Phát triển bền vững các lĩnh vực trọng yếu và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân
Trong những năm qua, Hà Nội đã có những bước tiến trong việc phát triển các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa và thể thao. Qua đó phản ánh sự cam kết của Hà Nội trong việc phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân qua các lĩnh vực trọng yếu.
Thiếu quỹ đất cho giáo dục, đào tạo
Thông tin tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội của Thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết: Đến tháng 7/2024, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố đạt 79,6% (1.789/2.251 trường). Mỗi xã, phường, thị trấn có trường công lập theo tiêu chí: 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS, đảm bảo 3 - 5 vạn dân có 1 trường THPT, đáp ứng chỉ tiêu tối thiểu tại Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 05/4/2012 của HĐND thành phố và Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội tại Quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND Thành phố.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý và đầu tư xây dựng trường học cho UBND cấp huyện nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải quyết các dự án. Trên địa bàn Thành phố có 151 dự án đầu tư xây dựng trường học nguồn vốn ngoài ngân sách (vốn đầu tư trong nước) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Chấp thuận chủ trương đầu tư/Cho phép thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án với Tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng. Trong đó, 62 dự án đã hoàn thành xây dựng công trình, đưa vào khai thác sử dụng; 89 dự án đang triển khai.
Công tác xã hội hóa giáo dục đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, số trường tư thục tăng cả về số lượng và chất lượng, số trường tư thục chiếm 20,5% (591/2.874 trường), số học sinh 14,8%, với 24.148 giáo viên, 8.000 nhân viên đã tạo việc làm cho lực lượng lao động với mức thu nhập và các chế độ, chính sách ưu đãi tương đương hoặc hơn mức thu nhập tại các trường công lập, mỗi năm thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách khoảng gần 2.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động.
Năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tuyển sinh, đào tạo cho 246.100 lượt người. Trong 7 tháng năm 2024, các đơn vị đã tuyển sinh, đào tạo 132.900 người (đạt 56,6% kế hoạch đề ra), trong đó: 17.700 người trình độ cao đẳng, 15.530 người trình độ trung cấp; 99.580 người trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng).
Tỷ lệ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tốt nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ từ 70 - 80%. Một số ngành nghề học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 100%.
Trên địa bàn Thành phố có khoảng 67 dự án đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (vốn đầu tư trong nước) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Chấp thuận chủ trương đầu tư/Cho phép thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 10.684 tỷ đồng. Trong đó, 8 dự án đã hoàn thành xây dựng công trình, đưa vào khai thác sử dụng; 50 dự án đang triển khai; 5 dự án mới có chủ trương đầu tư; 4 dự án chấm dứt hoạt động.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Trung Hiếu, đến nay các trường học công lập trên địa bàn thành phố còn thiếu; các quỹ đất mới, đất trống để bổ sung trên địa bàn không còn. Một số xã, phường nằm trong khu vực hành lang thoát lũ, việc xây mới, sửa chữa, cải tạo trường học gặp rất nhiều khó khăn do vướng Luật Đê điều.
Đối với trường học ngoài công lập, việc tiếp cận quỹ đất sạch để xây dựng trường học tư thục đối với các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực giáo dục còn gặp nhiều khó khăn.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, thực tế tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại, đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề. Trong khi đó, các trường đại học tại Thủ đô có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học.
Sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa bền vững; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp chỉ được sử dụng, tuyển dụng lao động phải qua đào tạo nghề nghiệp ở tất cả các lĩnh vực lao động. Trong khi thực tế có nhiều doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông và tự đào tạo kỹ năng cụ thể theo yêu cầu vị trí công việc, bởi vậy việc tháo gỡ công tác tuyển sinh đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất khó khăn, nhất là trình độ trung cấp, cao đẳng.
Hà Nội, với vai trò là Thủ đô của Việt Nam, đang định hướng và phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa và thể thao. Nhằm nâng cao vị thế và tăng hiệu quả kinh tế của hoạt động văn hóa, xã hội trên địa bàn Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã có những định hướng thu hút đầu tư của Thành phố thông qua việc ban hành các chương trình, nghị quyết. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình triển khai các dự án của mình.Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà.
Việc giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực y tế phức tạp
Về lĩnh vực y tế, tính đến 20/5, toàn Thành phố có 488/579 (84,28%) xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 09/3/2023 của Bộ Y tế.
Trong năm 2023, Sở Y tế Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho 483 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập thuộc các doanh nghiệp sau đăng ký thành lập gồm 227 cơ sở kinh doanh dược, 256 phòng khám trực thuộc công ty. Các doanh nghiệp sau đăng ký thành lập được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Tổng quan các dự án xã hội hóa bệnh viện có sử dụng đất đang triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội: Qua rà soát, trên địa bàn thành phố có 1 dự án hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 và 16 dự án xã hội hóa bệnh viện có sử dụng đất đang triển khai (các dự án này đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và văn bản pháp lý tương đương) với tổng vốn đầu tư được phê duyệt là 16.744 tỷ đồng; Quy mô giường bệnh 5.352 giường bệnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, với lĩnh vực y tế, hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn về mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa. Nhiều doanh nghiệp còn hiểu chưa đầy đủ dẫn đến vô tình vi phạm. Thực tế, các thủ tục hành chính nhằm triển khai dự án tương đối phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau (đầu tư, xây dựng, y tế, lao động, tài chính, ...); việc giải quyết các thủ tục này đôi khi chưa rõ ràng để nhà đầu tư tuân thủ, thực hiện.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng lĩnh vực
Nhằm nâng cao vị thế và tăng hiệu quả kinh tế của hoạt động văn hóa, xã hội, thu hút đầu tư trên địa bàn Thành phố, Thành ủy Hà Nội đã ban hành các chương trình, nghị quyết gồm: Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 28/6/2024, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở ngành, UBND các quận, huyện triển khai thi hành Luật Thủ đô để Luật sớm đi vào cuộc sống là cơ hội thúc đẩy lĩnh vực văn hóa - xã hội Thủ đô với các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô; áp dụng phương thức đối tác công tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, Thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng lĩnh vực. Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, Thành phố đã phê duyệt toàn bộ 68/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (cấp 1): Tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đô thị trung tâm đạt 99,8%. Thành phố rà soát tình hình thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị và tiến độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trong khu đô thị (bao gồm trường học) theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 05/5/2023.
Đối với lĩnh vực y tế, Thành phố phát triển, mở rộng mạng lưới các bệnh viện tư nhân trên địa bàn cả về số lượng bệnh viện và số giường bệnh với khoảng 4000-6000 giường bệnh.
Cùng với đó, Thành phố ưu tiên phát triển bệnh viện tư nhân và các dịch vụ y tế tư nhân sử dụng công nghệ y học cao, hiệu quả khám chữa bệnh lớn; khuyến khích thành lập các bệnh viện tư nhân mới tại các khu đô thị mới, các cụm tổ hợp y tế và huyện ngoại thành; hạn chế đầu tư xây mới bệnh viện tại các quận trung tâm thành phố như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Cùng với đó, Thành phố đề xuất Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn cụ thể việc kê khai giá thuốc thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023 và Nghị định 85/2024/NĐ-CP thay cho Luật Dược có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024./.