Phát triển ngôn ngữ, chữ viết, cơ sở quan trọng bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số

Ngôn ngữ, chữ viết là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất, là công cụ của tư duy nên không chỉ là yếu tố cấu thành văn hóa, mà còn là phương tiện để phát triển đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách dân tộc 'bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển', Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền bình đẳng và tự do phát triển ngôn ngữ, chữ viết của mỗi dân tộc.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ, chữ viết. Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng sinh sống ở nước ta được chia theo 8 nhóm ngôn ngữ gồm: Việt - Mường, Môn - Khmer, Mông - Dao, Nam Đảo, Hán - Hoa, Tạng - Miến và nhóm Kadai. Ngôn ngữ, chữ viết là một trong những đặc trưng văn hóa vô cùng quan trọng của mỗi dân tộc; là một trong ba tiêu chí quan trọng xác định thành phần dân tộc. Đến nay, trong số 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam, có 31 dân tộc có ngôn ngữ, chữ viết, gồm các dân tộc: Thái, Mường, Tày, Nùng, Hoa, Mông, Lào, Lự, Dao, Sán Chay, Ngái, Sán Dìu, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Chăm, Khmer, Hrê, Cơ Ho, Ra Glai, M’nông, Xtiêng, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Gié-Triêng, Tà Ôi, Mạ, Co, Chơ Ro, Chu Ru. Các dân tộc còn lại chưa có chữ viết gồm 22 dân tộc sau: Thổ, Khơ Mú, Giáy, Hà Nhì, La Chí, Xinh Mun, Kháng, La Hủ, La Ha, Phù Lá, Pà Thẻn, Chứt, Mảng, Cống, Lô Lô, Si La, Pu Péo, Cờ Lao, Bố Y, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu.

Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng quyền bình đẳng và tự do phát triển ngôn ngữ, chữ viết của mỗi dân tộc, ngay từ văn kiện đầu tiên của Đảng tại Đại hội lần thứ nhất (3/1935) đã khẳng định: “Các dân tộc được dùng tiếng mẹ đẻ của mình trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hóa”. Quan điểm trên được xuyên suốt qua các thời kỳ cách mạng, được tiếp tục khẳng định qua các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề học và dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đã nêu: “Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc. Đi đôi với việc sử dụng tiếng nói, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình”.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, tại Điều 5 đã quy định: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”1.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục năm 2009, tại Điều 7 (khoản 2), đã khẳng định: “Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định của Chính phủ”2.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 38/CT-TT ngày 9/11/2004 “Về việc đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc miền núi” nêu rõ: “Yêu cầu của công tác quản lý và phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức công tác ở các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số phải biết tiếng dân tộc để giao tiếp và sử dụng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, xã, công chức nhà nước, sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội công tác ở các vùng dân tộc, miền núi. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và yêu cầu bắt buộc”.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và Trung tâm giáo dục thường xuyên, ghi rõ: “Người dân tộc thiểu số có nguyện vọng, nhu cầu học tiếng dân tộc thiểu số. Bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số được dạy và học trong nhà trường phải là bộ chữ cổ truyền được cộng đồng sử dụng, được cơ quan chuyên môn xác định hoặc bộ chữ đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn. Chương trình và sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số được biên soạn và thẩm định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số đạt trình độ chuẩn đào tạo của cấp học tương ứng, được đào tạo dạy tiếng dân tộc thiểu số tại các trường cao đẳng, đại học sư phạm, khoa sư phạm. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”3.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/8/2010 và sau đó, ngày 3/11/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, hướng dẫn thực hiện quy định tại các Điều 3, 4, 5, 6, 7, 8 và Điều 9 của Nghị định số 82/2010 việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và Trung tâm giáo dục thường xuyên.

Tiếp đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 36/2012/TT-BGDĐT, Quy định về tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số và Thông tư số 37/2014/TT-BGDĐT, ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và Trung tâm giáo dục thường xuyên. Cùng với Nghị định 82/2010-CP, ngày 14/1/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc là: “Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc”.

Nghị định 05/2011/NĐ-CP, đề cập đến chính sách phát triển giáo dục và đào tạo đối với các dân tộc thiểu số đã khẳng định: "Tiếng nói, chữ viết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học phù hợp với địa bàn vùng dân tộc"4.

Những chủ trương, văn bản pháp luật ban hành cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong bảo tồn, phát huy việc dạy và học ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số. Hiện cả nước có 22 tỉnh có chương trình và sách giáo khoa do Bộ Giáo dục, đào tạo ban hành thực hiện dạy và học ngôn ngữ, chữ viết của 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số (gồm: Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê đê) cho học sinh trong các trường phổ thông với quy mô 715 trường, 4.812 lớp và hơn 113 nghìn học sinh5.

