Phía sau vinh quang

Khi lựa chọn đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp, mọi vận động viên (VĐV) luôn khát khao giành chiến thắng, được đứng trên bục vinh quang. Vậy nhưng, đường đến với đỉnh cao thành tích - phía sau huy chương luôn là những khổ luyện, thậm chí là cả máu và nước mắt.

Lê Thị Hiền là một trong những VĐV xuất sắc của thể thao Thanh Hóa trong năm 2023.

Năm 2023 được xem là năm thành công rực rỡ đối với nữ VĐV Lê Thị Hiền - bộ môn Vovinam. Nữ VĐV giành HCV hạng cân 57kg nữ Giải vô địch Vovinam toàn quốc; HCV hạng cân 55kg nữ SEA Games 32 - Campuchia; HCV hạng cân 57kg nữ tại Giải vô địch

Vovinam thế giới lần thứ 7. Đây là lần thứ 2 Lê Thị Hiền giành được HCV tại giải vô địch thế giới. Với thành tích giành được, Lê Thị Hiền là một trong những VĐV xuất sắc nhất của thể thao Thanh Hóa trong năm 2023.

Ở tuổi 26, với một nữ VĐV có 13 năm theo con đường tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp như Lê Thị Hiền thì đây được xem là thời điểm vàng của “độ chín” sự nghiệp và cả sự chững chạc trong tâm thế đón nhận. Thời điểm mà dù có đứng trên bục cao nhất của vinh quang hay chẳng may có thất bại trong một giải đấu thì nữ VĐV vẫn có thể “nén” lại những xúc cảm vui, buồn của bản thân.

Sinh năm 1998 ở xã Xuân Phú (Thọ Xuân), năm 2011 khi vẫn còn là cô bé hoạt bát, thích tập võ như một cách để rèn luyện sức khỏe và bảo vệ bản thân, Lê Thị Hiền được tuyển chọn làm VĐV của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh. Trước niềm vui của con gái, bố mẹ em lại tư lự, một phần vì không nỡ xa con, phần khác vì người lớn hiểu được, theo con đường thể thao chuyên nghiệp chắc chắn không dễ dàng, nếu chẳng may có thất bại thì có thể sẽ là “cú sốc” với con trẻ... Vậy nhưng, với niềm vui và cả ước mơ được làm VĐV chuyên nghiệp, Lê Thị Hiền đã thuyết phục được cha mẹ đồng ý để con gái “thử sức mình”.

Với thể thao chuyên nghiệp thì không thể thiếu sự khổ luyện.

“Khi đó, cũng như hầu hết những VĐV nhỏ tuổi khác, sống ở môi trường mới, thay đổi thời gian học tập, sinh hoạt, lại phải xa gia đình... rồi cả đối diện với việc tập luyện nghiêm khắc... em tưởng như mình đã chọn sai. Những lúc như vậy, em lại nhớ nhà và chỉ muốn về nhà. Cứ trông ngóng đến cuối tháng để được về thăm nhà” - nữ VĐV Lê Thị Hiền nhớ lại.

Dẫu vậy, những khó khăn ban đầu cũng trôi qua, sau 4 tháng xuống Trung tâm, tháng 6/2011 lần đầu tiên nữ VĐV Lê Thị Hiền tham gia tranh tài tại Giải Vovinam trẻ toàn quốc và giành được HCB. Thành tích đầu tiên như “bước đệm” để nữ VĐV xứ Thanh tự tin bước tiếp trên con đường thi đấu thể thao chuyên nghiệp, như: giành HCV tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII năm 2012; HCV Giải Vovinam trẻ toàn quốc năm 2012; HCV Giải vô địch Vovinam toàn quốc năm 2015... Năm 2022, SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam, VĐV Lê Thị Hiền xuất sắc giành HCV hạng cân 60kg nữ...

