trên lửa tầm xa này cho Ukraine, nhưng các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.

Tên lửa hành trình Taurus có tầm bắn hơn 500km, có khả năng tấn công các mục tiêu kiên cố và ngầm dưới đất như boong-ke chỉ huy. Chính phủ Đức cho đến nay vẫn ngần ngại và chưa đưa ra quyết định cung cấp tên lửa tầm xa này cho Ukraine do lo ngại Taurus có thể bị sử dụng để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga và điều này có thể dẫn đến leo thang xung đột, khiến Đức trở thành một bên trực tiếp trong xung đột Nga-Ukraine.

Đức chỉ viện trợ tên lửa Taurus cho Ukraine khi chúng được điều chỉnh để không thể tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Ảnh: Alarabiya

Đức chỉ viện trợ tên lửa Taurus cho Ukraine khi chúng được điều chỉnh để không thể tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Ảnh: Alarabiya

Cũng trong ngày 11-8, đài truyền hình ARD trích lời một phát ngôn viên của chính phủ cho biết hiện tại vẫn chưa có diễn biến mới nào trong vấn đề viện trợ tên lửa Taurus cho Ukraine và Đức hiện tại vẫn chỉ “tập trung viện trợ pháo hạng nặng, xe thiết giáp và hệ thống phòng không”.

Trước đó, ngày 10-8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tiếp tục cam kết tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng cũng nhấn mạnh rằng chính phủ Đức sẽ hành động “có trách nhiệm” để tránh đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga. Berlin đã cung cấp vũ khí, khí tài trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh, xe thiết giáp chở quân, máy bay không người lái trinh sát và hệ thống phòng không.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

HỮU DƯƠNG (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-12-8-australia-co-the-tro-thanh-bai-thu-ten-lua-sieu-vuot-am-cua-my-738353