Dạy chữ Khmer cho học sinh dân tộc thiểu số ở thị xã Vĩnh Châu (Ảnh minh họa)

Cụ thể như tỉnh Đắk Lắk, đã thành lập Ban biên soạn chữ dân tộc (chữ Êđê, M'nông từ năm 1980) và tiến hành hợp tác cùng với Trung tâm Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục - Đào tạo), trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam... tiến hành điều tra, nghiên cứu, biên soạn thành công chương trình sách giáo khoa ngôn ngữ, chữ viết Êđê ở bậc tiểu học và đã triển khai chương trình dạy thực nghiệm tiếng Êđê cho 59 trường tiểu học và 10/14 trường phổ thông dân tộc nội trú; đồng thời mở các lớp học ngắn hạn dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Êđê cho cán bộ, công chức các ban, ngành trong tỉnh; xuất bản từ điển Tiếng Việt - Êđê và từ điển Êđê - Việt. Hội đồng nhân dân tỉnh Đắc Lắc đã ban hành Nghị quyết về dạy tiếng Êđê trong trường Tiểu học và Trung học cơ sở đưa chương trình dạy tiếng Êđê lớp 6, 7, 8 vào giảng dạy ở các trường Phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, thị xã và thành phố Buôn Ma Thuột.

Thực hiện Thông tư số 36/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tổ chức dạy học, kiểm tra, cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số theo nhu cầu thực tiễn tại địa phương, tỉnh Lâm Đồng đã chọn giảng dạy tiếng K’Ho, Mạ và Chu Ru theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo với phương án chữ viết đi kèm được tỉnh biên soạn. Do chưa có đội ngũ giáo viên giảng dạy theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đạo tạo nên tỉnh Lâm Đồng đã chọn những người trong cộng đồng am hiểu về ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình, có trình độ chuyên môn ít nhất là tốt nghiệp cao đẳng, đại học để đào tạo thành giáo viên dạy tiếng dân tộc cho cán bộ công chức. Tính trung bình từ năm 2005 đến nay, mỗi năm Lâm Đồng mở khoảng 10 lớp học, mỗi lớp từ 30 - 40 học viên tại Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng tại chức Lâm Đồng và một số lớp ở các huyện: Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đam Rông.

Thực hiện Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác tại vùng dân tộc và miền núi” đã có 18 địa phương ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức dạy và học 19 thứ tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang nhằm mục tiêu tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, quản lý dân cư, giữ gìn an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo… thu hút đông đảo cán bộ, công chức, lực lượng công an, biên phòng tham gia.

Về mặt nội dung, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số thực hiện khá toàn diện, mang lại hiệu quả bước đầu trong giao tiếp giữa cán bộ, công chức, viên chức với đồng bào dân tộc góp phần tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng dân tộc thiểu số.

Về mặt đối tượng, hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng mới bao phủ chủ yếu đến đối tượng ở các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cùng với việc dạy và học ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số, một số đài phát thanh và truyền hình từ Trung ương đến một số địa phương đã sử dụng ngôn ngữ, chữ viết của một số dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Hệ phát thanh dân tộc VoV4 của Đài Tiếng nói Việt Nam hàng ngày phát 12 chương trình tiếng dân tộc thiểu số. Đài Truyền hình Việt Nam kênh VTV5 sản xuất và phát sóng 28 tiếng dân tộc thiểu số với thời lượng 24/24h/ngày. Đài Phát thanh, truyền hình các địa phương ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc các khu vực ở miền núi phía Bắc, Trung trung bộ, Nam trung bộ, Tây Nguyên và Tây Nam bộ đều có chương trình phát thanh, truyền hình bằng nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số như chương trình phát thanh tiếng Tày, Thái, Dao, H’Mông, Jrai, Êđê, Bana, Chăm, Khmer…

