Phổ cập GD mầm non cho trẻ em 3-5 tuổi là chủ trương lớn, mang tính chiến lược

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần thiết ban hành Nghị quyết Quốc hội về phổ cập GD mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Sáng 17/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xây dựng Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi (Nghị quyết).

3-5 tuổi là “giai đoạn vàng” trong phát triển của trẻ

“Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước ta”. Khẳng định điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết: Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại Hội nghị lần thứ 8 xác định rất rõ mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Đây là một trong những giai đoạn phát triển quan trọng nhất trong cuộc đời của trẻ; là nền tảng, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện sau này và được gọi là “giai đoạn vàng” phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, tư duy logic và sáng tạo.

Nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm, chiến lược này của Đảng; tạo cơ sở vững chắc về pháp lý để đảm bảo mọi trẻ em từ 3-5 tuổi được tiếp cận giáo dục mầm non chất lượng, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mĩ và kỹ năng; đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong chăm lo cho tương lai của thế hệ trẻ, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi, trình Quốc hội.

 Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Để tập trung thảo luận cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm, trao đổi, cho ý kiến về một số nội dung, như: Đối tượng áp dụng; các nhóm chính sách lớn dự thảo Nghị quyết đề xuất; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính thống nhất nhóm chính sách được đề xuất trong dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật hiện hành; nguồn lực, điều kiện đảm bảo để thi hành Nghị quyết...

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội (Ủy ban) về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh tiếp tục nhắc đến chỉ tiêu đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi tại Nghị quyết số 42-NQ/TW. Thường trực Ủy ban thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội để cụ thể hóa chủ trương này.

Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội nhận định, hồ sơ kèm theo Tờ trình số 22 của Chính phủ bảo đảm theo các quy định. Dự thảo Nghị quyết phù hợp với chủ trương đổi mới của Đảng, các quy định của Hiến pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật, bảo đảm các vấn đề về bình đẳng giới…

 Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết.

Về các chính sách của dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho rằng cần tập trung hướng tới hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi. Trong đó tập trung các nhóm chính sách lớn: Bảo đảm đủ hệ thống trường lớp học cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi; bố trí đủ giáo viên; đầu tư đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu; bố trí đủ kinh phí vận hành, hoạt động thường xuyên của cơ sở giáo dục mầm non thực hiện phổ cập.

Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc chính sách chung cho đối tượng trẻ 3-5 tuổi, không nên đề xuất riêng biệt cho từng đối tượng cụ thể. Về điều kiện nguồn nhân lực, đề nghị rà soát kỹ lưỡng nhu cầu về giáo viên mầm non, khả năng bố trí biên chế.

Liên quan đến 3 nhóm chính sách đưa ra trong dự thảo Nghị quyết, ông Nguyễn Đắc Vinh đồng thời thay mặt Thường trực Ủy ban trao đổi, cho ý kiến.

 Ủy viên Phan Văn Mãi phát biểu.

Ủy viên Phan Văn Mãi phát biểu.

Đầu tư cho con người là đầu tư quan trọng, hiệu quả nhất

Tại phiên họp, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều khẳng định tầm quan trọng giai đoạn 3-5 tuổi trong quá trình phát triển của trẻ và sự cần thiết ban hành Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.

Ủy viên Phan Văn Mãi nhấn mạnh “rất cần thiết ban hành Nghị quyết” và khẳng định nền tảng thể chất là rất quan trọng đối với trẻ giai đoạn 3-5 tuổi; từ đó đề nghị có thêm nội dung chính sách về phát triển thể chất. Chúng ta đã có thực tiễn, như chương trình Sữa học đường, Y tế học đường... Không nên tiếc ngân sách để đầu tư cho vấn đề này. Đầu tư cho con người là đầu tư quan trọng nhất, hiệu quả nhất.

Cùng với đó, ông Phan Văn Mãi đề nghị mạnh dạn có chính sách để huy động nguồn lực xã hội phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non; có chính sách mạnh mạnh mẽ cho giáo viên, không chỉ công lập mà cả ngoài công lập; cần dành khoản đầu tư nghiên cứu chương trình, kể cả chăm sóc sức khỏe, giáo dục sớm trong giáo dục mầm non.

 Ủy viên Nguyễn Thanh Hải phát biểu.

Ủy viên Nguyễn Thanh Hải phát biểu.

Bày tỏ phấn khởi khi đọc hồ sơ dự án Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết: Với kinh nghiệm lãnh đạo địa phương, nếu nội dung này được quan tâm, ban hành Nghị quyết sẽ rất tốt, giúp rất nhiều cho địa phương.

Góp ý cho 3 nhóm chính sách lớn trong dự thảo Nghị quyết, trong đó có chính sách về đầu tư mạng lưới trường lớp, ủy viên Nguyễn Thanh Hải trăn trở khi hiện nay chưa có nhà đầu tư nào quan tâm đầu tư vào giáo dục mầm non vùng đặc biệt khó khăn; trong khi khu vực thành phố, điều kiện kinh tế xã hội phát triển thì nhà đầu tư vào giáo dục mầm non rất nhiều. Do đó, cần có chính sách ưu đãi vượt trội, đột phá để xã hội hóa, huy động khối tư nhân tham gia, từ đó phát triển mạng lưới trường lớp cho giáo dục mầm non mà không chỉ phụ thuộc vào nguồn ngân sách.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tổng hợp lại các ý kiến phát biểu; đồng thời đưa ra một số vấn đề cần tiếp tục làm rõ để hoàn thiện Nghị quyết liên quan đến mục tiêu, chính sách, nguồn lực...

Trong đó, đề nghị xem xét liệu mục tiêu đưa ra có đạt được? Các chính sách đã tính toán kỹ lưỡng để đạt được mục tiêu này? Làm rõ ràng các hệ thống chính sách để không bị chồng lấn; làm rõ tính khả thi về điều kiện nguồn lực con người, kinh phí và lộ trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, đặc biệt là kỹ thuật lập pháp; giao Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa và Xã hội tiếp thu, nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Bộ trưởng đồng thời giải trình, làm rõ sau các ý kiến trao đổi, góp ý của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiếu Nguyễn. Ảnh: Xuân Phú.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/pho-cap-gd-mam-non-cho-tre-em-3-5-tuoi-la-chu-truong-lon-mang-tinh-chien-luoc-post727500.html