Phát huy giá trị di sản văn hóa biển đảo gắn với phát triển du lịch Thanh Hóa
Với lợi thế là vùng biển đẹp, nguồn hải sản dồi dào, cùng với đó, từ bao đời cư dân biển đã sáng tạo và lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống có giá trị mang đậm dấu ấn biển khơi, đã và đang mở ra triển vọng lớn để Thanh Hóa phát triển du lịch.
Trong kho tàng di sản văn hóa, bắt gặp truyền thuyết về Mai An Tiêm với quả dưa đỏ thời Hùng Vương đã bắt đảo hoang dâng cho con người sự sống. An Dương Vương trong thế cùng phải rời bỏ thành Cổ Loa cùng con gái Mỵ Nương chạy tới mảnh đất tận cùng đảo Nghi Sơn và được Thần Kim Quy rẽ sóng nước đi vào lòng đại dương sâu thẳm. Thần Độc Cước, một nửa người theo những người dân chài đánh cá ngoài khơi, một nửa ở lại đất liền cùng người dân cày cấy, gieo trồng cây trái, chống lại bọn quỷ biển. Hệ thống truyền thuyết ở miền biển tỉnh Thanh còn lưu truyền lại nhiều câu chuyện về những anh hùng văn hóa như ông Lau, ông Nưa, ông Tần, ông cõng đá, ông khổng lồ gánh đất lấn biển để mở mang đồng ruộng. Ông quảy núi, sắp đặt nên các đảo Mê, đảo Nẹ, hòn Bò, hòn Bảng, núi Linh Trường... ở vùng biển Nghi Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc. Bà Triều dạy dân dệt xăm súc cho “lưới dài, chài rộng” mỗi chuyến ra khơi “về thời cá đổ chan chan”, mọi nhà no ấm.
Ca dao làng biển là những bài ca lao động vất vả nhọc nhằn của cư dân gắn bó với môi trường biển đầy sóng gió, hiểm nguy, nhưng vẫn lạc quan bát ngát tình đời, nuôi lớn tâm hồn và khí phách của họ. Ngư dân coi biển là nguồn sống: “Biển khơi là mẹ, cánh buồm là cha” và đem lại cho họ cơm no áo ấm: “Bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm đầy cười, con cá bắc ngang”. Trước cảnh sắc biển trời của quê hương tươi đẹp, người dân làng biển xúc động và cảm tác: “Làng ta phong cảnh hữu tình/ Gió yên biển lặng có mình, có ta/ Lặng thì hôm sớm vào ra/ Con thuyền, tay lái có ta có mình”. Họ tự hào về sự tài ba, đảm đang công việc vẹn toàn của trai thanh, gái lịch đã thành mỹ tục: “Trai làng vào lộng ra khơi/ Gái làng chợ búa muôn nơi đã từng/ Trai thời ra bể, vào sông/ Gái thời chăm chỉ lo trông cửa nhà”.
Dân ca, dân vũ ở vùng biển có nhiều sắc thái, gắn với công việc chài lưới vào lộng, ra khơi. Hò là một loại hình sinh hoạt văn hóa vui tươi thể hiện niềm lạc quan yêu đời, khắc phục gian khó của những người dân biển. Hò có nhiều loại: Hò kéo thuyền, hò kéo lưới (rùng) hò vá lưới, hò ra khơi, ngoài ra còn có hò đi trẩy, đi chợ... các làn điệu hò là điệu hồn, tiếng lòng của những người dân biển luôn vang vọng, bổng trầm, lan xa trên vùng biển Đông. Dân ca làng biển được thể hiện trong hát khúc, phản ánh nghề nghiệp của cư dân nơi cuối sông đầu bể: “Ngồi buồn chặt thép uốn câu/ Đốn cần xe nhợ gọt dao mắc mồi/ Trải chiếu ra ngồi/ Bờ sông đủng đỉnh/ Là chốn thanh nhàn/ Là chốn ngao du/ Cá vược cá thu nghe mồi tìm lại/ Cá ở dưới bãi cá trắng như bông/ Anh trông xuống sông, buồn rung gió thổi/ Kẻ lặn người lội, kẻ chắn người đăng"...
Tín ngưỡng, tôn giáo chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của những người dân biển. Cùng với thờ cúng tổ tiên, ngư dân thường đi chùa và thờ Phật, tin tưởng Phật bà Quán âm phù hộ và cứu vớt họ mỗi khi gặp nạn trên biển. Các chùa thờ Phật ở ven biển có: Chùa Tiên (Nga Sơn), chùa Ngư Lộc (Hậu Lộc), chùa Khải Minh (Sầm Sơn), chùa Mậu Xương (Quảng Xương), chùa Đót Tiên (Nghi Sơn)...; trong khuôn viên của chùa, ngư dân vừa thờ Phật, vừa phối thờ Mẫu và Thần.