Nguyện vọng dạy và học tiếng nói, chữ viết cho đồng bào các dân tộc thiểu số là nhu cầu cần thiết, nhất là đối với những người ở độ tuổi từ 30 - 50 tuổi sinh sống ở các khu dân cư, rất mong muốn bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán của dân tộc mình đang có nguy cơ “mai một”. Qua điều tra của Tổng Cục thống kê và Ủy ban Dân tộc năm 2020, tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình còn thấp chỉ chiếm khoảng 15,9%. Tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ cao nhất trong 53 dân tộc thiểu số là dân tộc Ê Đê chiếm 38,8%; tiếp đến là dân tộc Ba Na chiếm 31,7%, dân tộc Hoa chiếm 31,4%. Tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ thấp nhất là dân tộc Co, Lự chỉ chiếm 0,8%. Tỷ lệ nam giới biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình là 17,5%; nữ giới là 14,2%. Tỷ lệ biết đọc, biết viết ở khu vực thành thị là 26,2%, nông thôn là 14,4%6… đã cho thấy việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định, Chỉ thị về công tác dạy và học ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương đúng đắn nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Theo quy định: “Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiếu số đạt trình độ chuẩn đào tạo của cấp học tương ứng, được đào tạo dạy tiếng dân tộc thiểu số tại các trường cao đẳng, đại học sư phạm, khoa sư phạm”, nhưng trên thực tế ở các địa phương, số lượng giáo viên đạt trình độ chuẩn theo quy định chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện nay các trường Đại học, Cao đẳng đào tạo chuyên ngành sư phạm dạy tiếng dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được nhu cầu giáo viên chuyên ngành tiếng dân tộc cho các địa phương nên việc tiêu chuẩn hóa trình độ giáo viên là một “rào cản” để thực hiện Nghị định.

Cùng với tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên là tình trạng thiếu sách giáo khoa chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có rất ít các địa phương xây dựng được đề án hoàn chỉnh công tác biên soạn, in ấn tài liệu giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh ở các cấp học. Về điều kiện quy định “Bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số được dạy và học trong nhà trường phải là bộ chữ cổ truyền được cộng đồng sử dụng, được cơ quan chuyên môn xác định hoặc bộ chữ đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn”, nhưng trên thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa xác định được các bộ chữ cho tất cả các dân tộc có tiếng nói, chữ viết, nhất là đối với các nhóm phương ngữ khác nhau và đối với các dân tộc thiểu số có nhiều loại chữ viết khác nhau…

Ủy ban nhân dân các tỉnh khó có thể đáp ứng được nguyện vọng của các dân tộc có chữ viết để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và quyết định đưa loại chữ viết vào dạy và học có hiệu quả, phù hợp với nguyện vọng của đồng bào các dân tộc. Cụ thể ở Sơn La, tài liệu giảng dạy chữ viết của dân tộc Thái chỉ là đề tài “nghiên cứu, biên soạn chương trình, tài liệu dạy chữ, tiếng dân tộc Thái tỉnh Sơn La” do ông Hoàng Trọng Đinh làm chủ nhiệm (năm 2004) và đề tài “thiết kế phần mềm font chữ Thái trên vi tính” do thạc sĩ Lò Mai Cương chủ nhiệm (năm 2006) được Hội đồng khoa học tỉnh Sơn La nghiệm thu và được áp dụng thực tế dạy chữ, tiếng dân tộc Thái trong tỉnh. Sách giáo khoa dạy chữ Thái chưa đạt chuẩn và thiếu sách giáo khoa nên việc tổ chức dạy học tiếng nói, chữ viết dân tộc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và Trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh còn nhiều hạn chế và bất cập.

Trong khi đó, riêng người Thái ở nước ta có 4 loại chữ Thái cổ dạng Sanskrit: chữ của người Thái đen, Thái trắng ở vùng Tây Bắc; chữ của nhóm Tày Đeng (chữ Lai Thanh) của người Thái Thanh ở vùng Nghệ An, Tay Đeng ở Thanh Hóa, người Thái ở Mai Châu, Hòa Bình, nhóm Tày Tấc ở Phù Yên, Sơn La; chữ của người Tày Mường, Tày Zo (chữ Lai Pao) ở vùng Tương Dương tỉnh Nghệ An; chữ của người Thái ở vùng Quỳ Châu tỉnh Nghệ An (chữ Lai Quy Chú). Ngoài ra, chưa kể đến “chữ Thái thống nhất” (1954), “chữ Thái cải tiến” (1961), “chữ Thái La tinh” (1981)…

Tỉnh Sơn La mới thí điểm chọn trường Tiểu học Thôm Mòn, trường Tiểu học Chiềng Ly của huyện Thuận Châu; trường Tiểu học Mường Giàng, trường Tiểu học Nặm Ét của huyện Quỳnh Nhai và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mai Sơn để dạy học tiếng dân tộc Thái.

Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương có nhiều dân tộc, sinh sống xen kẽ nhau trong một đơn vị hành chính sẽ rất khó đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu của đồng bào trong việc chọn tiếng nói, chữ viết để dạy và học ngôn ngữ, chữ viết chuẩn cho từng dân tộc như: Dân tộc Mông có 2 loại chữ và đồng bào có nguyện vọng, nhu cầu học chữ Mông quốc tế, vậy cơ sở giáo dục nên dạy loại chữ nào cũng là bài toán chưa có lời giải đối với cả Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đáp ứng yêu cầu thực tế ở từng địa phương, từng cơ sở giáo dục đào tạo.