Chia sẻ về sự “khắc nghiệt” của con đường thể thao chuyên nghiệp, nữ VĐV Lê Thị Hiền tâm tình: “Với bản thân tôi, cố gắng và cố gắng như “câu thần chú” phải nằm lòng. Cố gắng trong tập luyện, đua sức với các VĐV trong đội tuyển để chứng minh năng lực của mình, để có thể được chọn. Rồi cố gắng trong từng giây phút tranh tài, trong mỗi giải đấu... Luôn phải “sạc” năng lượng cho bản thân, từ trong suy nghĩ, ý chí đến việc rèn luyện... Đó là cách để VĐV chuyên nghiệp trụ vững trên con đường mình đã lựa chọn. Dẫu vậy, trong thể thao, giữa chiến thắng và thất bại đôi khi là một ranh giới rất mỏng..., rất khó để nói trước. Chưa kể những biến cố có thể xảy đến bất ngờ. Như năm 2018, tôi bị chấn thương đầu gối. Sau khi vết thương bình phục, dù vẫn tham gia đánh giải nhưng thất bại, không giành được thành tích như kỳ vọng. Nếu lúc đó bản thân buông tay, ý chí không đủ mạnh, biết đâu con đường sự nghiệp của tôi đã rẽ sang hướng khác... Vậy nên, “thắng không kiêu, bại không nản”, quan trọng là bạn vẫn đủ quyết tâm để bước tiếp”.

Những năm qua, VĐV Pencak Silat Vũ Văn Kiên cũng được xem là gương mặt sáng của thể thao thành tích cao xứ Thanh. Nam VĐV nhiều lần giành huy chương ở Giải vô địch thế giới; HCV Giải vô địch châu Á; nhiều năm liên tục đoạt HCV Giải vô địch Quốc gia; huy chương ở SEA Games.

Nhìn lại những thành tích đã đạt được, nam VĐV quê xã Quảng Thạch (Quảng Xương) chia sẻ: “Tôi tình cờ đến với con đường thể thao chuyên nghiệp. Nhưng để đi được trên con đường thể thao mà số phận đã đưa đến thì không có sự tình cờ hay bất ngờ nào cả. Tất cả đều phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt... Tôi không nghĩ là mình phải hy sinh bởi đó là con đường mà bản thân đã lựa chọn. Nhưng phải có những “đánh đổi”. Trong khi bạn bè cùng trang lứa có thể vui chơi, ăn ngủ, giải trí một cách tùy hứng thì chúng tôi phải căng mình luyện tập. Trừ khoảng thời gian tham gia thi đấu, một ngày duy trì thường xuyên 3 ca tập luyện từ sáng sớm đến chiều muộn; chấp nhận sống xa gia đình và chỉ trở về sau mỗi lần “đánh giải” đạt thành tích. Vừa để thăm bố mẹ, cũng là tranh thủ nghỉ ngơi”.

Cũng theo chia sẻ của VĐV Vũ Văn Kiên: “Ngoài việc tập luyện thường xuyên thì trước mỗi giải đấu đều phải “ép cân”. Việc duy trì tập luyện thường xuyên, rồi ép cân thực sự rất áp lực và mệt mỏi. Nhưng khi VĐV không còn phải chịu áp lực, không còn đặt ra mục tiêu thành tích thì rất khó có thể đứng trên bục vinh quang”.

Với VĐV Vũ Văn Kiên, để có thể đứng trên bục cao vinh quang thì phải chịu được áp lực.

Người xưa đã nói, khổ luyện mới thành tài. Trong mọi lĩnh vực, nghề nghiệp của cuộc sống, đều cần đến khổ luyện - nếu bạn muốn thành công. Và sự khổ luyện với VĐV thể thao là đòi hỏi bắt buộc.

Ghé thăm Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, tôi có dịp hiểu hơn về sự khổ luyện của những VĐV. Là những cô bé, cậu bé VĐV nhí tuổi mới lên 5, lên 10 tưởng chừng “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng khi vào đây, các em bắt buộc phải tuân thủ nguyên tắc và chấp hành kỷ luật. Mỗi ngày phải dậy từ sáng sớm để tập luyện, sau đó đến trường học các môn văn hóa; buổi chiều trở về từ lớp học lại lao mình vào tập luyện theo giáo án của HLV. Khung thời gian ăn uống, học hành, tập luyện đều phải được lên lịch cụ thể, rõ ràng, không có chỗ cho sự chây ì, lười biếng. Nhưng đó cũng chỉ là bước đầu, vì nếu muốn được đứng trên bục vinh quang, giành được huy chương danh giá thì sự khổ luyện, nỗ lực càng phải nghiêm khắc...

Đường đến vinh quang của VĐV chuyên nghiệp chưa bao giờ là sự dễ dàng và phía sau vinh quang luôn là những nỗ lực không ngừng nghỉ, nếu như muốn “khắc tên mình trên đời”. Bởi “chặng đường nào trải bước trên hoa hồng/ bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”.

Bài và ảnh: Trang Bùi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/the-thao/phia-sau-vinh-quang/30515.htm