Quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của LLVT Hà Nam
Sự ra đời của LLVT Hà Nam
Nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, trải qua các thời kỳ lịch sử, Hà Nam có vị trí chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ chung của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang (LLVT) Hà Nam đã cùng cả nước vượt qua muôn vàn thử thách, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, góp phần to lớn trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của dân tộc, giành độc lập thống nhất nước nhà, vững bước đi lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Những chiến công vĩ đại trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975) của quân và dân ta đã đi vào dòng chảy lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh đó, quân và dân Hà Nam đã góp phần lập nên những chiến công oanh liệt để đất nước “nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Những tên đất, tên làng như: Bồ Đề (Bình Lục), Đức Bản - Cống Vừa (Lý Nhân), Chợ Lương - Lam Hạ (Duy Tiên), Chanh Chè - Đoan Vĩ (Thanh Liêm), Khả Phong (Kim Bảng), Phù Vân, Hồng Phú (Phủ Lý) đã đi vào trang sử vàng của dân tộc. Tất cả những kỳ tích ấy đều hình thành từ lòng yêu quê hương, đất nước, chủ nghĩa anh hùng, ý chí quật cường, bất khuất, tinh thần sáng tạo trong đấu tranh cách mạng và nền khoa học quân sự Việt Nam.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng với cả nước, các tầng lớp nhân dân Hà Nam đã hăng hái ra nhập các đoàn thể Cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, lấy liên minh công nông làm nền tảng, đó là các hội: “Công nhân cứu quốc”, “Nông dân cứu quốc”, “Thanh niên cứu quốc”, “Hướng đạo sinh cứu quốc”, “Công giáo cứu quốc”,… Trước ngày Tổng khởi nghĩa trên địa bàn tỉnh mới có khoảng 100 làng có cơ sở Mặt trận Việt Minh, sau Tổng khởi nghĩa, thôn nào, xã nào cũng có các tổ chức cứu quốc.
Một ngày sau khi giành chính quyền thắng lợi ở tỉnh lỵ Phủ Lý (24/8/1945), ngày 25/8/1945, Chi đội giải phóng quân Hà Nam ra đời với 3 đại đội gồm 1.200 người do đồng chí Tinh Hoa làm Chi đội trưởng, đồng chí Phạm Văn Biên làm Chính trị viên. Ngoài LLVT tập trung của tỉnh, ở mỗi huyện cũng đã tổ chức một trung đội vũ trang tập trung với nhiều tên gọi khác nhau: “Giải phóng quân”, “Cảm tử quân”, “Tự vệ xung phong”, quân số mỗi trung đội từ 36 - 40 người. LLVT tỉnh, huyện là lực lượng đã từng đi đầu tham gia tổng khởi nghĩa trước đó ở từng địa phương, bao gồm cán bộ cách mạng, đội viên tự vệ cứu quốc, thanh niên cứu quốc. Ngoài ra, còn một số cựu binh sỹ, sỹ quan cũ người Việt trong quân đội Pháp, Nhật và một số bảo an được giác ngộ tình nguyện tham gia LLVT cách mạng.
Cùng với phát triển lực lượng giải phóng quân tập trung, các địa phương trong tỉnh còn chú ý phát triển lực lượng tự vệ hình thức tổ chức bán vũ trang của quần chúng mang nhiều tên gọi khác nhau: “Tự vệ cứu quốc”, “Tự vệ trật tự”. Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của cả nước và đòi hỏi thực tiễn ở các địa phương lúc này cần có LLVT được thống nhất về mặt tổ chức. Tháng 3/1947, Chính phủ quyết định đổi tên “Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia” thành “Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và Dân quân Tự vệ”, thành lập Ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội, xã đội dân quân trực thuộc Ủy ban kháng chiến các cấp.
Chấp hành chỉ thị của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, ngày 18/3/1947, tại thôn Phù Đê, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Ủy ban kháng chiến tỉnh công bố Quyết định thành lập Ban chỉ huy quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Hà Nam (gọi tắt là Tỉnh đội Hà Nam). Đồng chí Lê Ngân Mai được trên điều về làm Tỉnh đội trưởng; đồng chí Nguyễn Hữu Ân làm Chính trị viên; đồng chí Lê Văn Biên là Tỉnh đội phó kiêm Tham mưu trưởng. Đồng thời thành lập cơ quan chỉ huy, các ban chuyên môn của Tỉnh đội như: Ban Quân vụ (Ban Tham mưu), Ban Chính trị, Ban Cung cấp (Ban Hậu cần), với quân số từ 6 đến 12 người. Ngoài ra còn có các bộ phận, đơn vị trực thuộc như: Đại đội cảnh vệ, Đại đội Lê Hồ (thành lập ngày 12/3/1947), đội vũ trang tuyên truyền do đồng chí Mạnh Kha - Trưởng Ban chính trị làm đội trưởng, quân số lúc này của Tỉnh đội vào khoảng 400 người. Đến cuối tháng 9/1947 các cơ quan quân sự huyện và xã cũng được thành lập. Hệ thống cơ quan chỉ huy quân sự, tổ chức đảng các cấp ra đời, LLVT và bán vũ trang Hà Nam dưới sự chỉ đạo, chỉ huy chặt chẽ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở và phát triển nhanh chóng, hoạt động đi vào nền nếp.
Về tổ chức Đảng trong LLVT tỉnh: Ngay sau khi thành lập cơ quan quân sự tỉnh đã thành lập chi bộ, liên chi bộ. Để bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng đối với LLVT địa phương, Tỉnh ủy chủ trương lãnh đạo mọi cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ đều phải tham gia lực lượng Dân quân tự vệ, theo đó hàng trăm đảng viên được điều động sang trực tiếp làm công tác lãnh đạo, chỉ huy quân sự.
(Còn nữa)