Phát triển du lịch cộng đồng góp phần xóa đói, giảm nghèo
Với 130 điểm di sản độc đáo, trong đó, có nhiều di sản địa chất mang tầm cỡ quốc tế và sự đa dạng về di sản văn hóa, lịch sử, lễ hội, làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Cao Bằng đang tích cực triển khai các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản làm 'đòn bẩy' để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Đặc biệt là xây dựng và phát triển ngành công nghiệp không khói trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phát huy lợi thế
Cao Bằng là một tỉnh biên giới phía Đông Bắc của nước ta, giáp với nước bạn Trung Quốc. Thiên nhiên đã ưu ái, ban tặng cho Cao Bằng nhiều thắng cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ, nổi tiếng được ví như “xứ sở thần tiên” như: Cúc đá tay cuộn Kéo Yên (Hà Quảng), thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, núi Mắt Thần, cảnh quan Phong Nặm - Ngọc Côn, sông Quây Sơn (Trùng Khánh), quần thể hồ Thang Hen (Quảng Hòa), cảnh quan núi đá karst hùng vĩ Lục Khu (Hà Quảng)...
Cùng với cảnh đẹp, non nước Cao Bằng còn sở hữu nhiều giá trị về bề dày văn hóa, lịch sử, với nhiều di chỉ hậu kỳ đá cũ, thời đại kim khí đồ đồng, đồ gốm sứ của nền văn hóa Đông Sơn. Đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Kinh... đã quần cư sinh sống lâu đời hình thành văn hóa đa dân tộc, phong phú, đặc sắc. Hiện nay, Cao Bằng còn lưu giữ trên 2.000 di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội đặc sắc, 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đặc biệt, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam”, trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bên cạnh đó, Cao Bằng còn nổi tiếng về thiên đường ẩm thực đặc sắc, có nhiều sản vật lọt vào top những món ăn đặc sản, sản phẩm nổi tiếng nhất Việt Nam như: Lê, hạt dẻ, xôi trám, bánh coóng phù, bánh cuốn, bánh áp chao, miến dong Phja Đén, lạp sườn lợn đen, thịt bò khô, bánh chưng đen... Ngoài ra, hiện, Cao Bằng còn có 271 di tích, với 102 di tích được xếp hạng, gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích cấp quốc gia, 72 di tích cấp tỉnh, 2 bảo vật quốc gia. Riêng trong phạm vi Công viên địa chất toàn cầu toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng thì đã có 67 di tích; trong đó, có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 19 di tích quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh. Các di tích liên quan đến địa chất có cả 3 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 21 di tích cấp tỉnh.
Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số
Với việc sở hữu nhiều giá trị về điều kiện tự nhiên và bề dày văn hóa, lịch sử, năm 2018, UNESCO, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO đã công nhận Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đạt danh hiệu công viên địa chất toàn cầu. Đây là một lợi thế để Cao Bằng xây dựng, khai thác những sản phẩm du lịch mới đặc trưng riêng có theo hướng bền vững, thúc đẩy giải quyết vấn đề toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn.
Nhằm phát huy những giá trị của danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng mang lại, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã quan tâm chỉ đạo cho các cấp, các ngành và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng 4 tuyến trải nghiệm CVĐC mang những nét đặc sắc riêng có để thu hút khách du lịch đến Cao Bằng gồm: Tuyến 1 hướng phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” huyện Hòa An - Hà Quảng; tuyến 2 hướng phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay” huyện Nguyên Bình; tuyến 3 hướng phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang; tuyến 4 hướng phía Nam “Một thời hoa lửa” từ thành phố Cao Bằng, Quảng Hòa - Thạch An.
Bên cạnh đó, khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ người dân vừa khai thác di sản văn hóa bản địa làm mới sản phẩm du lịch, tạo sinh kế mới gắn với nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ các di sản địa chất và văn hóa truyền thống. Đồng thời, hướng dẫn, tập huấn cho người dân vùng di sản Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng làm du lịch cộng đồng homestay gắn với làng nghề truyền thống, sản xuất cây trồng, vật nuôi đặc hữu với các sản phẩm OCOP. Các huyện quan tâm phục dựng nhiều lễ hội văn hóa các DTTS, động viên nghệ nhân sưu tầm dân ca dân vũ cổ, xây dựng đội văn nghệ xóm, bản phục vụ phát triển du lịch... Từ đó có thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn, tạo sinh kế mới cho bà con DTTS giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Hiện nay, để khai thác tối đa sức hấp dẫn của 112 nghề thủ công truyền thống, có 21 làng (xóm) với 10 nghề truyền thống của đồng bào DTTS đang hoạt động trong tỉnh, các địa phương tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ phát triển và xây dựng thương hiệu một số sản phẩm Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng như: ngói máng, hương thắp, thạch đen, chanh dây, lê Nguyên Bình, rượu mía, sổ lưu niệm bằng giấy bản... sẽ tiếp tục mở ra nhiều sản phẩm làng nghề gắn với phát triển du lịch, tạo sinh kế mới cho người dân trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, sản phẩm OCOP, văn hóa bản địa và bảo vệ các giá trị di sản Công viên địa chất là hướng đi mà Cao Bằng triển khai hiệu quả đã cải thiện sinh kế cho đồng bào các DTTS và thu hút người dân bảo tồn di sản, văn hóa, đa dạng sinh học, môi trường..., đưa du lịch Cao Bằng phát triển theo hướng bền vững. Đánh giá về những hiệu quả mang lại từ việc tham gia phát triển du lịch cộng đồng, ông Lương Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Sen cho biết: “Nghề rèn thủ công truyền thống của người Nùng An ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng đã có tuổi đời trên 300 năm.
Ngoài nghề rèn nông cụ, bà con dân tộc Nùng An trong làng còn làm hương thơm và giấy dó. Trước đây, đời sống tương đối bấp bênh, nhưng kể từ khi tham gia làm “đối tác” cho Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nên bà con vừa có cơ hội được tập huấn, nâng cao chất lượng sản phầm làng nghề và giới thiệu sản phẩm đến với bạn bè trong nước và quốc tế, vừa nâng cao ý thức bảo vệ các giá trị di sản công viên địa chất, môi trường sinh thái. Bà con mạnh dạn đầu tư du lịch cộng đồng, homestay đón khách nước ngoài, doanh thu từ bán sản phẩm nghề truyền thống đạt trên 10 tỷ đồng/năm, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên hộ khá”.