Phát huy vai trò của báo chí cách mạng

Nhà triết học duy vật nhân văn L.Phoiơbắc cho rằng, 'bản thân báo chí cần thể hiện rõ tính tư tưởng, tức là tính cách mạng và như vậy đòi hỏi nó luôn đứng về phía nhân dân, phía tiến bộ xã hội, để đấu tranh cho chiều hướng phát triển'. Các Mác, một trong những nhà tư tưởng vĩ đại trên thế giới cũng cho rằng 'tự do báo chí là con mắt sáng suốt của nhân dân'. Như vậy, chúng ta có thể hiểu báo chí cách mạng là báo chí luôn đứng về phía tiến bộ xã hội, phía chiều hướng phát triển và bảo vệ lợi ích hợp pháp và hợp lý của đông đảo nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy những người làm báo rằng, trước khi cầm bút, cần tự trả lời các câu hỏi: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?. Cho nên chức năng, tư tưởng của báo chí cũng là chức năng đấu tranh vì sự tiến bộ của xã hội, vì nhân dân. Bản chất của báo chí là vì sự bền vững của cộng đồng; luôn khơi thức các vấn đề xã hội, đồng thời kết nối nguồn lực xã hội để tham gia giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển.

Báo chí thuyết phục công chúng xã hội bằng nghệ thuật thông tin sự kiện có thật, bằng nghệ thuật dẫn dắt, phân tích, bình luận, đánh giá các sự kiện và các vấn đề thời sự, tức là bằng sự thật đang diễn ra liên quan đến lợi ích của công chúng xã hội. Báo chí cách mạng không chỉ cần đổi mới nội dung thông tin theo hướng bám sát nhu cầu, lợi ích công chúng xã hội mà còn đáp ứng thị hiếu tiếp nhận, đổi mới hình thức và phương pháp tiếp nhận.

Báo chí cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, là phương tiện thông tin thiết yếu, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội. Truyền tải những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đến nhân dân và phản ánh nguyện vọng của nhân dân. Phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Làm tốt vai trò giám sát, phản biện, phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, dư luận quan tâm...

Bên cạnh kết quả đạt được thì tính định hướng, tính dẫn dắt của báo chí trong một số vụ việc, trường hợp cụ thể còn chậm, thiếu nhạy bén. Một số phóng viên, cộng tác viên thích đưa tin, bài giật gân, câu view; gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp, chính quyền tại địa phương; có trường hợp vi phạm luật báo chí và đạo đức nghề nghiệp...

Tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan báo chí tập trung lãnh đạo, đổi mới nội dung, xây dựng đội ngũ những người làm báo có phẩm chất chính trị, tư tưởng, bản lĩnh, năng lực chuyên môn nghiệp vụ; quán triệt, thực hiện nghiêm Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam; xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Mỗi phóng viên, biên tập viên trong các cơ quan báo chí cần chủ động trau dồi nghiệp vụ, tăng cường phân tích thông tin, phát huy vai trò báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp; không né tránh những vấn đề tiêu cực, nhưng đưa tin theo hướng xây dựng, tìm ra cách khắc phục, giải quyết theo hướng nhân văn, nhân đạo, theo quy định của pháp luật để đem lại cảm xúc, niềm tin, cái nhìn và kết quả tích cực hơn cho cộng đồng.

Tiếp tục đổi mới báo chí trong môi trường truyền thông số; bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực tiễn đổi mới, sự phát triển của đất nước; thể hiện mạnh mẽ chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí, phản ánh nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo quần chúng xã hội, tạo dựng niềm tin xã hội, thực hiện tốt “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại” như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-de-hom-nay/phat-huy-vai-tro-cua-bao-chi-cach-mang-x14Za0X4R.html