Phát hiện biến chủng COVID-19 mới BW.1 mang 54 đột biến, lan nhanh ở Mexico
Các nhà khoa học Mexico vừa xác định tính chất thoát miễn dịch mạnh mẽ của một biến chủng phụ Omicron mới đang dần chiếm tỉ lệ lớn ở nước này là BA.5.6.2.1, còn gọi là BW.1.
Nghiên cứu được thực hiện bởi tiến sĩ Rodrigo Garcia-Lopez từ Viện Công nghệ sinh học Mexico và các cộng sự từ nhiều viện, trường trên khắp Mexico, nhấn mạnh BW.1 có khả năng xuyên thủng miễn dịch ở cả người từng mắc COVID-19 lẫn tiêm chủng COVID-19 và chia sẻ nhiều đặc điểm giống BQ.1.
Theo News-Medical, BW.1 có thể đã xuất hiện ở Mexico vào tháng 7 và cho đến tháng 10 đã thành chủng ưu thế ở khu vực Bán đảo Yucatan.
Riêng tại Mexico, tuy hiện đang trong giai đoạn tạm lắng sau các đợt bùng phát BA.2 và BA.5 nhưng kết quả giải trình tự gien giám sát vài tuần qua cho thấy tỉ lệ lớn của BW.1.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã sử dụng trình tự gien và siêu dữ liệu về BQ.1, BA.5.6.2 và BW.1 từ cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID để tìm hiểu về biến chủng mới này.
Mặc dù nằm trên cây gia đình với BA.5.6 nhưng bộ gien của BW.1 cho thấy những đặc điểm lịch sử tiến hóa chung với dòng BQ.x, cũng là một nhánh của BA.5. Các dấu hiệu tiến hóa hội tụ của các dòng Omicron đã được phát hiện và lưu ý trước đó.
Kết quả cũng cho thấy giống như BQ.1, biến chủng mới BW.1 chứa 54 đột biến trong đó có các đột biến cho phép nó thoát miễn dịch mạnh mẽ. Nó cũng mang một đột biến đáng chú ý là T22942G, không tồn tại trong chủng mẹ là BA.5.6.2.
Trong 54 đột biến BW.1 cũng bao gồm S:L452R là đột biến liên quan đến việc tăng khả năng lây nhiễm; cũng như S:F486V có thể gây giảm hiệu quả của nhiều loại kháng thể đơn dòng. Ngoài ra còn có S:N460K và S:K444T giúp tăng cường khả năng kháng thuốc điều trị bebtelovimab; trong đó đột biến S:N460K còn giúp tăng cường khả năng dung hợp và chống trung hòa của virus.
Như vậy, các tác giả kết luận rằng BW.1 cũng là một dòng có khả năng thúc đẩy làn sóng mới trên khắp thế giới, cần được theo dõi và giám sát. Tin tốt là cũng giống như BQ.1, các nhà nghiên cứu không đưa ra bằng chứng nào cho thấy nó có thay đổi về độc lực (khả năng gây bệnh nặng) so với các Omicron khác.
Trong tổng kết 1 năm kể từ khi Omicron hiện diện (26.11.2021-26.11.2022), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Omicron đã sinh ra hơn 500 hậu duệ trên khắp thế giới, nhưng tin tốt là chưa cái nào đủ sức mạnh để được chỉ định là "biến chủng mới cần quan tâm".
Các hậu duệ Omicron cũng giống dòng "mẹ", gây bệnh nhẹ hơn các biến chủng trước đó, hơn nữa hầu hết cộng đồng cũng đã sở hữu lớp bảo vệ từ vắc-xin và các lần nhiễm trùng trước đó, giúp giảm mạnh nguy cơ bệnh nặng và tử vong.