Phụ huynh băn khoăn, học sinh có giải thưởng phụ mới được xếp xuất sắc

Những ngày này, các trường học đang hoàn thành tổng kết điểm, hình thức khen thưởng học sinh năm học 2024-2025. Một số phụ huynh có con học tiểu học băn khoăn khi con kiểm tra cuối kỳ toàn điểm 9, 10 nhưng không được xếp xuất sắc.

Chị Trần Bích Thủy có 2 con đang học một trường tiểu học tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, chị rất buồn và băn khoăn không hiểu vì sao cả 2 con đều không được xếp loại hoàn thành xuất sắc dù điểm kiểm tra cuối học kỳ II của con toàn 9, 10.

Theo chị Thủy, từ đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm có gọi phụ huynh để trao đổi về việc hỗ trợ con học do con trai học lớp 2 chữ viết xấu, viết chậm, làm toán thường xuyên sai. Sốt ruột, chị Thủy đã cho con đi học thêm Toán, Tiếng Việt, thậm chí thuê cả gia sư về kèm 1-1 tuần 1 buổi. Nhờ đó, chị thấy năng lực con cải thiện đáng kể, nhất là bài kiểm tra cuối học kỳ II của con, môn Tiếng Việt đạt điểm 9 và Toán 10 thế nhưng điều chị bất ngờ là con không được xếp loại xuất sắc.

“Có phải những bạn đăng ký dự thêm các cuộc thi ngoài nhà trường có giải thưởng mới được xếp loại xuất sắc hay căn cứ vào tiêu chí khác để đánh giá, phụ huynh không nắm được”, chị Thủy nói.

Thời điểm này, các trường học đang hoàn thành tổng kết điểm, hình thức khen thưởng học sinh. (ảnh: Duy Phạm)

Thời điểm này, các trường học đang hoàn thành tổng kết điểm, hình thức khen thưởng học sinh. (ảnh: Duy Phạm)

Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học của một lớp, Trường tiểu học Nguyễn Siêu (Cầu Giấy), một phụ huynh đã hỏi thẳng giáo viên về các tiêu chí xét danh hiệu học sinh xuất sắc để đốc thúc con phấn đấu.

Theo phụ huynh này, các tiêu chí thi đua, khen thưởng cần được công bố từ đầu năm học để phụ huynh được biết. Các phụ huynh khác cũng băn khoăn về việc có nên tham gia các cuộc thi liên quan đến Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh do các đơn vị ngoài nhà trường tổ chức và chứng chỉ, giải thưởng có ý nghĩa như thế nào trong việc xét danh hiệu học sinh xuất sắc ở trường hay không?

Cô Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 2, một trường tiểu học tại Hà Nội cho biết, lớp có 30 học sinh, tổng kết năm học có 16 em đạt danh hiệu: Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện.

"14 em đạt danh hiệu Học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện. Đối với những học sinh này, cô giáo sẽ khen cụ thể năng lực nổi trội của từng em. Ví dụ em nổi trội môn Toán, môn Tiếng Việt hoặc bất kỳ năng lực nào được thể hiện trong suốt năm học", cô Hà nói.

Cô Hà lý giải, giáo viên đánh giá học sinh tiểu học trong suốt cả quá trình năm học, không chỉ qua bài kiểm tra cuối học kỳ I và học kỳ II.

Trong năm học, các bài tập được chấm, chữa hằng ngày, mặc dù không cho điểm nhưng giáo viên đã nhận xét bằng lời để học sinh biết cần phải sửa sai, điều chỉnh ở đâu. Quá trình đó, giáo viên cũng thường đề nghị phụ huynh xem bài và ký xác nhận để hỗ trợ con trong quá trình học tập ở nhà.

“Bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm chỉ là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại học sinh, không phải yếu tố duy nhất quyết định. Các giải thưởng do phụ huynh học sinh đăng ký dự thi ngoài nhà trường không phải là tiêu chí để xét danh hiệu. Nhiều em được xếp loại xuất sắc mà không tham dự cuộc thi nào ngoài nhà trường. Điều này nhằm đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh”, cô Hà nói.

Ngoài ra, giáo viên cũng theo dõi, đánh giá bằng cách quan sát, ghi nhận các em trong quá trình học tập, có chăm chỉ, hăng hái phát biểu trong giờ học hay không.

Tránh khen thưởng tràn lan

Bà Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng nói rằng, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm nắm chắc các quy định về khen thưởng, xếp loại để giải đáp thắc mắc, băn khoăn của phụ huynh.

Theo bà Huệ, ở bậc tiểu học, giáo viên đánh giá kết quả học tập và năng lực, phẩm chất học sinh trong suốt cả năm học. Có thể quán triệt việc khen thưởng danh hiệu xuất sắc ở trong một tỉ lệ nhất định nào đó nhằm hạn chế khen thưởng tràn lan tuy nhiên, trong quá trình học, các em thể hiện năng lực xuất sắc nổi trội ở các tiêu chí cần đạt thì giáo viên, nhà trường công nhận danh hiệu cho học sinh đó.

Ngoài ra, học sinh ở bậc học này cũng được khen thưởng, ghi nhận năng lực nổi trội ở từng môn, từng lĩnh vực là nhằm động viên, khuyến khích tinh thần của học sinh sau một năm học.

Học sinh chưa hoàn thành, nhà trường sẽ có kế hoạch ôn tập trong hè. Nếu sau một kỳ nghỉ hè, học sinh không có sự tiến bộ, có thể ở lại lớp.

Thông tư 27 của Bộ GD&ĐT về đánh giá học sinh tiểu học ban hành năm 2020 cũng đã có những quy định chi tiết. Cụ thể, quy định phương pháp đánh giá học sinh gồm: Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.

Trong đó, đánh giá thường xuyên, giáo viên sẽ thông qua lời nói chỉ cho học sinh biết chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa, viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập cho học sinh khi cần thiết. Giáo viên cũng có thể vận dụng hình thức để học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bạn, nhóm bạn.

Đánh giá định kỳ chính là việc thực hiện các bài kiểm tra cuối học kỳ I, cuối học kỳ II, cuối năm học để đánh giá học sinh.

Bộ GD&ĐT cũng quy định 4 mức đánh giá học sinh gồm: Hoàn thành xuất sắc, Hoàn thành tốt và Hoàn thành, Chưa hoàn thành.

Trong đó học sinh đạt "Hoàn thành xuất sắc" khi có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên.

Học sinh "Hoàn thành tốt" là những em chưa đạt mức "Hoàn thành xuất sắc", nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức "Hoàn thành tốt"; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên.

Học sinh chỉ “Hoàn thành” có các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên. Ngoài ra, vẫn có học sinh “Chưa hoàn thành” phải có kế hoạch tiếp tục rèn luyện trong hè.

Năm học 2022-2023, dư luận xôn xao khi Bộ GD&ĐT báo cáo, cả nước có hơn 105.000 học sinh chưa hoàn thành chương trình. Trong đó, riêng lớp 1 có gần 52.500 học sinh xếp loại “Chưa hoàn thành, chiếm tỷ lệ 2,9% trên tổng số hơn 1,7 triệu học sinh lớp 1 của cả nước. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT lý giải, kết quả cho thấy giáo viên đánh giá khách quan. Các nhà trường sẽ phải có kế hoạch dạy bù để học sinh đạt được các mục tiêu cần đạt, tránh trường hợp học sinh lên lớp nhưng ngồi nhầm lớp.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phu-huynh-ban-khoan-hoc-sinh-co-giai-thuong-phu-moi-duoc-xep-xuat-sac-post1744548.tpo