Phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc
Phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' thời gian qua đã phát triển sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa.
Để phát huy tối đa hiệu quả của Phong trào trong năm 2024 và thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan rà soát cụ thể về phạm vi, mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ của các phong trào thi đua có nội dung về văn hóa đang triển khai, trên cơ sở đó khắc phục những nội dung chồng chéo với phong trào (nếu có). Đồng thời tăng cường liên kết giữa các nội dung, phong trào để nâng cao hiệu quả triển khai (như các phong trào, nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển xanh, sạch, đẹp, chống biến đổi khí hậu...). Đẩy mạnh và tập trung rà soát các cơ chế, chính sách liên quan đến việc triển khai phong trào trên tinh thần xác định rõ những khó khăn, vướng mắc và có đề xuất hướng xử lý cụ thể, nhất là liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân lực, mô hình tổ chức quản lý, hoạt động và tài chính. Phát huy vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ về chuyên môn, cơ chế, chính sách và tài chính trong điều kiện phù hợp.
Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc. Ảnh: Đình Hòa.
Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách làm, phát huy tối đa nguồn lực xã hội hóa, sự tham gia của Nhân dân; thể hiện đúng vai trò và sự tham gia, chỉ đạo thường xuyên của Ban Chỉ đạo; xác định những mô hình tốt, cách làm hay, phù hợp với từng địa bàn, vùng, miền, xuất phát từ chính đời sống hàng ngày của người dân, từ nhu cầu của xã hội để nhân rộng, triển khai thường xuyên, lâu dài. Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền; tập huấn, bồi dưỡng; tổ chức thực hiện kịp thời các hoạt động của phong trào; đầu tư và khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; kiên quyết đấu tranh với các hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn về văn hóa; kiểm tra, giám sát.
Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp bám sát Chương trình thực hiện phong trào giai đoạn 2021 - 2026, các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật liên quan, tiếp tục chủ động tổ chức triển khai hiệu quả Phong trào trên địa bàn theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao; bảo đảm bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động của phong trào. Chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở căn cứ vào các quy định, định mức, chỉ tiêu về quy hoạch sử dụng đất, đầu tư công, việc bố trí nhân lực, kinh phí, tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng...
Đối với Bình Thuận, phong trào tiếp tục tập trung thực hiện “Xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các Đoàn thể gắn với tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tạo sự lan tỏa ra ngoài xã hội” theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kế hoạch số 28-KH/TU ngày 28/5/2021. Theo đó, mục tiêu là: Gắn kết và phát huy vai trò của phong trào với phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, đẩy mạnh xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa; thôn, bản, khu phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xã, phường, thị trấn tiêu biểu; tạo chuyển biến tích cực xây dựng con người Việt Nam có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phong trào; huy động mọi nguồn lực xã hội trong các hoạt động phong trào nhằm góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Tập trung mọi nguồn lực thực hiện các nội dung, mục tiêu đề ra đến năm 2026: 80% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 70% số đơn vị hành chính cấp huyện có Nhà Thiếu nhi; 100% đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn có điểm sinh hoạt, vui chơi dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; 60% thư viện, bảo tàng cấp tỉnh thực hiện số hóa tư liệu, hiện vật; 60% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phat-huy-cac-gia-tri-tot-dep-cua-dan-toc-119238.html