Phát huy tiềm năng di sản văn hóa

Tại TPHCM, công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa có ý nghĩa quan trọng khi thành phố đang hướng đến việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UNESCO Creative Cities Network - UCCN).

Hệ thống di sản văn hóa của Sài Gòn - TPHCM khá đa dạng và phong phú, mang dấu ấn riêng, phản ánh được quá trình khai phá, xây dựng, đấu tranh của nhiều thế hệ dân cư sinh sống. Tính đến năm 2022, TPHCM có 2 di tích khảo cổ được công nhận cấp quốc gia là Giồng Cá Vồ (huyện Cần Giờ) và Lò gốm cổ Hưng Lợi (quận 8). TPHCM còn có nhiều địa điểm lịch sử, kiến trúc, văn hóa đặc sắc, như: Thảo cầm viên; Thư viện Khoa học tổng hợp, Bảo tàng Thành phố, chùa Gò, Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm, Hội trường Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Khu căn cứ Rừng Sác, Mười Tám Thôn Vườn trầu, Bến Nhà Rồng... đã trở thành “thương hiệu du lịch”, hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Điểm rất đáng mừng là ngày càng nhiều cá nhân, đơn vị sử dụng hiệu quả di sản văn hóa trong công việc kinh doanh. Nếu như các khu du lịch sinh thái tổ chức sinh hoạt văn hóa truyền thống thu hút đông du khách, thì nhiều bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân hoặc chương trình nghệ thuật lớn đã tiên phong trưng bày, trình diễn các loại hình di sản văn hóa. Những không gian di sản văn hóa như vậy không chỉ trở thành sản phẩm văn hóa - thương mại góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, mà còn lan tỏa giá trị di sản. Việc phát huy nguồn lực di sản văn hóa còn tạo động lực kéo theo sự phát triển của kết cấu hạ tầng, dịch vụ, mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, lao động...

Di sản văn hóa còn là một nguồn lực quan trọng trong quá trình thu hút du khách nước ngoài đến thăm một vùng đất, thưởng ngoạn, nghiên cứu, trải nghiệm các di sản vật thể và phi vật thể. Nhờ đó, du khách không chỉ hiểu thêm về các giá trị truyền thống của địa phương, mà còn có niềm tin trong việc chọn vùng đất hay địa phương làm điểm đến, làm nơi đầu tư đáng tin cậy.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy có tình trạng thương mại hóa quá mức trong quá trình phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương; gia tăng chia rẽ cộng đồng, xung đột lợi ích, mâu thuẫn về quyền tiếp cận tài nguyên, trong đó có tài nguyên di sản văn hóa… cũng cần được các cơ quan quản lý quan tâm thỏa đáng. Di sản văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc càng được chăm lo bảo tồn và phát huy sẽ càng góp phần củng cố cái gốc để chúng ta hội nhập mạnh mẽ vào thế giới mà không lo bị hòa tan.

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phat-huy-tiem-nang-di-san-van-hoa-post760220.html