Phong vị ngày Xuân
Nhanh thật. Thời gian liếng thoắng, ngoảnh lại đã nghe ngọn chướng ùa về trong nắng mai. Thời gian trôi qua nhanh đến mức ta không kịp nhận ra, rồi lại bất chợt cảm nhận được sự thay đổi trong không gian, trong tâm hồn mình, nhẹ nhàng như làn gió mùa Xuân mơn man ngàn hoa lá.
Trong không gian, cảm xúc và hoạt động của con người trong dịp Tết Nguyên đán, thời điểm mà mùa Xuân chạm ngõ. Đây là lúc mà các gia đình sum vầy, mọi người cùng sắp sửa đón chào năm mới với nhiều hy vọng, niềm vui và những điều tốt đẹp.
Tôi có anh bạn khá thân ở Hà Nội. Anh kể, mấy hôm nay thời tiết lạnh hanh hao, nhưng anh vẫn thích tản bộ vào các khu chợ Tết để cảm nhận không khí nhộn nhịp. Giáp Tết, tiết trời miền Bắc thường lạnh buốt, tạo nên không gian Xuân đậm đà, nhưng cũng khá rét mướt. Trời lạnh sắt se càng làm tăng thêm sự nồng nàn của dịp Tết. Các khu phố, ngõ xóm ở Hà Nội được trang hoàng rực rỡ với đèn lồng và những loài hoa đặc trưng của Tết cổ truyền như hoa đào, hoa cúc... Người dân chuẩn bị đón Tết từ rất sớm với các hoạt động như sắm sửa đồ Tết, mua sắm bánh chưng, mứt, các loại hạt ngũ quả…
Nhớ có lần trong dịp giáp Tết, tôi có chuyến ra Hà Nội. Dạo quanh Hồ Gươm trong những ngày giáp Tết mới cảm nhận được không khí Tết đậm đà, vừa tĩnh lặng, vừa nhộn nhịp. Mặt hồ lặng lẽ soi gương, nước hồ trong xanh phản chiếu bầu trời, những cây xanh ven hồ bắt đầu thay lá, hoặc được trang trí với những đèn màu đỏ, mang lại cảm giác bình yên. Cảnh sắc Hồ Gươm vào dịp này thường mang vẻ đẹp thanh bình, dễ chịu với ánh sáng vàng ấm áp từ mặt trời chiếu qua làn sương mỏng, làm dịu đi cái lạnh vào Xuân.
Ngày giáp Tết, ghé thăm Lăng Bác càng thêm ý nghĩa và xúc động. Dưới ánh sáng dịu dàng của ngày Xuân sắp đến, không gian quanh Lăng Bác như tràn ngập cảm giác yên bình và thiêng liêng. Những bông hoa tươi thắm, những bó hoa dâng lên Người thể hiện lòng thành kính của Nhân dân đối với vị lãnh tụ vĩ đại. Hình ảnh mọi người thành kính, nghiêm trang trong từng bước đi, nhìn ngắm Lăng, tạo nên không gian đầy cảm xúc thiêng liêng…
Cảm giác se lạnh khiến tôi chợt nhớ hình ảnh trong “Những ngày giáp Tết” của nhà văn Tô Hoài, có đoạn: “Sớm nay, gió thổi se se. Những chàng mạng sương long lanh rung trong cuống thì là. Vồng cải phấn trắng nở hoa vàng hơn hớn lên. Trời ren rét thế, lại càng ra vẻ Tết… Bé chạy đến bên nồi bánh chưng đương sôi trên bếp lửa... Tối hôm nay, anh em sẽ ngủ quanh bên nồi bánh, trông than hồng nổ pháo lép bép trước mặt”…
Những hình ảnh mang đậm không khí Tết, với những hình ảnh thiên nhiên và sinh hoạt gia đình thân thuộc. Cảnh vật tươi đẹp, gió se lạnh, cây cải trắng nở hoa vàng, cộng thêm những hoạt động truyền thống như nấu bánh chưng, tạo nên không khí ấm cúng và đoàn viên. Hình ảnh của các thành viên trong gia đình quây quần bên nồi bánh chưng, cùng nhau đón Tết, với tiếng than hồng nổ lép bép… Không gian đậm đà phong vị Tết cổ truyền, nơi mà những thói quen và trò chơi dân gian vẫn giữ được sức sống qua thời gian. Hình ảnh ấm áp giữa tiết trời se lạnh cuối năm, gợi nhớ về những ký ức Tết xưa của nhiều gia đình Việt Nam, nơi con cháu quây quần bên nhau, chung vui đón một năm mới đầy ý vị…
Bất chợt lại nhớ những ngày giáp Tết ở miền Tây quê tôi. Cảnh sắc miền Tây vào những ngày giáp Tết đặc biệt ấn tượng, với những cánh đồng lúa chín vàng, những vườn cây trái sum suê và những con kênh, rạch hiền hòa mang nước ngọt lành quanh năm. Sự hòa quyện giữa thiên nhiên và lòng người tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp, khiến ai ai cũng cảm thấy ấm lòng và mong đợi một năm mới an khang, thịnh vượng.
Một trong những hoạt động thường thấy vào dịp Tết là tát đìa bắt cá, một cách làm lâu đời của người dân nơi đây. Cảnh tát đìa bắt cá trong những ngày cận Tết rất vui nhộn, với những tiếng nói cười rộn rã, không khí rất sôi động. Cá, tôm khi bắt lên sẽ được rọng vào các chậu, trong lưới để dành chuẩn bị cho các món ăn ngày Tết. Cá, tôm sẽ được chế biến thành nhiều món ăn truyền thống như cá kho tộ, canh chua, nướng trui… đậm đà hương vị đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Việc tát đìa cũng có ý nghĩa là một hình thức thu hoạch “lộc trời”, mang lại sự thịnh vượng và no đủ cho gia đình trong năm mới. Hình ảnh này không chỉ là công việc chuẩn bị cho Tết, mà còn biểu hiện của tinh thần đoàn kết, sự gắn bó của người dân miền Tây với đất đai, với gia đình và giữa người với nhau…
Mặc dù có sự khác biệt về mỗi nơi, nhưng Tết luôn là dịp để mọi người đoàn viên, quây quần bên gia đình, người thân yêu và cầu chúc cho nhau bao điều tốt đẹp trong năm mới.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phong-vi-ngay-xuan-a414069.html