Phép thử giữa biến động
Ngày 1/7, Đan Mạch chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) 6 tháng cuối năm, tiếp nối Ba Lan trong bối cảnh châu lục đang đối mặt với nhiều thách thức địa chính trị sâu sắc.
Từ một quốc gia từng tỏ ra dè dặt, thậm chí hoài nghi với tiến trình hội nhập, Đan Mạch giờ đây đang dần chuyển mình thành một trong những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ cho hợp tác châu Âu, một chuyển biến đáng chú ý trong giai đoạn nhiều biến động.

Cờ Liên minh châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Từ hoài nghi đến đồng thuận chiến lược
Gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tiền thân của EU, từ năm 1973, Đan Mạch luôn tiếp cận hội nhập khu vực với tinh thần thận trọng và thực dụng. Tuy nhiên, khi "cầm trịch" Hội đồng EU lần này, Copenhagen thể hiện niềm tin sâu sắc hơn vào giá trị của hợp tác xuyên quốc gia, dù vẫn chưa có ý định gia nhập khu vực đồng euro.
Theo báo cáo của nhà nghiên cứu Flemming Splidsboel Hansen tại Viện các vấn đề quốc tế Đan Mạch, 66% người dân Đan Mạch tin rằng vai trò của EU sẽ ngày càng quan trọng hơn trong tương lai, vượt xa mức trung bình 44% của toàn khối. Thậm chí, có tới 82% mong đợi EU đóng vai trò chủ chốt trong bảo vệ công dân trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu, cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân.
Theo bà Alberte Bové Rud, chuyên gia từ mạng lưới Think Europa, không chỉ người dân mà cả giới chính trị Đan Mạch đang có xu hướng “muốn đất nước đóng vai trò trung tâm hơn trong EU”. Đáng chú ý nhất là sự thay đổi của Thủ tướng Mette Frederiksen. Từng được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo hoài nghi EU nhất trong lịch sử hiện đại Đan Mạch, nhưng nay, bà Frederiksen không loại trừ khả năng thực hiện vay vốn để tăng chi tiêu quốc phòng, điều mà bà từng phản đối gay gắt.
Lý do cho sự chuyển biến này phần lớn đến từ bối cảnh địa chính trị mới. Cuộc xung đột tại Ukraine, các động thái quân sự gần Baltic và đặc biệt là những phát ngôn gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bao gồm cả ý định “mua lại” Greenland, đã khiến Đan Mạch nhìn nhận lại vai trò của EU. Bà Rud đánh giá “người Đan Mạch ý thức được rằng họ không thể ứng phó nếu một đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại hành xử như một mối đe dọa”. Điều này khiến quốc gia Bắc Âu dịch chuyển rõ rệt về phía châu Âu trong các vấn đề an ninh.
Thế khó của nước chủ tịch
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, nhà báo kỳ cựu Nagayo Taniguchi nhận định chức Chủ tịch Hội đồng EU – được luân phiên 6 tháng/lần – từng mang nhiều ý nghĩa biểu tượng khi các quốc gia thành viên còn giữ quyền lực lớn trong bộ máy điều hành. Nhưng trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay, vai trò này trở nên giới hạn hơn, thiên về trung gian thúc đẩy nghị trình và điều phối đàm phán.
Ba Lan bàn giao chức Chủ tịch EU trong bối cảnh đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng Ukraine. Trái lại, Đan Mạch, với bối cảnh địa lý và lịch sử khác biệt, tiếp nhận trọng trách này với thái độ dè dặt hơn. Sự tương phản ấy phần nào cho thấy điểm đa dạng, thậm chí rạn nứt, trong cách các quốc gia thành viên EU tiếp cận những thách thức chung.
Quan trọng hơn, ông Taniguchi nhấn mạnh đến cái giá phải trả cho việc tăng chi tiêu quốc phòng, vốn đã được đồng thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở La Haye (Hà Lan) mới đây. Việc ưu tiên an ninh có thể tạo sức ép đối với các khoản ngân sách khác như phúc lợi, y tế và giáo dục tại các nước EU.
