Phong trào phụ nữ ở xã Vĩnh Trung

Một buổi sáng, quán cà-phê ven đường ở ấp Vĩnh Hạ (xã Vĩnh Trung, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) rộn ràng tiếng cười nói của nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer. Buổi gặp mặt tưởng chừng 'vô thưởng vô phạt', nhưng lại mở đầu cho những tương trợ về sau.

Người quy tụ họ gặp nhau là bà Neang Sath, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Vĩnh Hạ. Bà nói vui, đây là “buổi họp mặt 8/3 muộn”, đãi chị em ly cà-phê thân tình, thay cho quà chúc mừng. Chỉ í ới mấy câu, các chị đã ghé rôm rả, trong bộ quần áo mặc ở nhà đơn giản. Có chị đang bận giữ cháu, liền dắt tụi nhỏ đi theo. Họ trò chuyện với nhau bằng tiếng Khmer không dứt lời, thi thoảng dịch ra tiếng Kinh cho tôi hiểu.

Sau khi ôn lại sơ nét truyền thống của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Khmer vùng Bảy Núi nói riêng, bà Neang Sath hỏi mong ước của từng chị em là gì. Bà Neang Sóc Phi (45 tuổi) bày tỏ mong muốn có được căn nhà lành lặn, thay thế chỗ ở dột nát, xuống cấp. Nhiều năm nay, gia đình bà cần mẫn làm ăn, nhưng chưa thoát nghèo. Giá mà được “an cư”, thì chắc họ sẽ sớm “lạc nghiệp”, bà tin chắc vậy!

Bà Neang Sóc Thia (49 tuổi) tâm sự: “Tôi mong có nguồn vốn vay nhỏ để buôn bán, rồi gửi tiết kiệm, đóng lãi hàng tháng giống như nhiều chị em đã được vay”. Bà Neang Sath (46 tuổi, trùng tên với Chi hội trưởng Phụ nữ ấp) cũng muốn được cho vay khoảng 30 - 50 triệu đồng chăn nuôi bò, làm chuồng trại…

Một buổi sinh hoạt của phụ nữ ấp Vĩnh Hạ

Những tâm tư ấy đã được hội phụ nữ địa phương ghi nhận, tìm phương án giải quyết trong thời gian sớm nhất. Chị Neang Khôl, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Vĩnh Trung cho biết, đây là xã miền núi, DTTS Khmer chiếm gần 60% dân số, tỷ lê hộ nghèo hơn 3%, cận nghèo 2,4%. Phụ nữ (từ 18 tuổi trở lên) 2.772 người, nhưng phần lớn đi làm ăn xa, chỉ khoảng 50% còn bám trụ lại địa phương. Điều kiện về kinh tế, văn hóa, xã hội gặp nhiều khó khăn, đời sống của người dân phụ thuộc vào nghề nông, chăn nuôi, làm thuê là chính.

“Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” (Đề án 939), năm 2023, chúng tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm của cấp trên, lãnh đạo địa phương. Hiệu quả mang lại từ các nguồn vốn vay đã tạo điều kiện cho các chị chăn nuôi, mua bán nhỏ tạo thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Từ đó, các chị yên tâm lao động sản xuất, tham gia nhiều phong trào, hoạt động của địa phương. Hiện nay, đơn vị đang quản lý 2 nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế: Nguồn vốn vay không tính lãi do Hòa thượng Thích Tôn Quảng (Phó ban Trị sự Phật giáo Việt Nam TX. Tịnh Biên) hỗ trợ (20 chị, tổng vốn vay 60 triệu đồng, không tính lãi); Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế tiếp cận 31 chị, tổng số tiền trên 300 triệu đồng” - chị Neang Khôl thông tin.

Ngoài tạo “đòn bẩy” phát triển đời sống vật chất, phụ nữ DTTS Khmer xã Vĩnh Trung còn được quan tâm nâng chất đời sống tinh thần. Gần 30 năm gắn bó với công tác phụ nữ, bà Neang Sath luôn mong mỏi phụ nữ dân tộc mình được nâng cao kiến thức, tiếp cận với những điều kiện sống tiên tiến, tốt đẹp hơn.

“Muốn tuyên truyền cho chị em hiểu, phải sử dụng từ ngữ dễ hiểu, ngắn gọn, vào thẳng trọng tâm. Mỗi lần gặp họ, tôi dặn: Vợ chồng ráng làm ăn; giữ nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp; chăm sóc, theo dõi con cái học hành… Hồi xưa, ý thức vệ sinh nhà cửa, môi trường sống của phụ nữ trong ấp khá thấp, đôi lúc nhếch nhác, mất vệ sinh. Từ hồi thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, mọi thứ tốt hơn trước nhiều lắm. Đây là điều tôi tâm đắc nhất” - bà Neang Sath chia sẻ.

Đến nay, 100% hội cơ sở ở xã Vĩnh Trung đăng ký thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, thông qua nhiều hoạt động thiết thực, như: Vận động sửa chữa đèn chiếu sáng lộ nông thôn; 2 công trình tuyến đường hoa; trồng cây xanh, cột cờ đúng quy cách, bê-tông hóa lộ nông thôn, cất “Mái ấm tình thương”…

Bên cạnh đó, Hội LHPN xã phối hợp UBND xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng phụ nữ về đời sống gia đình, phương pháp nuôi dạy con, giáo dục sức khỏe sinh sản, tiền hôn nhân; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, bạo lực học đường; bình đẳng giới. Đồng thời, thường xuyên rà soát, nắm tình hình phụ nữ di cư lao động, kết hôn với người nước ngoài để kịp thời tư vấn, hỗ trợ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ.

Nhà bà Neang Sath được chọn là một trong những “địa chỉ tin cậy hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình” gần 10 năm nay. Hội LHPN xã thường xuyên truyên truyền, “nói nhỏ”, nếu chị em chẳng may gặp cảnh bạo lực, hành hung, thì vẫn có nơi tương trợ. Điều đáng mừng là chưa có trường hợp nào tìm đến lánh nạn. Còn mâu thuẫn vợ chồng, bạo lực gia đình vẫn xảy ra, nhưng được hòa giải kịp thời, hiệu quả.

Buổi gặp gỡ đầy ắp không khí thân tình, thậm chí chia sẻ cả bài thuốc điều trị bệnh, cách giữ gìn sức khỏe. Bởi vậy, bước sang tuổi 74 rồi, bà Neang Sath vẫn cố gắng phụ trách chi hội phụ nữ ấp, bằng “tình thương mến thương” với chị em xung quanh. Những đóng góp của bà, của Hội LHPN xã đến đời sống của phụ nữ DTTS Khmer như dòng suối nhỏ, róc rách chảy ngày qua ngày, thấm sâu và dần làm thay đổi phong trào phụ nữ địa phương.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phong-trao-phu-nu-o-xa-vinh-trung-a390906.html