Phát triển văn hóa thành sức mạnh nội sinh của kinh tế Việt Nam

Sáng 14/5, tiếp tục phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Huy động các nguồn vốn thực hiện chương trình

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.

Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa...

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Dự kiến nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 gồm vốn ngân sách trung ương (NSTW) khoảng 63%, vốn ngân sách địa phương (NSĐP) chiếm 24,6% và vốn huy động hợp pháp khác.

Căn cứ tổng kế hoạch vốn NSTW giai đoạn 2025 - 2030 được Quốc hội phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn NSTW và tỷ lệ đối ứng vốn NSĐP thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030, để hướng dẫn các địa phương và bộ, cơ quan Trung ương thực hiện; quy định rõ nguyên tắc xác định nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, cơ cấu nguồn vốn NSTW, không trùng lặp với các hoạt động thường xuyên đã được đảm bảo từ nguồn kinh phí khác.

Dự kiến nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 gồm vốn ngân sách trung ương khoảng 63%, vốn ngân sách địa phương chiếm 24,6% và vốn huy động hợp pháp khác.

NSTW ưu tiên hỗ trợ các tỉnh nhận bổ sung cân đối từ NSTW, đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh còn lại nhận bổ sung cân đối từ NSTW từ 60% trở lên. Đối với các địa phương có điều tiết về NSTW, chỉ hỗ trợ vốn từ NSTW cho một số nhiệm vụ cụ thể theo nguyên tắc, tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Thời gian thực hiện Chương trình dự kiến trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035. Trong đó, năm 2025 sẽ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Giai đoạn 2026 - 2030 tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030. Giai đoạn 2031-2035 tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

Phấn đấu công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP cả nước

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, chương trình dự kiến đến năm 2030 đạt một số mục tiêu cụ thể.

Đó là, hoàn thành 100% việc xây dựng và ban hành các bộ quy tắc ứng xử, phù hợp với đặc điểm địa phương và nguyên tắc bình đẳng giới về môi trường văn hóa; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn.

100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa; ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp

Hàng năm có từ 10 - 15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố. Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước. Phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa.

80% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sỹ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn. Hàng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Đến năm 2035, các mục tiêu cụ thể là phấn đấu 90% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã.

100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện. Hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế. 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Nghệ thuật.

Đồng thời, 100% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Có ít nhất 10 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN.

Chương trình cũng đặt mục tiêu phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%. Hàng năm, có ít nhất 4 - 6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Đề xuất xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài

Theo chương trình, Chính phủ đề xuất việc đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Tuy nhiên, khoản 9, điều 4 Luật Đầu tư công quy định chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô, phạm vi ở trong nước. Do đó, tại tờ trình Chính phủ đề xuất xin ý kiến Quốc hội do nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định tại khoản 9 Điều 4 của Luật Đầu tư công.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phat-trien-van-hoa-thanh-suc-manh-noi-sinh-cua-kinh-te-viet-nam-150732.html