Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường
Chính phủ Đức vừa đạt thỏa thuận với các hiệp hội ngành công nghiệp nước này về một kế hoạch nhằm cải thiện hệ thống dịch vụ sao cho trong tương lai đường sắt có thể trở thành phương thức vận tải quan trọng nhất ở Đức.
Các số liệu mới nhất do Công ty Đường sắt quốc gia Đức Deutsche Bahn (DB) cho biết, trong năm 2019, công ty thuộc sở hữu nhà nước này đã chuyên chở hơn 150 triệu hành khách. Bộ trưởng Giao thông và Cơ sở hạ tầng Kỹ thuật số Liên bang Đức cho biết, mục tiêu của kế hoạch này là tăng gấp đôi số lượng khách du lịch sử dụng dịch vụ đường sắt làm phương tiện đi lại ở Đức vào năm 2030. Bộ trưởng Andreas Scheuer cũng cho biết trong thời gian tới, các tuyến đường sắt dài quan trọng sẽ được tăng cường cứ 30 phút lại có một chuyến thay vì mỗi giờ một chuyến như trước đây. Dự kiến, tuyến đường sắt đầu tiên được đưa vào khai thác sẽ là tuyến Hamburg - Berlin trong tháng 12-2020.
Chính phủ Đức và Ban lãnh đạo DB đã nhất trí về chương trình hiện đại hóa trị giá 86 tỷ EUR (khoảng 96,6 tỷ USD) nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng đường sắt ở Đức trong 10 năm tới sao cho các chuyến tàu sẽ đúng giờ, cạnh tranh và thân thiện với môi trường hơn. Với tầm nhìn chiến lược cùng nền khoa học - kỹ thuật hiện đại, Đức đang hướng tới việc trở thành quốc gia số 1 thế giới về phát triển năng lượng hydro nhằm thúc đẩy nền kinh tế quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Theo tờ DW, Chính phủ Đức, hồi giữa tháng 6, đã thông qua kế hoạch mang tên “Chiến lược hydro quốc gia” với tham vọng sẽ trở thành nhà cung cấp năng lượng hydro số 1 thế giới. Kinh phí dành cho kế hoạch là một phần trong gói kích cầu kinh tế trị giá 130 tỷ EUR (147 tỷ USD) được Berlin công bố hồi đầu tháng 6 này nhằm vực dậy nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Việc Đức công bố “Chiến lược hydro quốc gia” cho thấy, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã xác định phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Chuyên gia về năng lượng Claudia Kemfert thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) đánh giá, các khoản đầu tư dài hạn cho việc phát triển năng lượng sạch là một phần tất yếu để mang lại lợi ích về kinh tế cũng như đối phó với biến đổi khí hậu. Theo Chương trình Hành động khí hậu 2030, Đức đặt mục tiêu vào năm 2030 sẽ giảm 55% lượng khí thải nhà kính so với mức khí thải năm 1990.
Ngăn ngừa đại dịch Covid-19 là điều chắc chắn phải làm để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế trước mắt. Tuy nhiên, về lâu dài, không thể quên đi xu thế biến đổi khí hậu, vẫn là mối đe dọa lâu dài, nguy hiểm hơn. Chưa kể việc theo các báo cáo gần đây, biến đổi khí hậu có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện nhiều đại dịch hơn. Vấn đề chủ yếu mà lớp người đi trước có thể làm cho các thế hệ trẻ, là xây dựng một hệ thống kinh tế coi việc bảo vệ tối đa môi trường là mục tiêu, như trong Thông điệp năm mới 2020, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẩn thiết kêu gọi cứu Trái đất và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nhằm mang lại hòa bình, thịnh vượng cho thế hệ tương lai.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phat-trien-kinh-te-di-doi-voi-bao-ve-moi-truong-670555.html