Tục thờ thần, vừa là nhân thần, vừa là thiên thần là tục thờ phổ biến của các làng, xã ven biển tỉnh Thanh. Các nhân thần và thiên thần vừa là thành hoàng của làng biển, có trường hợp lại là thành hoàng của cả một vùng rộng lớn chạy suốt cả một dải ven biển, tiêu biểu như: Đền thờ như thờ Mai An Tiêm (Nga Sơn) - người chinh phục đảo xa và tìm ra giống quả dưa lạ; thờ Đức Thánh Trần (Nga Thủy, Nga Sơn) đã dùng thủy quân rút vào Thanh Hóa, sau đó dốc sức đánh tan quân Nguyên xâm lược. Di tích thờ Tô Hiến Thành - vị quan chính trực, trấn giữ vùng biển thờ ở Hoằng Tiến (Hoằng Hóa), làng Núi (Sầm Sơn), Hải Thanh (Nghi Sơn). Phụng thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ lập phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn đánh tan quân Thanh, bãi miễn cho dân không phải nạp lệ yến sào... với các đền thờ ở Quảng Nham (Quảng Xương), Hải Thanh và xã đảo Nghi Sơn. Di tích thờ Độc Cước - vị thần xẻ mình làm hai với nhiều nơi thờ ở Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc và Nghi Sơn... Các vị thần linh biển là phúc thần, phù hộ, giúp đỡ cư dân chài lưới đối mặt với bão tố, sóng thần bất ngờ ập tới đe dọa mạng sống và miếng cơm, manh áo của họ.
Tục thờ Mẫu, phổ biến là thờ Mẫu Thoải. Tục thờ này có từ lâu đời gắn với tín ngưỡng thờ nước của cư dân biển. Tiếp đó mẫu Liễu Hạnh, thờ Tứ vị Thánh nương... được người dân sinh sống ở các cửa sông tiếp giáp với biển phụng thờ như các đền thờ Mẫu ở Cửa Sung (Nga Sơn), Ngư Lộc (Hậu Lộc), Quảng Tiến (Sầm Sơn), Quảng Nham (Quảng Xương), Hải Thanh (Nghi Sơn)...
Do điều kiện sống phụ thuộc vào biển để khai thác hải sản mưu sinh, ngư dân biển luôn có niềm tin vào những lực lượng của tự nhiên trợ giúp họ trong cuộc mưu sinh, chính vì vậy mà tục thờ cá ông đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của họ. Những đền thờ cá ông ở các làng biển tỉnh Thanh như Ngư Lộc, Đa Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Trường (Hoằng Hóa), phường Trung Sơn, phường Trường Sơn (Sầm Sơn), Quảng Nham (Quảng Xương), phường Hải Thanh (Nghi Sơn)... mang đậm sắc thái văn hóa biển.
Lễ hội tôn vinh và phụng thờ các vị thần biển thường diễn ra vào mùa xuân và mùa thu với nhiều nội dung và hình thức phong phú: Lễ hội Mai An Tiêm tưởng nhớ công lao người mở đất, chinh phục đảo hoang; lễ hội cầu ngư ở nhiều địa phương ven biển trong tỉnh cầu cho mưa thuận gió hòa, biển nhiều tôm cá; lễ hội tưởng nhớ Bà Triều - bà tổ nghề dệt xăm súc ở làng Triều Dương, Quảng Tiến (Sầm Sơn); lễ hội nghênh rước, tôn vinh các vị thần linh tổng Lương Niệm gắn với lệ tục thi bánh chưng, bánh dày dâng thần Độc Cước; lễ hội đền Quang Trung nhớ ơn vua Quang Trung đánh tan quân giặc; lễ hội Tứ vị Thánh nương tạ ơn các vị thần linh chở che, bảo hộ cho những con thuyền mỗi khi ra khơi vào lộng, giúp họ đánh bắt được nhiều tôm cá...
Di sản văn hóa biển xứ Thanh có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và sự cố kết cộng đồng bền chặt, luôn hướng về cội nguồn dân tộc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, tri ân công đức đối với những người đã có công bảo vệ, dựng xây đất nước, quê hương. Di sản văn hóa biển xứ Thanh trải qua thời gian đã được kết tinh thành giá trị, phản ánh tâm hồn, nghị lực và khí chất của người dân nơi đầu sóng ngọn gió, là động lực giúp cho ngư dân biển xứ Thanh vươn tới, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Để di sản văn hóa biển tỉnh Thanh trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và dịch vụ, giúp ngư dân vươn khơi bám biển làm giàu và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu giá trị của di sản văn hóa biển để mọi người dân có ý thức quý trọng, phát huy những giá trị đó của cha ông; nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và những người dân biển thấy rõ tác dụng và giá trị của di sản văn hóa biển đảo để vừa tự hào, vừa sáng tạo, vừa quảng bá những giá trị đó, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh của những người dân biển tỉnh Thanh hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ, thu hút đông đảo du khách đến với biển đảo xứ Thanh, du lịch nghỉ dưỡng và nghiên cứu văn hóa biển đảo.