Phó Chủ tịch Tà Xùa: 'Con em được đến trường là Tà Xùa có tương lai tươi sáng hơn'

Ông Mùa A Khư, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) rưng rưng cảm động nhớ lại những khó khăn để có được điểm trường khang trang, kiên cố cho gần 50 học sinh mầm non trên vùng núi cao Tà Xùa.

Học sinh điểm Trường mầm non Bản Bẹ (Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La)

Bản Bẹ là là nơi đặc biệt khó khăn của xã vùng cao Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La). 3 năm trước, chỉ có hơn 30 học sinh mầm non theo học tại điểm trường mầm non Bản Bẹ trong bối cảnh không có lớp học mà phải tập trung học nhờ tại nhà văn hóa xã - vốn là một ngôi nhà tuềnh toàng không đủ che nắng, che mưa cho các học sinh nhỏ hàng ngày.

Lúc đó, ông Mùa A Khư mới 42 tuổi, là Phó Chủ tịch xã Tà Xùa, ông Khư có nhiều trăn trở khi các học sinh mầm non trên địa bàn xã không có một chốn học hành kiên cố, an toàn - nhưng lực bất tòng tâm.

Đời sống vật chất của Bản Bẹ còn thiếu thốn đủ bề, học sinh mầm non không có lớp học cũng là điều dễ hiểu.

Ngày 6/5/2021, Quỹ Tâm hồn đẹp (quận Long Biên, Hà Nội) đã lên Tà Xùa khảo sát và quyết định dành tặng các học sinh mầm non nơi đây một công trình nhà lớp học mới.

Ông Mùa A Khư - Phó Chủ tịch xã Tà Xùa. Ảnh: Trần Vũ

Tuy nhiên, ông Mùa A Khư nhớ lại, quá trình chọn lựa vị trí đặt công trình nhà lớp học mầm non cũng gặp nhiều trở ngại, khó khăn khi người dân ban đầu chưa hiểu rõ được mục đích và lợi ích của việc xây dựng lớp học cho con em mình, nên khi chọn vị trí để xây lớp học đã bị người dân phản ứng, cản trở. Lúc ấy, ông Mùa A Khư loay hoay giữa một bên là người dân xã chưa hiểu rõ việc cần một lớp học kiên cố cho con em mình - một bên là những nhà hảo tâm với mục đích tốt đẹp cho con em Bản Bẹ nhưng lại không được người dân nhiệt tình đón nhận.

Thời điểm đó dịch bệnh COVID-19 lại đang hoành hành, ông Mùa A Khư nóng lòng lo công trình không trở thành hiện thực. Ông Khư đã không quản ngày nắng ngày mưa, đường sá cao xa, ông kiên trì đến nhà dân thuyết phục để được đồng tình ủng hộ xây dựng công trình lớp học cho các học sinh mầm non trên địa bàn Bản Bẹ. Ông cũng chân tình "níu chân" các nhà hảo tâm để mong học sinh nhỏ xã mình có được lớp học khang trang, an toàn, kiên cố hơn.

Cuối cùng, vị trí công trình lớp học cũng được người dân đồng thuận, được xây dựng ven triền núi, thuận lợi cho người dân trong xã cho con em mình đến lớp.

Điểm trưởng mầm non Bản Bẹ trước khi xây dựng. Ảnh: M.C

Điểm trưởng mầm non Bản Bẹ hiện nay. Ảnh: Trần Vũ

Ngày 6/5/2021, công trình lớp học mầm non Bản Bẹ được khởi công xây dựng, vững chãi trên triền non cao. Công trình có quy mô 1 phòng học, 1 phòng công vụ, nhà vệ sinh. Trị giá công trình là 330.400.000 đồng. Không những đầu tư lớp học kiên cố, sạch sẽ cho các học sinh nhỏ nơi đây, Quỹ Tâm hồn đẹp còn tặng 10.000.000 đồng để các thầy cô giáo mua sắm đồ dùng, trang thiết bị cho các con học tập. Món quà ý nghĩa này đã mang đến cho trẻ em Bản Bẹ niềm vui, tiếng cười trong cuộc sống và góp phần khích lệ thầy cô giáo trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục nơi đây.

Điều khiến ông Mùa A Khư vui nhất, có lẽ là ngày càng thấy nhiều phụ huynh Bản Bẹ tin tưởng gửi con đến điểm trường, khác xa với thời điểm xây dựng nhà lớp học cách đây 3 năm. Hiện số học sinh đến điểm trường này đã gần 50 em theo học.

Trong chuyến thăm điểm trường vào cuối tháng 4 mới đây, các nhà hảo tâm Quỹ Tâm hồn đẹp đã dành tặng những món quà thiết thực cho thầy và trò Bản Bẹ. Đây cũng là lần đầu tiên gặp lại nhau kể từ khi công trình được hoàn thiện, bàn giao và đưa vào sử dụng. Trước đó, vào dịp công trình lớp học được khánh thành, bàn giao, Quỹ Tâm hồn đẹp không tham dự được do hạn chế đi lại bởi dịch COVID-19. 3 năm sau gặp lại, niềm vui vỡ òa đối với các thành viên Quỹ Tâm hồn đẹp, với thầy cô giáo và các em học sinh nhỏ trường mầm non Bản Bẹ.

