Phố của 5 làng xưa

Phố Đội Cấn (Ba Đình - Hà Nội) một thời nửa quê nửa tỉnh với hai hàng cây liễu kéo dài cùng những ruộng rau xanh xen kẽ. Con đường gần ba cây số chạy qua năm làng cổ mở đầu là làng hoa Ngọc Hà và điểm cuối là thôn Cống Vị. Đoạn phố trên đất làng Vạn Phúc dài nhất, sau tới thôn Liễu Giai lộng gió Hồ Tây. Tình thơ của thi sĩ Phan Vũ vẫn còn phảng phất đâu đây: 'Rồi một ngày tả tơi/ Loạn gió/ Vườn Ngọc Hà/ Mùa hoa cánh rã' (Em ơi! Hà Nội phố).

Hương xưa hồn phố

Hiếm con đường nào còn giữ được những chùa và đình làng của những vùng đất đi qua như phố Đội Cấn. Năm làng còn đủ đình, chùa, đền và những di tích cổ kính hàng trăm năm như đình Vạn Phúc, Ngọc Hà, Liễu Giai, Đại Yên và Cống Vị. Có những chùa như Bát Tháp hay đình Liễu Giai có tuổi đời ngàn năm linh thiêng. Đó là hình ảnh lịch sử hình thành và phát triển vùng đất 13 trại lập nên Tổng Nội từ thời Lý - Trần.

Bảo tàng Chiến thắng B52.

Bảo tàng Chiến thắng B52.

Mãi tới năm 1901, phố Đội Cấn mới hình thành từ phía sau tường thành Hà Nội kéo dài tới bờ sông Tô (nay là đường Bưởi). Sắc thái vùng dân sinh mang tính quê kiểng tới nay vẫn đẫm dấu ấn với hình ảnh chợ Cống Vị. Xưa đây là nơi hội tụ giao thương tại hai làng Liễu Giai và Cống Vị. Bến đá sông Tô là nơi chở hàng rau hoa, củ quả và gia súc của 13 trại đi các nơi khác. Đồng thời, khu chợ nông sản bên sông Tô cũng thu hút các thương hồ khắp các tỉnh phía Tây Bắc đổ về buôn bán. Dấu mốc ngăn giữa vùng nửa phố quê với nửa phố Tây là khu nhà Nguyện, một chủng viện khá lớn còn gọi là Nhà thơ Liễu Giai (218 Đội Cấn). Hiện ngôi nhà này đã được cải tạo thành Khách sạn La Thành.

Cũng từ đây, người Pháp cho xây trại đua ngựa và những ngôi biệt thự cho cha cố và quan lại ở. Sau này khu nhà nguyện trở thành nơi biệt giam, tra tấn những tù nhân chính trị và các chiến sĩ cách mạng trong những năm (1946-1954). Chợ Bưởi cùng chợ Ngọc Hà và chợ Cống Vị tạo nên trục tam giác thương mại độc đáo của kẻ chợ phía tây hoàng thành xưa. Những con ngõ đan chéo cùng với những núi đất và ao hồ tạo nên quang cảnh hữu tình bên đường phố Mới (tên gọi phố Đội Cấn một thời).

Hình ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà vẫn còn lung linh dịu dàng bên phố: “Ta còn em cô hàng hoa/ Gánh mùa thu qua cổng chợ/ Những chùm hoa tím/ Ngát/ Màu thu” (Phan Vũ). Riêng địa chỉ số 1 ngõ Gia Thịnh (cạnh số nhà 70) hiện vẫn còn ngôi nhà bà Cả Khương. Đó là cô hàng xén năm nào luôn che giấu cán bộ cách mạng hoạt động ngay trong nội thành Hà Nội. Nơi đây còn là địa điểm mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã hoạt động bí mật vào những năm 1938-1939.

