Phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 36 ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến nay tình hình KT-XH của Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển kinh tế biển bền vững, đặc biệt là vùng ven biển và các ngành kinh tế biển, kinh tế gắn liền với biển.

Các chuyên gia thủy sản Australia tham quan mô hình nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Ảnh: ANH NGỌC

Các chuyên gia thủy sản Australia tham quan mô hình nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Ảnh: ANH NGỌC

Nhiều nguồn lực phát triển

Phú Yên có đường bờ biển khoảng 189km, trải dài qua 4 huyện, thị xã, thành phố (TX Sông Cầu, huyện Tuy An, TP Tuy Hòa và TX Đông Hòa) với nhiều đầm phá, vũng vịnh, bãi biển mang vẻ hoang sơ, cảnh quan sinh thái phong phú, đa dạng. Đến nay, ở khu vực ven biển Phú Yên, hệ thống giao thông đã thông suốt, kết nối đầy đủ cả đường bộ, đường không, đường sắt và đường thủy.

Trong đó, mạng lưới giao thông đường bộ được trải đều khắp các địa bàn với 2 trục chính là quốc lộ 1 chạy theo trục bắc nam, gắn kết Phú Yên với trục phát triển kinh tế Nam Trung Bộ qua Bình Định, Khánh Hòa. Việc thông hầm đường bộ Đèo Cả và hầm Cù Mông đã khắc phục hạn chế về sự giao thương của tỉnh đối với trục kinh tế này trong thời gian qua.

Ngoài ra, các tuyến quốc lộ 25, 29 và 19C đã mở ra hành lang kinh tế đông tây, gắn kết Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, kết hợp với sự phát triển của các cảng biển, như cảng Vũng Rô và cảng nước sâu Bãi Gốc đang kêu gọi đầu tư sẽ mở ra cơ hội để Phú Yên trở thành cửa ngõ phía Đông ra thế giới.

Ngư dân TX Sông Cầu nuôi tôm hùm tại vịnh Xuân Đài. Ảnh: PV

Ngư dân TX Sông Cầu nuôi tôm hùm tại vịnh Xuân Đài. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng ban Quản lý KKT Phú Yên cho biết: KKT Nam Phú Yên có tổng diện tích khoảng 20.980ha, là một trong tám KKT ven biển trọng điểm của cả nước vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. KKT này có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, kết hợp với KKT Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) tạo thành vùng kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa với quy mô lớn.

Phú Yên có hơn 21.000ha mặt nước đầm, vịnh, bãi triều, cửa sông… thuận lợi cho phát triển nuôi biển. Đặc biệt, vùng biển hở gần bờ và xa bờ ở Phú Yên có diện tích khoảng 34.000km2, rất thuận lợi để phát triển nuôi biển công nghiệp. Nghề nuôi biển ở Phú Yên đã phát triển hơn 30 năm nay, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 100.000 lồng nuôi thủy sản, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 6.000 lao động.

Ngoài những kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều thế hệ, ngư dân Phú Yên đang tập trung ứng dụng những công nghệ nuôi tiên tiến và đầu tư lồng bè nuôi theo hướng nuôi công nghiệp với mục đích mang lại hiệu quả cao nhất…

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trong cơ cấu kinh tế thủy sản của tỉnh, nuôi trồng chiếm khoảng 56% về giá trị sản xuất; các đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng, tôm hùm và cá biển. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 100.000 lồng nuôi thủy sản, trong đó tôm hùm khoảng 87.500 lồng. Năm 2023, sản lượng thủy sản nuôi khoảng 17.500 tấn, trong đó tôm hùm hơn 2.000 tấn. Những năm qua, ngành Thủy sản Phú Yên không ngừng phát triển, có những đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH và tạo sinh kế ổn định cho ngư dân ven biển.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Phú Yên có tiềm năng nuôi biển rất lớn, tỉnh phải nhanh chóng chuyển hướng sang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững. Phát triển nuôi biển ở Phú Yên cần gắn với chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng phát triển thủy sản.

Cảng biển Vũng Rô (TX Đông Hòa) là cảng biển chuyên dụng, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 3.000 DWT. Ảnh: NHƯ THANH

Cảng biển Vũng Rô (TX Đông Hòa) là cảng biển chuyên dụng, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 3.000 DWT. Ảnh: NHƯ THANH

Hướng đến tăng trưởng xanh

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, đến nay tình hình KT-XH của Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là vùng ven biển và các ngành kinh tế biển, kinh tế gắn liền với biển. Kinh tế biển luôn được tỉnh quan tâm, chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng ngành dịch vụ, du lịch biển trên cơ sở bảo tồn, phát huy tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên gắn với đảm bảo QP-AN.

Tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025 thực hiện 41 đề án, dự án, nhiệm vụ thuộc 6 lĩnh vực trọng tâm, cấp bách về phát triển kinh tế biển. Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển vùng ven biển, góp phần phát triển KT-XH chung của toàn tỉnh.

Đặc biệt, ngày 18/8/2021, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 10 về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là KKT Nam Phú Yên. Với mục tiêu phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, tỉnh tiếp tục xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực, để đến năm 2030 Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ…

Theo đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, để phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh tập trung công tác quy hoạch xây dựng vùng biển và ven biển. Phú Yên đã thực hiện được một số khâu đột phá, đó là hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển bền vững kinh tế biển. Phú Yên đang hướng đến phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh các ngành kinh tế biển, vùng ven biển của tỉnh trên tiềm năng, lợi thế.

Đồng thời, tỉnh cũng tập trung phát triển KH-CN và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ mạng lưới giao thông, kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Hằng năm, Phú Yên ưu tiên bố trí hàng nghìn tỉ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng, nổi bật là hạ tầng giao thông kết nối các vùng được hoàn thiện và có sự phát triển khá đồng bộ.

Tại kỳ họp mới đây của Ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển là đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển mạnh về biển. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trung ương và địa phương ven biển đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững kinh tế biển; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, phát triển bền vững kinh tế biển.

UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp, các đề án, dự án, nhiệm vụ… mà Trung ương Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo. Các địa phương chủ động bố trí, huy động mọi nguồn lực, tiếp tục đầu tư, kết nối phát triển kinh tế biển giữa các vùng, địa phương; chú trọng bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái biển đảo và kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải ảnh hưởng đến môi trường.

Theo Chương trình hành động số 10 của Tỉnh ủy, Phú Yên đang tập trung xây dựng và phát triển KKT Nam Phú Yên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, kết hợp với KKT Vân Phong tạo thành vùng kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa với quy mô lớn, là động lực thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian đến.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/367/316224/phat-trien-kinh-te-bien-tren-nen-tang-tang-truong-xanh.html