Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đầu năm học

Trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm có chiều hướng gia tăng như sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM), đau mắt đỏ, ngành Y tế và các trường học tích cực triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho học sinh (HS).

Chủ động phòng bệnh

Mùa tựu trường cũng là thời điểm giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát. Đặc biệt, trẻ mầm non, HS tiểu học chưa ý thức được việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ bản thân khi đến trường nên rất dễ lây bệnh.

Bên cạnh đó, việc thay đổi không gian sinh hoạt từ nhà đến lớp học cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi những tác nhân gây bệnh.

Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng để phòng các bệnh truyền nhiễm

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, số ca mắc SXH Dengue trong 4 tuần gần đây là 233 ca, giảm 9,3% so với số ca mắc 4 tuần trước đó. Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.274 ca mắc SXH Dengue, giảm 77,7% so cùng kỳ năm 2022, trong đó, có 122 ca SXH Dengue nặng, giảm 70% so cùng kỳ. Số ca mắc TCM trong toàn tỉnh là 2.093 ca, tăng 2,1 lần so cùng kỳ năm 2022 và 71 ổ dịch, tăng 64 ổ dịch so cùng kỳ.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng khuyến cáo: “Dự báo, những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh có thể tăng cao do thời tiết thay đổi bất thường. Vì vậy, ngành Y tế tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, phối hợp ngành Giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch.

Biện pháp phòng bệnh SXH hiệu quả là diệt lăng quăng, không để muỗi sinh sản, ngủ mùng kể cả ban ngày, cho trẻ mặc quần áo dài che kín tay, chân để tránh muỗi đốt, loại bỏ những dụng cụ chứa nước không cần thiết,... Đối với bệnh TCM, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để virút phát triển và nguy cơ bùng phát thành dịch. Do đó, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo của Bộ Y tế”.

Trẻ bị đau mắt đỏ được phụ huynh đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Long An

Ngoài bệnh SXH, TCM, những ngày qua, toàn tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc bệnh đau mắt đỏ, nhất là HS. Thời tiết mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt,... là những nguyên nhân khiến bệnh đau mắt đỏ tăng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Long An, trong hơn 1 tuần nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 40-50 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Đưa cháu đến khám tại Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Long An, bà Nguyễn Thị Be (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) cho biết: “Cháu ngoại tôi đi học được vài ngày thì bị đau mắt đỏ do lây từ các bạn trong lớp. Gia đình tôi lo lắng nên đưa cháu đến đây để được các bác sĩ khám và điều trị”.

Theo Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Long An - bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Minh Hải, để chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

Tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 288.839 HS. Trong đó, cấp tiểu học có 133.258 HS với 4.254 lớp; cấp THCS có 106.757 HS với 2.668 lớp; cấp THPT có 45.143 HS với 1.099 lớp; hệ giáo dục thường xuyên (thuộc cấp THPT) có 3.681 HS với 96 lớp. Ngoài ra, toàn tỉnh có 53.247 trẻ thuộc nhà trẻ, mẫu giáo.

Góc tuyên truyền giúp phụ huynh nắm rõ hơn các bệnh thường gặp ở trẻ và cách phòng, chống

Ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, cơ sở vật chất, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng được các trường chú trọng nhằm bảo đảm cho HS trở lại trường an toàn. Trong đó, việc ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm như SXH, TCM là một trong những vấn đề trọng tâm.

Trường Mẫu giáo Hoa Sen (phường 7, TP.Tân An) thường xuyên hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách, phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm chéo cho trẻ khi đi học. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Sen - Mai Thị Xuân Thắm chia sẻ: “Trường học là môi trường dễ lây lan dịch bệnh nếu không được kiểm soát tốt, đặc biệt là các trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học.

Vì vậy, khi bước vào năm học mới, trường chủ động thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi giáo viên là tuyên truyền viên trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, trường tiến hành tiêu độc trong khuôn viên, lớp học; khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi cho trẻ thường xuyên”.

Việc khử khuẩn, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ở trẻ

Năm học 2023-2024, huyện Cần Đước có trên 32.200 HS. Trong đó, HS cấp THCS là 11.898 em, HS cấp tiểu học là 14.769 em. Riêng trẻ từ 0-5 tuổi ra lớp có 5.547 trẻ. Công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học được quan tâm thực hiện. Trạm y tế các xã, thị trấn cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ các trường học triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền cho giáo viên, HS và các bậc phụ huynh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tiến (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) - Phạm Văn Út thông tin: “Để chuẩn bị cho năm học mới, trường chủ động tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, khử khuẩn lớp học. Trường đang phối hợp Trạm Y tế xã để phun đợt 2. Bên cạnh đó, trường còn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn giáo viên và HS thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế”.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, cùng với sự nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế và nhà trường, rất cần có sự phối hợp tốt từ phía các bậc phụ huynh. Trong thời điểm HS đi học trở lại, phụ huynh cần chủ động phòng, chống dịch bệnh cho con, em mình, tăng cường theo dõi sức khỏe và cập nhật tình hình, diễn biến của dịch bệnh để thực hiện các biện pháp phòng, chống./.

Mặc dù mới khai giảng được 2 tuần nhưng tôi thấy nhiều trẻ đã phải nghỉ học do bệnh. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho con, tôi đưa con đi chích ngừa đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh và tập cho bé thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân”.

Chị Huỳnh Thị Tuyết Sương (phường 1, TP.Tân An)

Khi đến mùa tựu trường, tôi rất lo lắng về những bệnh mà trẻ dễ mắc trong thời điểm này. Thực hiện theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, tôi cho con ăn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, trang phục đi học cho bé cũng phải phù hợp thời tiết, luôn có nón, áo mưa phòng những lúc nắng, mưa bất thường”.

Chị Nguyễn Thị Cẩm (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành)

Huỳnh Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phong-chong-dich-benh-truyen-nhiem-dau-nam-hoc-a163133.html