Đường phố Đội Cấn luôn gắn với những năm tháng quân và dân Thủ đô chiến đấu chống cuộc dã chiến khốc liệt B52 của không quân Mỹ vào cuối năm 1972. Đó là những năm tháng Hà Nội, đặc biệt là phố Khâm Thiên phải gánh chịu tai họa khủng khiếp do bom đạn giặc Mỹ. Không những thế, khu đầu não chính trị Ba Đình cũng bị tàn phá dữ dội. Nhưng chúng đã bị trả giá và thất bại thảm hại. Giặc lái nhảy dù đã bị bắt trên hồ Tây cùng xác máy bay rơi tại làng Ngọc Hà là hình ảnh chiến thắng vang dội của quân và dân Hà Nội.

Nay, Bảo tàng Chiến thắng B52 (tại số nhà 157 Đội Cấn) như một minh chứng hào hùng có một không hai của quân đội ta. Hà Nội luôn còn đó những ký ức được ghi dấu trong tâm hồn người dân Thủ đô: “Ly rượu đầy xin rót cùng cha/ Nghìn lạy cúi đầu thương đất Tổ/ Bến nước nào đã neo thuyền ngự/ Đám mây nào in bóng rồng bay”. ("Em ơi! Hà Nội phố" -Phan Vũ).

Lung linh phố mới đường thơ

Từ khi con đường Liễu Giai và Văn Cao được xây dựng (từ năm 2010) kéo dài tới Hồ Tây thì phố Đội Cấn cũng phổng phao khác lạ. Ngã tư Đội Cấn - Văn Cao được mở rộng, hàng loạt ngôi nhà công sở và khách sạn mọc lên tạo dáng vóc phố tráng lệ. Đó là những kiến trúc mới trong không gian rộng lớn bên những hàng cây cổ thụ. Đường phố Đội Cấn thay đổi bất ngờ, thêm phần lộng lẫy đan xen những mái đình, cổng chùa thơ mộng.

Đặc trưng nhất trên phố là những con ngõ dài và cũng là nơi hội tụ không ít các văn nhân, nghệ sĩ. Cốt cách của con phố còn được sớm phát triển khi những kênh, sông (chi lưu sông Tô) phía sau hai dãy nhà phố được kè và đổ bê tông phía trên. Những con đường mới hình thành bên các công trình kiến trúc hiện đại trên phố. Đội Cấn không còn cảnh ngập lụt mỗi khi mưa lớn hoặc vào mùa nước dâng cao.

Nhớ lại những ký ức mỗi lần nước dâng cả mét trong ngõ, nhà thơ Trần Kim Hoa (ở sâu trong ngõ 150 Đội Cấn) vẫn còn hốt hoảng. Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại và Trần Kim Hoa xây dựng ngôi nhà bên sông từ đầu những năm 2000. Nữ sĩ cho biết tập thơ “Bên trời” (Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2020) được hoàn thành sau bao năm tháng sống với những cơn mưa và ngập lụt trên phố Đội Cấn.

Những câu thơ về con ngõ nhỏ vẫn còn rung động: “Hà Nội gió mùa Đông Bắc/ Những con phố phong phanh”. Con ngõ ấy luôn hiện hữu thân thương trong tâm hồn nữ sĩ: “Rồi những bến xuân sau những canh xuân/ Những tháng bảy tháng ba những đêm dài những sớm mai gió lộng/ mận trắng trên cành mưa giăng trước ngõ” (Gió mùa Đông Bắc). Và đúng như thơ Trần Kim Hoa, hình ảnh đường Đội Cấn hiện lên một thời “Hà Nội nửa phố nửa làng/ Phố nửa Á nửa Âu”. Nhưng con phố Hà Nội ấy luôn là những ký ức thương yêu: “Âm âm tường rêu/ Tiếng rao khuya mềm đêm ngói mỏng/ Mắt đen tết tóc ơi/ Phố dài ngô nếp nướng”.

Công trình Tòa nhà Thanh niên Hà Nội.

