Phê chuẩn EVFTA, EVIPA: Cơ hội nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Ngày 8-6, ngay sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định Thương mại tự do, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA, EVIPA), Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti đã chủ trì cuộc họp báo để chia sẻ về những tác động của 2 hiệp định đối với nền kinh tế Việt Nam.

Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti tại buổi họp báo.

Đánh giá việc Quốc hội Việt Nam thông qua EVFTA, EVIPA, ông Giorgio Aliberti khẳng định, đây là một thành quả lịch sử, một bước tiến vượt bậc trong quan hệ giữa EU và Việt Nam. Nền tảng hợp tác mới này đem lại một cơ sở tốt cho việc mở rộng các cơ hội đầu tư và thương mại.

Khi đi vào hiệu lực, EVFTA sẽ mang lại những tác động tích cực ngay lập tức cho các doanh nghiệp ở cả Việt Nam và châu Âu. Kể từ ngày đầu tiên có hiệu lực, việc cắt giảm thuế quan sẽ áp dụng cho 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng nhập khẩu của EU từ Việt Nam.

Việc loại bỏ thuế quan song phương và thuế xuất khẩu, cùng với việc giảm các hàng rào phi thuế (NTBs) dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại song phương một cách đáng kể. Việc mở cửa thị trường mua sắm công cũng mang lại thêm những cơ hội thương mại mới và quan trọng đối với EU. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU dự kiến sẽ tăng 15 tỷ euro, trong khi xuất khẩu của EU dự kiến sẽ vào khoảng 7,5 tỷ euro.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo EVFTA đã có thể giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030; đồng thời, có thêm từ 100.000 đến 800.000 người thoát nghèo.

Bên cạnh đó, cả 2 hiệp định đều mang đến cho Việt Nam cơ hội trở thành một trung tâm sản xuất của khu vực. So với các nền kinh tế tương đồng tại Đông Nam Á, Việt Nam có lợi thế của người đi trước, đó là có từ 7 đến 10 năm vàng với đặc quyền tiếp cận vào thị trường EU. Chỉ có Singapore, nước đã ký kết và phê chuẩn FTA trước Việt Nam, ở vào vị trí thuận lợi tương tự.

Với nền tảng của các thỏa thuận kinh tế mới với EU, sự lựa chọn các đối tác châu Âu mới sẽ là điều hiển nhiên và là cơ hội mở cho các nhà sản xuất Việt Nam. Điều này mang lại thêm các cơ hội và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương và các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thành các công ty toàn cầu.

Theo Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti, EVFTA có khả năng kích hoạt một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài mới từ EU vào Việt Nam.

“Đầu tư từ EU có chất lượng hàng đầu. Các công ty châu Âu mang các kỹ năng cao, kinh nghiệm tốt nhất về tổ chức và các công nghệ hàng đầu thế giới đến Việt Nam. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu đi kèm với các tiêu chuẩn cao về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc bảo vệ và đào tạo công nhân và nhân viên, cũng như việc tôn trọng và bảo vệ môi trường. Những tác động lan tỏa này rất cần thiết cho các nền kinh tế như Việt Nam nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình. Nó cho phép Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra việc làm tốt hơn, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững”, ông Giorgio Aliberti nhận định.

Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức đối với Việt Nam khi phải tăng cường nỗ lực cải cách chính sách đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo ra môi trường hấp dẫn, minh bạch. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng hàng hóa đáp ứng với tiêu chuẩn của EU.

Đáng lưu ý, yêu cầu về quy tắc xuất xứ là một trong những thách thức chính mà Việt Nam phải vượt qua. Ngay cả khi sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu EU chưa chắc đã công nhận nguồn gốc đó vì theo EVFTA, sản phẩm được công nhận sản xuất tại Việt Nam chỉ khi sử dụng nguyên vật liệu có xuất xứ tại Việt Nam hoặc có một tỷ lệ lớn nguyên vật liệu có xuất xứ tại Việt Nam...

Minh Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/969513/phe-chuan-evfta-evipa-co-hoi-nang-cao-vi-the-cua-viet-nam-trong-chuoi-gia-tri-toan-cau