Phát triển thuốc điều trị u ác tính màng bồ đào
Nhờ bước đột phá của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, thuốc điều trị hiệu quả đối với u ác tính màng bồ đào có thể sớm xuất hiện...
U ác tính màng bồ đào hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong
Được dẫn dắt bởi các chuyên gia từ Đại học Dublin (UCD), nghiên cứu đột phá đã chỉ ra rằng loại thuốc ACY-1215, hiện cũng đang được thử nghiệm để điều trị các bệnh ung thư và khối u khác, có khả năng là một lựa chọn điều trị hiệu quả để chống lại khối u ác tính màng bồ đào.
U ác tính hay u hắc tố màng bồ đào là 1 dạng ung thư mắt hiếm gặp có thể gây tử vong này hiện có rất ít lựa chọn điều trị và thường bị hạn chế. Trong một nỗ lực để khắc phục những hạn chế này, nhóm nghiên cứu, bao gồm các nhà khoa học từ Tây Ban Nha và Thụy Điển, đã phân tích một ứng viên dược phẩm, là ACY-1215.
Tiến sĩ Husvinee Sundaramurthi, Trường Khoa học Y sinh & Phân tử UCD, cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào loại thuốc ACY-1215, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng đối với các khối u rắn khác và ung thư máu. Chúng tôi muốn hiểu cách ACY-1215 hoạt động để ngăn chặn sự phát triển và lây lan của tế bào khối u trong bối cảnh ung thư màng bồ đào".
Hạn chế trong điều trị u ác tính màng bồ đào
U hắc tố màng bồ đào là dạng ung thư mắt thường gặp ở người trưởng thành. Nguyên nhân của tình trạng này là không rõ, mặc dù không liên quan đến việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng những người da trắng với đôi mắt xanh dương hoặc xanh lá cây có nhiều khả năng mắc loại ung thư này hơn, với độ tuổi trung bình mắc bệnh là từ 55 đến 60 tuổi.
Bệnh bắt đầu phát triển ở mống mắt, thể mi hay màng mạch, được gọi chung là màng bồ đào và nằm ở lớp giữa của mắt. Hiện việc điều trị được tiến hành bằng cách nhắm mục tiêu các tế bào ung thư bằng cấy ghép bức xạ mắt hoặc thông qua phẫu thuật cắt bỏ mắt, có nghĩa là một lựa chọn thuốc không xâm lấn có thể là cuộc cách mạng hóa trong điều trị.
ACY-1215 và bước đột phá trong điều trị
ACY-1215 là một phần của một loại thuốc chống ung thư tương đối mới được gọi là chất ức chế histone deacetylase (HDACi), hoạt động bằng cách tác động lên các protein được gọi là histone, mặc dù cơ chế mà thuốc đạt được điều này vẫn chưa hoàn toàn được hiểu rõ.
Các nhà khoa học đã sử dụng ACY-1215 để can thiệp vào các quá trình liên quan đến sự tồn tại của tế bào ung thư, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Breandan Kennedy, Giáo sư Dược học tại Trường Khoa học Y sinh & Phân tử UCD, cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện ra các phân tử cụ thể có thể liên quan đến tác dụng chống ung thư mà thuốc ACY-1215 có. Nghiên cứu này sẽ mở đường để xem xét kỹ hơn những lợi ích của việc sử dụng ACY-1215, như một lựa chọn điều trị phù hợp với u ác tính màng bồ đào. Bằng cách hiểu được tiềm năng điều trị đầy đủ của các phân tử này, chúng tôi hy vọng sẽ định hình các chiến lược chăm sóc tiên tiến cho bệnh nhân và các chiến lược điều trị được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân".
Lê Anh Thư