Đối với học sinh là người dân tộc thiểu số, phần lớn các em khi vào lớp một mới bắt đầu làm quen với tiếng phổ thông nên việc tiếp thu kiến thức vô cùng khó khăn, nhất là môn Tiếng Việt. Đối với các em, môn học này là một “ngoại ngữ”. Nếu dạy chữ viết tiếng dân tộc và ngoại ngữ theo chương trình bắt buộc thì chương trình học của học sinh sẽ “quá tải”, nhất là đối với những học sinh là người dân tộc thiểu số không được học chính tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, các em coi như phải học “nhiều môn ngoại ngữ khác nhau” sẽ rất khó học những kiến thức cần thiết khác so với những học sinh học chính tiếng nói, chữ viết dân tộc mình… Do vậy, các địa phương chủ yếu thực hiện theo phương châm: “dễ làm trước, khó làm sau” nên chủ yếu tập trung vào dạy học tiếng nói, chữ viết cho cán bộ, công chức trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, chất lượng, hiệu quả việc học tiếng nói, chữ viết dân tộc của đội ngũ cán bộ, công chức chưa cao; không ít nơi việc học tiếng nói, chữ viết tiếng dân tộc của cán bộ, công chức, viên chức chỉ để hợp thức hóa cho cán bộ, công chức học lấy chứng chỉ thay cho chứng chỉ ngoại ngữ.

Để thực hiện chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số hiệu quả, tránh tình trạng mai một tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (trong đó có tiếng nói, chữ viết). Đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển giáo dục dân tộc cho cán bộ và người dân, đồng thời thấy rõ mục đích của việc dạy và học tiếng, chữ viết là nâng cao dân trí, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, chứ không phải chỉ để biết; đề cao tinh thần tự giác của đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Đa dạng hóa các loại hình dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc tại từng gia đình, từng thôn bản, thông qua đội ngũ già làng, trưởng bản, thày mo, thày cúng, người biết viết chữ dân tộc, tránh tình trạng “cứng nhắc, hành chính hóa” trong tuyển dụng đội ngũ giáo viên phải được đào tạo theo chuẩn hóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Nghị định 82/CP. Đối với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể các cấp cần vận động các tầng lớp nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ ích lợi và tầm quan trọng của chủ trương dạy chữ dân tộc trong trường phổ thông để từ đó vận động học sinh tích cực tham gia học chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình.

Thứ hai, Chính phủ cần tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá một cách khách quan, chính xác những kết quả đã đạt được, những bất cập, khó khăn, vướng mắc việc thực hiện Nghị định trong thời gian qua để điều chỉnh Nghị định cho phù hợp với thực tế ở từng dân tộc, ở mỗi địa phương, mỗi nhóm dân tộc, nhất là 5 điều kiện quy định bắt buộc tại Điều 3 của Nghị định.

Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu giúp Chính phủ mở các khoa văn hóa và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học sư phạm ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng, chữ dân tộc thiểu số bổ sung cho các cơ sở đào tạo và các trung tâm giáo dục thường xuyên; tổ chức đào tạo và bồi dưỡng hè hàng năm cho giáo viên dạy tiếng, chữ dân tộc thiểu số.

Có chính sách ưu tiên bồi dưỡng nâng cao và chuyên sâu đối với giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở có bằng Cao đẳng Sư phạm trở lên là người dân tộc thiểu số, có kiến thức nhất định, hiểu biết về chữ viết của dân tộc mình. Sau khi đào tạo nâng cao và chuyên sâu, những giáo viên này được bố trí giảng dạy môn tiếng dân tộc phù hợp tại các trường sẽ tạo được đội ngũ giáo viên đáp ứng được nhu cầu của đồng bào các dân tộc. Đồng thời nghiên cứu, cải tiến các bộ chữ phù hợp với từng dân tộc và xuất bản sách đảm bảo nhu cầu học tiếng nói, chữ viết cho từng dân tộc ở các địa phương vùng dân tộc.

Chú thích:

1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2013.

2. Luật Giáo dục, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2009.

3. Nghị định 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và Trung tâm giáo dục thường xuyên.

4. Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc.

5. Báo cáo số 270-BC/BGDĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 24.

6. Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc, 2020.

Hà Thị Khiết - Phó Chủ tịch không chuyên trách

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

nguyên Bí thư Trung ương Đảng

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/phat-trien-ngon-ngu-chu-viet-co-so-quan-trong-bao-ton-ban-sac-van-hoa-cua-cac-dan-toc-thieu-so-55835.html