Bà Vũ Thị Thân, Trưởng ban vận động Quỹ Tâm hồn đẹp (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: M.C

Bà Vũ Thị Thân, Trưởng ban vận động Quỹ Tâm hồn đẹp vui trào nước mắt khi thấy các em học sinh nhỏ đông vui ngồi ngay ngắn tại điểm trường khang trang. Công trình lớp học được đưa vào sử dụng 3 năm nhưng vẫn sạch đẹp, khang trang, được các cô giáo và học sinh giữ gìn sạch sẽ, ngăn nắp.

"Công trình đã được sử dụng đúng mục đích, được cô và trò trân trọng, gìn giữ phát huy được công năng trong việc hỗ trợ giúp đỡ các học sinh nhỏ có điều kiện học tập tốt hơn – đó là điều mà chúng tôi rất mừng vui. Theo như các cô giáo thông tin thì số lượng học sinh đến học đông hơn, đều đặn hơn từ khi có lớp học mới với đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học. Càng mừng vui hơn khi phụ huynh của các em nhỏ đã đón chúng tôi từ chân núi, rất hiếu khách, khác hẳn thời điểm chúng tôi lên khảo sát cách đây 3 năm, thực sự cảm động. Cũng có rất nhiều phụ huynh học sinh, cả cụ già hôm nay chống gậy đến tham dự cuộc gặp gỡ này" – bà Vũ Thị Thân chia sẻ.

Đại diện Quỹ Tâm hồn đẹp cũng bày tỏ mong muốn qua sự giúp đỡ hỗ trợ này sẽ giúp cho các thế hệ các em nhỏ nơi đây có điều kiện học tập tốt hơn.

Những công trình lớp học nơi vùng cao khó khăn chắp cánh cho các thế hệ học sinh nơi đây có điều kiện học tập, vươn lên, thoát nghèo. Ảnh: Trần Vũ - M.C

Trong chuyến thăm lần này, Quỹ Tâm hồn đẹp mang theo các phần quà tặng Trường mầm non Bản Bẹ, tặng trường mầm non Ban Mai gồm 130 chiếc áo mới, 163 chiếc quần mới, 145 bộ quần áo mới, 1 chiếc tivi Samsung 55inch, 25 chiếc chăn ấm, 100 chiếc ghế và 5 chiếc bàn học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga, Hiệu phó Trường mầm non Bản Bẹ cho biết, đây là những phần quà vô cùng thiết thực với hàng trăm học sinh mầm non trên địa bàn xã Tà Xùa, giúp các em học sinh có thêm niềm vui đến trường, đến lớp, được dạy dỗ trong điều kiện tốt hơn, bố mẹ các em an tâm hơn khi đưa con tới trường.

Hiện điểm trường Bản Bẹ có khoảng 45 học sinh mầm non từ 4-5 tuổi theo học, 100% là con em dân tộc Mông.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tà Xùa Mùa A Khư, xã Tà Xùa có hơn 500 hộ dân, trong đó có hơn 100 hộ dân thuộc diện nghèo. Đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Bắc Yên (Sơn La), bà con chủ yếu làm nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phần lớn dựa theo thói quen canh tác tự cung tự cấp là chính, thu nhập bình quân thấp.

Ngày vui của cô, trò, phụ huynh điểm trường mầm non Bản Bẹ (Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La). Ảnh: Trần Vũ - M.C

Trước đây, hầu hết trẻ em không được đến trường, lớp mà ở nhà tự chăm nhau khi bố mẹ lên nương, rất nhiều em 8-10 tuổi mới được đến trường học. Nhưng nay đã khác, bà con đã được vận động và hiểu rõ hơn tầm quan trọng và lợi ích của việc học tập, của kiến thức mang đến nhiều thay đổi tích cực cuộc sống, góp phần thoát nghèo, nên đa số người dân đều cho con đến trường học.

Điều mà ông Mùa A Khư rất vui và phấn khởi, là mặc dù người dân trong xã Tà Xùa còn nghèo nhưng đều cho con đến trường. Những ngôi trường, lớp học trên đỉnh non cao Tà Xùa được nhà nước đầu tư và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng đang là nơi người dân an tâm gửi gắm con em mình.

"Chúng tôi luôn tập trung động viên, khuyến khích người dân Tà Xùa cho con đến trường. Người dân ở đây đã hiểu được rằng trẻ em là tương lai, việc các con em được đến trường học tập chính là để Tà Xùa có tương lai tươi sáng hơn" – giọng ông Mùa A Khư đầy phấn khởi.

Trần Vũ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/pho-chu-tich-ta-xua-con-em-duoc-den-truong-la-co-tuong-lai-tuoi-sang-hon-179240502002730201.htm