Công trình Tòa nhà Thanh niên Hà Nội.

Nữ sĩ Trần Kim Hoa cho biết phố Đội Cấn còn có những nhà văn, nhà thơ khác đã sinh sống trên phố khá lâu như nhà thơ Đoàn Thị Ký (ở ngõ 195 cũng đã hơn 30 năm. Gần giữa phố còn có các nhà thơ Lê Thị Mây và nhà thơ Đinh Quang Tốn cũng từng sinh sống tại ngõ số 222. Riêng nhà thơ Lê Thị Mây mới dọn đi cách đây không lâu. Nhưng theo chị, nhà thơ Trần Gia Thái là người ở phố Đội Cấn lâu nhất. Hiện anh là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội và cũng là người có nhiều tác phẩm viết về đời sống Hà Nội khá hấp dẫn. Bất ngờ nhà thơ Trần Kim Hoa nhớ tới gia đình nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu ở ngõ 435 phố Đội Cấn.

Nhà văn có cô con gái Lã Hồ Minh Khuê (sinh 1996) nổi tiếng học giỏi và đa tài. Năm học 2014-2015, cô học trò chuyên toán Amsterdam này đã được Trường Đại học danh tiếng Harvard (Mỹ) trao học bổng lớn (320.000 USD). Lã Hồ Minh Khuê trở thành hiện tượng hiếm có trong giới sinh viên trẻ ngày đó ở Hà Nội. Con ngõ nhỏ phố nhỏ bên thôn Cống Vị xưa ấy bất ngờ được mọi người biết tới. Bởi nơi đó luôn vang lên tiếng đàn dương cầm do Lã Hồ Minh Khuê tấu khúc. Một bản nhạc cổ nói về người mẹ yêu thương.

Vẫn còn đó bản tình ca Mimosa

Theo nhà thơ Đoàn Thị Ký, cùng ngõ nơi chị ở còn có gia đình Thiếu tướng Phạm Sơn Dương (con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Vợ của Thiếu tướng Phạm Sơn Dương là họa sĩ Minh Châu (sinh 1962). Một thời, họa sĩ Minh Châu rất nổi tiếng là một ca sĩ trẻ tài năng với nhiều giải thưởng. Đặc biệt ca khúc “Mimosa” (sáng tác Trần Kiết Tường) gắn bó với cái tên Minh Châu cho tới ngày nay. Đó là tiết mục Minh Châu đã đoạt giải nhất Tiếng hát sinh viên toàn quốc năm 1985. Sau này ca sĩ Minh Châu còn đoạt giải nhất “Bông cúc vàng” trong cuộc thi đơn ca năm 1990. Riêng ca khúc “Mimosa” do Minh Châu biểu diễn được coi là đỉnh cao nghệ thuật ca hát luôn gây ấn tượng cho người nghe.

Nhưng sau khi kết hôn, ca sĩ Minh Châu đã dấn thân vào con đường hội họa có bản sắc riêng biệt của mình. Đáng chú ý, trong cuộc triển lãm “Rock Ballad màu” - 2020, họa sĩ Minh Châu đã trưng bày tác phẩm “Cầu Long Biên” với khổ cực lớn (7mx8m). Đây là một trong hơn 200 tác phẩm chị tập trung vẽ cầu Long Biên. Tâm hồn chị luôn ám ảnh với vẻ đẹp cổ kính và mỹ lệ của cây cầu này. Minh Châu bộc bạch: “Trong mắt tôi, cầu Long Biên như người đàn bà kiêu hãnh, ấm áp, bao bọc dù đã già rồi”. Và giờ đây người đàn bà kiêu hãnh Minh Châu vẫn vừa cầm cọ vừa ca hát và bật lên bản nhạc “Mimosa” trong xưởng vẽ đầy sắc màu.

Vương Tâm

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/pho-cua-5-lang-xua-i759207/