Ông cảnh báo: “Lạm phát có thể tiếp tục leo thang, xã hội có nguy cơ phân hóa sâu sắc hơn”, đồng thời dự đoán các đảng cực tả và cực hữu có thể tận dụng làn sóng bất mãn để gia tăng ảnh hưởng trong các kỳ bầu cử sắp tới. Đó là nghịch lý lớn của EU hiện nay khi càng hội nhập sâu rộng, liên minh lại càng trở nên thiếu thống nhất. Điều đó đồng thời báo trước một nhiệm kỳ đầy khó khăn của Đan Mạch trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU trong 6 tháng tới.
Dự kiến, ngay trong tháng 7 này, Đan Mạch sẽ phải chủ trì các cuộc đàm phán ban đầu về Kế hoạch ngân sách dài hạn tiếp theo của EU, còn gọi là Khung tài chính đa niên sau năm 2027. Đây là vấn đề rất nhạy cảm về chính trị, khi các nước EU đang có những ưu tiên khác nhau về chi tiêu trong lĩnh vực quốc phòng, nông nghiệp, phát triển khu vực.
Những ưu tiên hàng đầu
Với khẩu hiệu “Một châu Âu an toàn, xanh và cạnh tranh”, Đan Mạch đặt ra 3 ưu tiên chiến lược: củng cố an ninh, đẩy mạnh chuyển đổi xanh và nâng cao sức cạnh tranh nội khối. An ninh tiếp tục là trọng tâm, phản ánh lập trường rõ ràng của Copenhagen trong việc ủng hộ Ukraine gia nhập EU và tăng cường tự chủ quốc phòng châu Âu.
Bên cạnh đó, Đan Mạch khéo léo lồng ghép mục tiêu chuyển đổi xanh vào chiến lược tăng trưởng, đặt trọng tâm vào các ngành công nghiệp bền vững và giảm phát thải. Tuy nhiên, để đạt được đồng thuận trong việc thông qua mục tiêu khí hậu năm 2040 giữa 27 quốc gia thành viên, nhiệm kỳ này sẽ là một bài toán chính trị không dễ giải.
Trên phương diện nội bộ, chính phủ liên minh của Thủ tướng Frederiksen, gồm 3 đảng từ trung tả đến trung hữu, cũng đang hướng đến kỳ bầu cử quốc hội năm 2026. Nhiệm kỳ Chủ tịch EU được xem là cơ hội để thể hiện năng lực cầm quyền và tranh thủ sự ủng hộ trong nước.
Theo nhà nghiên cứu Alberte Bové Rud, Copenhagen sẽ tận dụng vai trò hiện tại để khẳng định ảnh hưởng của mình, khiến EU trở nên "cứng rắn hơn" trong chính sách di cư, một chủ đề vốn nhận được nhiều đồng thuận tại Đan Mạch. Thủ tướng Frederiksen cũng đồng tổ chức nhiều cuộc họp không chính thức với các lãnh đạo EU, trong đó có những đồng minh cực hữu như Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, để thúc đẩy các sáng kiến kiểm soát di cư.
Nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Đan Mạch diễn ra vào thời điểm liên minh đang cần điều hướng giữa bất ổn bên ngoài và chia rẽ nội khối. Sự thay đổi trong quan điểm đối với châu Âu của Copenhagen, từ hoài nghi sang chủ động, không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn là minh chứng cho vai trò ngày càng then chốt của quốc gia Bắc Âu này trong tương lai EU.
Thực dụng nhưng giàu chiến lược, Đan Mạch đang có cơ hội khẳng định mình như một thành viên trung tâm trong một châu Âu không ngừng biến động. Và đây có thể sẽ là nhiệm kỳ đánh dấu bước ngoặt trong hành trình hội nhập của chính họ.