'Phông bạt' rồi lại xin lỗi: Bao giờ mới thôi 'sống ảo'?
Mới đây, cựu vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Như Phương đã chính thức xin lỗi và thừa nhận 'phông bạt' tiền ủng hộ đồng bào bị bão lũ để sống ảo.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, sự nổi tiếng đến dễ dàng hơn bao giờ hết. Đặc biệt là đối với những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội như các KOL, KOC... Tuy nhiên, đi kèm với ánh hào quang là những cám dỗ và thử thách mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh để vượt qua. Câu chuyện "xin lỗi rồi lại xin lỗi" của Phạm Như Phương và Việt Anh Pí Po gần đây với hành vi "phông bạt" trong quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 (Yagi) là minh chứng rõ ràng cho sự nguy hiểm của danh tiếng.
Trước đó, rất nhiều người đã "soi" có một tài khoản tên Phạm Như Phương chuyển khoản ủng hộ 500.000 đồng vào ngày 9/9. Giao dịch này có nhiều nội dung giống với ảnh chụp màn hình chuyển khoản đã được Phạm Như Phương đăng tải trên trang cá nhân. Tuy nhiên, con số lại khác nhau một trời một vực.
Hành động "phông bạt" của Phạm Như Phương, một cựu vận động viên thể dục dụng cụ từng được yêu mến, đã gây ra làn sóng phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng. Thay vì thể hiện tấm lòng thật sự, cô chọn cách sống ảo, tạo dựng hình ảnh đẹp lòng người bằng những con số giả tạo, nhằm thu hút sự chú ý và ngưỡng mộ. Khi sự thật bị phơi bày, lời xin lỗi của cô dường như không đủ sức thuyết phục, bởi nó thiếu đi sự chân thành và hối cải khi Tiktoker này tiếp tục bị chỉ ra bài đăng của Louis Phạm trùng khớp với văn mẫu xin lỗi mà... Chat GPT viết ra. Từ đó, cô tiếp tục bị chê là gian lận, thiếu chân thành, đến lời xin lỗi cũng đi cóp nhặt.
Câu chuyện của Như Phương không chỉ là minh chứng cho sự thiếu trách nhiệm cá nhân, mà còn phơi bày bộ mặt thật của một bộ phận giới trẻ, bị cuốn vào vòng xoáy "sống ảo" và coi trọng hình thức hơn nội dung.
Việt Anh Pí Po, một Tiktoker nổi tiếng với hơn 1,3 triệu người theo dõi, cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Anh bị tố "phông bạt" khi khoe chuyển khoản ủng hộ người dân vùng lũ với số tiền khổng lồ, nhưng thực tế số tiền Tiktoker này quyên góp là 1.000.000 đồng. Lời giải thích của Việt Anh cho rằng sự cố do bạn trong team gây ra và anh cũng bị "lừa" bởi sự tin tưởng thái quá, càng khiến người ta thêm nghi ngờ về sự chân thành của lời xin lỗi.
Ngoài ra, sự việc của Phạm Như Phương và Việt Anh Pí Po đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những nguy cơ tiềm ẩn khi danh tiếng bị "nuốt chửng". Chúng ta dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy "sống ảo", tạo dựng hình ảnh đẹp lòng người mà quên mất giá trị cốt lõi của sự tử tế, chân thành và trách nhiệm. Hành động "phông bạt" để câu view, câu like, trục lợi ích kỷ, không chỉ gây tổn hại đến danh tiếng cá nhân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của cộng đồng vào các hoạt động thiện nguyện.
Đặc biệt, sự việc này cũng đặt ra những câu hỏi về vai trò của người nổi tiếng trong xã hội khi họ nắm giữ một lượng lớn người theo dõi. Họ cần sử dụng ảnh hưởng của mình một cách có trách nhiệm, lan tỏa những giá trị tích cực và tạo ra những tác động tích cực cho cộng đồng. Những hàng động khoe của, khoe đồ hiệu nhưng thật chất là sống “phông bạt” sẽ là nguy cơ đối với đối tượng trẻ em khi xem các mội dung này và thật phản cảm khi bản chất việc ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi bão số 3 lại thành cơ hội cho những kẻ “đục nước béo cò” câu view, câu like trục lợi.
Bên cạnh đó, câu chuyện này cũng đặt ra câu hỏi về vai trò của mạng xã hội trong việc định hình giá trị và đạo đức của giới trẻ. Mạng xã hội là một công cụ mạnh mẽ để kết nối, chia sẻ thông tin và lan tỏa những giá trị tích cực. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường dễ bị lợi dụng để tạo dựng hình ảnh ảo, khuếch đại những hành vi tiêu cực và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Để hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn của việc "sống ảo", chúng ta cần có những biện pháp cụ thể. Đó là, giáo dục người nổi tiếng về vai trò và trách nhiệm của họ đối với cộng đồng, khuyến khích họ sử dụng sức ảnh hưởng của mình để lan tỏa những giá trị tích cực. Tăng cường kiểm soát nội dung, loại bỏ những thông tin sai lệch, phản cảm và khuyến khích chia sẻ những thông tin có giá trị, mang tính giáo dục. Tăng cường giáo dục truyền thông cho giới trẻ, giúp họ trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để phân tích thông tin một cách khách quan, tránh bị "lừa" bởi những thông tin giả mạo, sống ảo trên mạng xã hội.
Cuối cùng, để hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn của việc "sống ảo" và "phông bạt" trong cộng đồng, mỗi cá nhân cần có ý thức trách nhiệm, lựa chọn thông tin một cách tỉnh táo, và không bị cuốn theo những giá trị ảo trên mạng xã hội. Hãy sống thật với bản thân, thể hiện sự tử tế bằng những hành động thiết thực. Đó mới là cách để con người sống trọn vẹn với chính mình và có được sự tôn trọng từ cộng đồng.