Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển
Tối 11/6, tại quảng trường Tháp Nghinh Phong, TP Tuy Hòa (Phú Yên), Bộ TN-MT phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ mít tinh Kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cũng cho biết, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và sớm đề ra nhiều chủ trương lớn, chính sách quan trọng về phát triển bền vững biển, đảo cũng như bảo vệ màu xanh của biển.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay với chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển” do Bộ TN-MT, Ban Kinh tế Trung ương, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức phát động thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của Việt Nam trong nỗ lực chung toàn cầu về bảo vệ, phục hồi đại dương.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia biển, có lịch sử, truyền thống, văn hóa và quá trình dựng nước, giữ nước gắn liền với biển. Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hằng năm là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển; thể hiện ý chí quyết tâm phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng biển, đảo bền vững; đẩy mạnh chương trình hành động cụ thể để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển.
Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển, chủ quyền biển và hải đảo, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và kêu gọi các tổ chức, mỗi cá nhân thực hiện 7 nhiệm vụ sau:
Cần đánh giá tổng quan, nhận diện cụ thể những thách thức chính về công tác bảo vệ chủ quyền, khai thác bền vững tài nguyên biển, hải đảo, tình hình ô nhiễm môi trường biển, hải đảo của mỗi địa phương.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện các nội dung, tăng cường triển khai đồng bộ các khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển được nêu tại Nghị quyết 36 của BCH Trung ương Đảng.
Phải lấy kinh tế biển là động lực để phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, kinh tế địa phương sau đại dịch.
Phải xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển vững mạnh, chủ động bảo vệ chủ quyền biển, đảo từ sớm, từ xa.
Tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các nước bạn bè truyền thống, các nước có tiềm lực về biển.
Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển.
Phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, trọng tâm là tuyến đường bộ ven biển Việt Nam theo quy hoạch.