Phòng ngừa tai nạn lao động ở các làng nghề

Vĩnh Phúc có 19 làng nghề truyền thống được công nhận và nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất đa dạng các mặt hàng như nghề mộc, nghề rèn, mây tre đan, gốm, chế tác đá, tái chế nhựa… Các làng nghề đã góp phần tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, ở không ít làng nghề có nhiều hộ quy mô sản xuất nhỏ, kỹ thuật chưa được đầu tư, việc bảo hộ lao động vẫn còn bỏ ngỏ… dẫn đến nguy cơ cao về mất an toàn lao động, bởi vậy, rất cần được các cấp, ngành, địa phương và chính người làm nghề quan tâm hơn nữa.

Để tránh gặp tai nạn trong quá trình sản xuất, người lao động tại làng nghề rèn Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc đảm bảo an toàn. Ảnh: Dương Hà

Để tránh gặp tai nạn trong quá trình sản xuất, người lao động tại làng nghề rèn Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc đảm bảo an toàn. Ảnh: Dương Hà

Những ngày giáp Tết, các làng nghề mộc truyền thống ở thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên; Bích Chu, Thủ Độ, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường; nghề mộc ở xã Yên Phương, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc… không khí nhộn nhịp hơn những ngày thường.

Tại các xưởng sản xuất, những người thợ khẩn trương hoàn thiện các loại sản phẩm để kịp giao hàng cho khách. Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn các xưởng mộc đều đặt tại nhà ở của các hộ dân, xen giữa khu dân cư; gỗ và hàng hóa chất đầy khiến không gian nhà ở vốn đã nhỏ lại càng trở nên chật chội, bí bách. Bụi gỗ, mùi sơn và âm thanh ồn ào của các loại máy cưa, máy đục, xẻ gỗ… đã trở thành "đặc sản" của làng nghề mộc.

Thị trấn Yên Lạc có 12 doanh nghiệp và 1.130 hộ sản xuất mộc ở 3 làng Vĩnh Đoài, Vĩnh Đông, Vĩnh Tiên và CCN thị trấn Yên Lạc, tạo việc làm cho trên 6.400 lao động.

Mặc dù hiện nay, hệ thống máy móc, trang thiết bị làm nghề mộc đã được một số hộ đầu tư cải tiến. Tuy nhiên, cả thị trấn chỉ có gần 80 máy đục vi tính; gần 60 máy cắt góc, dán vai gỗ. Còn lại phần lớn các cơ sở sản xuất mộc theo quy mô hộ nên vẫn khó khăn về vốn để đầu tư máy móc hiện đại.

Việc sử dụng máy móc thủ công, mặt bằng sản xuất của các cơ sở nhỏ hẹp khó đảm bảo các yếu tố an toàn lao động. Tình trạng thợ mộc bị tai nạn khi vận hành máy móc không phải là chuyện hiếm gặp. Mỗi năm, thị trấn có từ 1 – 2 trường hợp tai nạn lao động.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc Nghiêm Xuân Thiết cho biết: Cùng với nguyên nhân là hệ thống máy móc, nhà xưởng chưa đồng bộ, thì ý thức, tâm lý chủ quan của người làm nghề vẫn còn phổ biến.

Để đảm bảo an toàn lao động, thị trấn Yên Lạc thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn; chú ý sử dụng thiết bị bảo hộ như găng tay, kính, khẩu trang...

Mỗi năm, thị trấn phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn về ATVSLĐ và PCCN ở làng nghề cho các cơ sở sản xuất nghề mộc; thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, yêu cầu trang bị bình cứu hỏa và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Đồng thời, đề xuất Sở Công thương hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng từ chương trình khuyến công cho các hộ mua sắm máy móc, trang thiết bị mới thay thế thiết bị cũ, lạc hậu để hạn chế tối đa xảy ra tai nạn.

Tại xã Yên Đồng, hiện có 2 làng nghề tái chế nhựa ở thôn Đông Mẫu thu hút 60 hộ; nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm, mành rèm thu hút 100 hộ sản xuất kinh doanh, tập trung chủ yếu ở thôn Gia, thôn Đình, thôn Yên Tâm, thôn Chùa.

Phần lớn các hộ làm nghề ở xã đều sản xuất thủ công, trong đó, nhiều công đoạn giặt, băm sơ bộ, nghiền nhựa, nấu nhựa đều tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn lao động, sức khỏe của người dân. Những trường hợp bị vật sắc đâm vào tay, bị bỏng do chạm vào thiết bị, trơn trượt gây thương tích đã từng xảy ra trong quá trình sản xuất, tái chế nhựa.

Đối với nghề sản xuất chăn, ga, gối đệm, mành rèm có đặc thù chủ yếu nguyên liệu bông vải sợi và nhiều máy móc thiết bị. Trong khi đó, các hộ chưa được quy hoạch ra khu sản xuất tập trung mà nằm xem kẽ ở khu dân cư; nhiều hộ thiếu kiến thức và chủ quan không chú ý tới bảo hộ lao động trong sản xuất; sử dụng máy móc cũ, lạc hậu, hệ thống dây điện không đảm bảo; phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy chưa được quan tâm đầu tư đầy đủ.

Thời điểm cuối năm, các cơ sở sản xuất vận hành hết công suất dẫn đến nguồn dẫn điện quá tải dễ phát sinh nhiệt, gây cháy nổ, mất an toàn lao động đã từng xảy ra ở làng nghề này.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn trong sản xuất ở làng nghề, lãnh đạo UBND xã Yên Đồng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ trong làng nghề nâng cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan gây mất an toàn lao động.

Xã cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn tập huấn và kiểm tra, tổ chức ký cam kết và giám sát việc thực hiện ATVSLĐ – PCCN tại các hộ làm nghề tái chế nhựa, sản xuất chăn ga, từ đó hạn chế tối đa vụ việc mất an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Để đảm bảo ATVSLĐ tại các làng nghề, hằng năm, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện Tháng hành động về ATVSLĐ – PCCN. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH, Sở Công thương tăng cường tuyên tuyền, vận động, nâng cao nhận thức của người lao động, các hộ trong làng nghề về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ-PCCN; quan tâm đầu tư trang thiết bị máy móc giúp nâng cao năng suất, hạn chế rủi ro, phòng ngừa tai nạn, bệnh nghề nghiệp, từ đó hướng tới sản xuất an toàn, bền vững, đảm bảo sức khỏe cho các hộ sản xuất ở làng nghề.

Phương Loan

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/72541/phong-ngua-tai-nan-lao-dong-o-cac-lang-nghe.html