Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Chính sách ưu đãi không chỉ từ vốn tín dụng

Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai cơ chế tín dụng ưu đãi đối với chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao và mong muốn những chính sách khác được triển khai một cách đồng bộ để tạo ra hiệu ứng tốt hơn.

Ngày 7/11/20224 tại Đồng Tháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Đồng Tháp, tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Căn cứ Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án: “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, NHNN triển khai Chương trình cho vay theo 02 giai đoạn. Trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các tổ chức tín dụng (TCTD).

Về nguồn lực và nguyên tắc cho vay, TCTD thực hiện cho vay bằng nguồn vốn tự huy động của TCTD; do đó, việc cho vay được thực hiện theo cơ chế thương mại với các điều kiện cho vay theo quy định hiện hành của TCTD đối với khách hàng.

Về thời hạn và mục đích cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu (sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ) trong liên kết lúa gạo.

Về lãi suất cho vay, TCTD chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 01%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/cùng nhóm.

Xung quanh việc triển khai chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Quyết định 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đã trả lời phóng vấn báo chí.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị (ảnh: NHNN)

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị (ảnh: NHNN)

Phó Thống đốc có thể cho biết, ngành Ngân hàng đã triển khai Quyết định 1490/QĐ-TTg như thế nào?

Chúng tôi nhận thức Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao theo Quyết định 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một trong những nội dung hết sức quan trọng và nếu triển khai Đề án này một cách quyết liệt với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tôi tin rằng đến năm 2030 chúng ta sẽ có 1ha lúa đảm bảo chất lượng cao, giảm phát thải và đạt được những mục tiêu rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội của khu vực ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung.

Cũng từ nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của Đề án này, ngành Ngân hàng nói chung và NHNN đã nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi theo những nội dung của Đề án. Đối với NHNN, trong thời gian qua, toàn bộ các chính sách, cơ chế cho việc triển khai Đề án này đã được hoàn thiện và ban hành; Cũng như công tác chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trước hết là Agribank- ngân hàng 100% vốn Nhà nước, có vai trò chủ lực trong cho vay nông nghiệp nông thôn nói chung và vai trò chủ lực để thực hiện thí điểm cũng như chương trình lâu dài sau này, thực hiện triển khai Đề án này.

Đến hôm nay, để hiện thực hóa cũng như cụ thể hóa Quyết định 1490/QĐ-TTg câu chuyện là triển khai như thế nào để giúp cho các đối tượng tham gia vào chuỗi liên kết trong Đề án được thụ hưởng chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng ưu đãi, thì Agribank đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho các chi nhánh, đơn vị thực hiện cụ thể trực tiếp cho vay đến các tỉnh ở ĐBSCL.

Thu hoạch lúa mô hình thí điểm đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng Tháp sáng 20-9 - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Thu hoạch lúa mô hình thí điểm đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng Tháp sáng 20-9 - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng nếu như thực hiện tốt tất cả những chính sách đã được đặt ra trong Quyết định 1490/QĐ-TTg thì những người tham gia vào chuỗi liên kết này sẽ được thụ hưởng ưu đãi của Nhà nước rất tích cực. Mà đây cũng là điều kiện có thể nói là có tính chất quyết định cho việc đảm bảo tính lâu dài, tính ổn định và bền vững của việc liên kết giữa các doanh nghiệp hợp tác xã, hộ nông dân từ khâu cung cấp vật tư ban đầu đến khâu trồng trọt đến khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi tin rằng sẽ rất thành công…

Để triển khai thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, cần quan tâm nhất vấn đề nào, thưa Phó Thống đốc?

Đề án phát triển 1ha lúa chất lượng cao là một trong những nội dung rất quan trọng. Nó không chỉ có nhiều ý nghĩa thực hiện mục tiêu kép vừa nâng cao chất lượng gạo để đảm bảo thương hiệu của gạo Việt trên trường quốc tế vừa đảm bảo được vấn đề rất thời sự đó là vấn đề bảo vệ môi trường giảm phát thải hiện nay. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và có nhiều cơ chế chính sách rất rõ ràng trong Quyết định 1490/QĐ-TTg, nhưng vẫn cần sự vào cuộc một cách đồng bộ, sát sao của tất cả các bộ, ngành chính quyền địa phương để tạo ra những cơ chế, chính sách có tính ưu đãi và đem lại những quyền lợi thực sự cho những người tham gia vào chuỗi liên kết này.

Các đại biểu tham dự Hội nghị thăm các cơ sở sản xuất - đối tượng thụ hưởng của Chương trình tại Đồng Tháp (ảnh: NHNN)

Các đại biểu tham dự Hội nghị thăm các cơ sở sản xuất - đối tượng thụ hưởng của Chương trình tại Đồng Tháp (ảnh: NHNN)

Ngân hàng Nhà nước chúng tôi cũng đã triển khai cơ chế tín dụng ưu đãi và cũng mong muốn có cùng những chính sách khác được triển khai một cách đồng bộ thì sẽ tạo ra một cái hiệu ứng tốt hơn, vào cuộc một cách trực tiếp hơn, nhất là người thụ hưởng là các thành viên tham gia chuỗi liên kết, cũng nhìn thấy những chính sách ưu đãi không phải chỉ về vấn đề vay vốn tín dụng, kể cả những lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật liên quan đến chuyển đổi số, liên quan đến vấn đề môi trường, liên quan đến vấn đề dự báo rủi ro thiên tai… để đảm bảo đề án thực hiện đạt hiệu quả kinh tế, giảm được giá thành sản xuất, trồng lúa hiện nay, tăng thêm điều kiện thu nhập cho người nông dân cũng như tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp, kể cả cung ứng vật tư đầu vào cũng như những doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tiêu thụ lúa cho bà con.

Cụ thể sau hội nghị triển khai này, ngành Ngân hàng sẽ làm gì, thưa ông?

Sau khi lắng nghe hội nghị ngày hôm nay cũng như tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp hợp tác xã và bà con nông dân thời gian qua…, trước hết chúng tôi sẽ chỉ đạo làm sao tuyên truyền, phổ biến rộng rài tới tất cả những doanh nghiệp, hợp tác xã những bà con nông dân tham gia vào chuỗi này đều là những đối tượng được thụ hưởng.

Tôi cũng xin nhấn mạnh lại là: Thứ nhất, những ai tham gia vào chuỗi liên kết này là đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi tín dụng, các chính sách ưu đãi sẽ được thông báo rộng rãi cho bà con nông dân thông qua các chính quyền địa phương;

Thứ hai, chỉ đạo Agribank là chủ lực cùng với các ngân hàng thương mại khác triển khai rộng rãi các chương trình này. Và tất nhiên là đảm bảo đúng chính xác quy định những đối tượng được thụ hưởng và những nội dung được đặt ra. Ví dụ như giảm tối thiểu 1% so với lãi suất hiện hành cũng như cơ chế về hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp cho các hợp tác xã hộ dân; Rồi vấn đề cho vay không cần tài sản đảm bảo trên cơ sở quản lý được dòng tiền, trên cơ sở các thành viên đã tham gia liên kết rất chặt chẽ thì sẽ giảm thiểu yêu cầu cần thiết; Tạo điều kiện cho vay vốn trung dài hạn đối với doanh nghiệp cần nâng cao năng lực thu mua, chế biến tại chỗ, cũng như là những doanh nghiệp cung ứng vật tư thiết bị hỗ trợ cho bà con trong quá trình nuôi trồng lúa…Tất cả những điều đó sẽ được triển khai thông qua Agribank là đơn vị chủ lực cho vay trong giai đoạn thí điểm cũng như các TCTD khác tham gia dự án này thời gian tới.

Thứ ba, chúng tôi cho rằng đây là giai đoạn thí điểm, sẽ tiếp tục lắng nghe tiếp thu những gì có thể còn vướng mắc, những gì chưa đồng bộ, để có thể tư vấn tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có những chỉ đạo phù hợp.

Xin cám ơn Phó Thống đốc!

Thanh Thanh

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/pho-thong-doc-dao-minh-tu-chinh-sach-uu-dai-khong-chi-tu-von-tin-dung-78963.html